Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, vải Lục Ngạn rớt giá
, 01/07/2015, 10:14 GMT+7
Phần lớn điểm cân của thương lái Trung Quốc tại Bắc Giang đã đóng cửa, khiến giá vải cao nhất còn trên dưới 15.000 đồng, có loại xuống kỷ lục 3.000-4.000 đồng một kg.
Mệt mỏi, lo lắng đang là tâm trạng chung của nhiều hộ trồng vải vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) thời điểm này. Để bán được gần 5 tạ vải trong buổi sáng 30/6 với giá 12.000 đồng mỗi kg, ông Phùng Trần Hoạt (thôn Kép 1, xã Hồng