Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực

Thứ sáu, 23/10/2020, 15:24 GMT+7

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập trực thuộc Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc và ngân hàng. 

 

Điều 1. Cơ sở pháp lý

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực được thành lập theo Quyết định số 124 /QĐ-THNNVN ngày 02/11/2020 của Ban Thường vụ Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực hoạt động theo Luật khoa học và công nghệ ngày 18/06/2013, nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ, Điều lệ và các quy định của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập trực thuộc Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc và ngân hàng. 

Điều 2. Tên gọi và trụ sở

1. Tên tổ chức: Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực;

2. Tên giao dịch quốc tế: Trade Promotion and Human Resources Development Centre;

3. Tên viết tắt: TPHRDC;

4. Trụ sở giao dịch: Số 73 phố Nguyễn Khả Trạc, Phường Mai Dịch, Quận Cầu giấy, thành phố. Hà Nội;

5. Điện thoại: 0919.052.336 / Email: tonghoinongnghiepvietnam@gmail.com

6. Người đại diện: Lê Văn Ngân – Chức vụ: Giám đốc

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Trung tâm làm việc theo chế độ Thủ trưởng, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

2. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán độc lập, tự thu, tự chi, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

3. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nhà nước, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trung tâm và các quy định có liên quan khác do Tổng hội ban hành.

4. Chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Tổng hội về mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tài chính, tài sản.

Điều 4. Chức năng

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực là đơn vị trực thuộc Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học, công nghệ về truyền thông, quảng cáo và  tư vấn, dịch vụ xây dựng và phát triển thương hiệu nông nghiệp, truyền thông về nông nghiệp và phát triển nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực, hướng nghiệp, khởi nghiệp, xuất khẩu lao động; tổ chức sự kiện và xúc tiến thương mại, Hội nghị, Hội thảo; phát triển các mô hình cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.

Điều 5. Nhiệm vụ

1. Tư vấn, dịch vụ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân  theo chức năng của Trung tâm và quy định của pháp luật hiện hành.

2. Tổ chức thực hiện việc biên soạn khung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực, hướng nghiệp, khởi nghiệp, xuất khẩu lao động, tổ chức sự kiện và xúc tiến thương mại.

3. Tổ chức Tập huấn, Hội nghị, Hội thảo nhằm phổ biến, cập nhật chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

4. Cùng với Tạp chí Nông thôn Việt hoặc chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện các chương trình truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xúc tiến thương mại nông nghiệp nhằm phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực, hướng nghiệp, khởi nghiệp, xuất khẩu lao động, tổ chức sự kiện; phản ánh kịp thời các vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường nông nghiệp (bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp) trong phạm vi cả nước.

5. Phối hợp với các đơn vị trong, ngoài Tổng hội tổ chức các sự kiện tuyên truyền quảng bá về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xúc tiến thương mại trong nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

6. Phát hiện, xây dựng, tổ chức tổng kết, đánh giá, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phong trào Xây dựng nông thôn mới, phong trào xóa đói giảm nghèo có sự tham gia của cộng đồng.

7. Xây dựng và thực hiện các đề án, dự án liên quan đến xã hội hóa công tác  đào tạo phát triển nguồn nhân lực và truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xúc tiến thương mại nông nghiệp;

8. Xây dựng và phát triển các mạng lưới truyền thông, phát triển nguồn nhân lực ở phạm vi quốc tế theo phân công của Tổng hội.

9. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài nghiên cứu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xúc tiến thương mại nông nghiệp ở Việt Nam và hợp tác quốc tế theo sự phân công của Tổng hội.

10. Hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức thực hiện các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, tư vấn, tổ chức sự kiện và các dịch vụ khác trong phạm vi lĩnh vực hoạt động của Trung tâm và theo quy định của pháp luật.

11. Hỗ trợ và hợp tác chuyên môn với các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng hội thực hiện nhiệm vụ chung của Tổng hội theo sự phân công của lãnh đạo Tổng hội.

12. Quản lý tài chính, tài sản thuộc Trung tâm theo đúng quy định của Tổng hội và pháp luật của nhà nước;

13. Thực hiện công tác quản lý toàn diện mọi hoạt động của Trung tâm theo quy định của Tổng hội và của pháp luật;

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tổng hội giao.

Điều 6. Cơ cấu Tổ chức:

1. Ban lãnh đạo Trung tâm: Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;

2. Các phòng chức năng:

- Phòng Hành chính – Tổng hợp (bao gồm cả tổ chức, nhân sự);

- Phòng Kế hoạch – Hợp tác quốc tế;

- Phòng Phát triển nguồn nhân lực và khởi nghiệp;

- Phòng Xúc tiến thương mại – Thị trường;

- Phòng Truyền thông – Tổ chức sự kiện;

- Phòng Tài chính – Kế toán.

3. Các đơn vị trực thuộc:

Tùy quá trình hoạt động và sự phát triển của Trung tâm, Giám đốc Trung tâm báo cáo Tổng hội thẩm định trước khi quyết định thành lập các đơn vị hoạt động trực thuộc Trung tâm và báo cáo kết quả với Tổng hội.

Điều 7. Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm

1. Giám đốc Trung tâm do Ban Thường vụ Tổng hội bổ nhiệm, miễn nhiệm. Nhiệm kỳ Giám đốc là 05 năm và có thể được tái bổ nhiệm nhiều lần. Tiêu chuẩn, nguyên tắc, điều kiện, quy trình thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Trung tâm thực hiện theo quy định chung của Tổng hội.

2. Giám đốc Trung tâm trực tiếp quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm chung về toàn bộ hoạt động của Trung tâm trước Ban Thường vụ Tổng hội và trước pháp luật.

3. Thực hiện việc quản lý, sử dụng các bộ, người lao động theo quy định của pháp luật, của Tổng hội và của Trung tâm.

4. Phân công công việc, giám sát việc thực hiện công việc của các phó Giám đốc và bộ phận chức năng của Trung tâm.

5. Là chủ tài khoản của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tổng hội và pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm.

6. Thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Tổng hội, của pháp luật hiện hành và thực hiện các công việc khác do lãnh đạo Tổng hội phân công.

Điều 8. Quan hệ nội bộ trong Trung tâm

  1. Trung tâm hoạt động theo chế độ Thủ trưởng;

2. Các đơn vị trong Trung tâm có chức năng tham mưu và giúp Giám đốc điều hành, triển khai các hoạt động của Trung tâm theo từng lĩnh vực được phân công. Quan hệ giữa các đơn vị thuộc Trung tâm là quan hệ ngang cấp và có trách nhiệm phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

3. Những vấn đề không thuộc chức năng, nhiệm vụ và vượt thẩm quyền giải quyết, trưởng đơn vị báo cáo xin ý kiến Giám đốc Trung tâm xem xét quyết định.

Điều 9. Quan hệ giữa Trung tâm với Tổng hội

1. Giám đốc Trung tâm chịu sự chỉ đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tổng hội về mọi hoạt động của Trung tâm.

2. Quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng hội là quan hệ đồng cấp, phối hợp hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Trường hợp không thống nhất trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng hội, Giám đốc Trung tâm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tổng hội.

Điều 10. Chế độ kỷ luật lao động

Lãnh đạo, người lao động của Trung tâm phải thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ kỷ luật lao động, bao gồm:

1.  Nghiêm túc chấp hành sự điều động, phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Tổng hội, lãnh đạo Trung tâm;

2. Bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, không trốn tránh nhiệm vụ được giao;

3. Không tiết lộ thông tin liên quan đến các hoạt động, chương trình công tác của Trung tâm khi chưa được sự đồng ý của Giám đốc Trung tâm;

4. Sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, có mặt tại cơ quan đúng giờ quy định. Không sử dụng thời gian làm việc của cơ quan để làm việc riêng, không về sớm, không tụ tập gây mất trật tự tại cơ quan;

5. Trong quan hệ công tác phải tuân thủ thứ bậc hành chính, chấp hành quy chế làm việc, cấp dưới phải nghiêm túc chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

6. Không được tự ý bỏ việc; nghỉ việc riêng phải báo cáo theo quy định; khi ra ngoài đơn vị trong giờ làm việc phải báo cáo rõ lý do và được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị;

7. Không được tự ý đưa khách vào nơi làm việc;

8. Thực hiện nghiêm nội quy đơn vị, quy chế văn hóa công sở và các quy định khác về trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động và những điều cấm không được làm.


Người viết : Tổng hợp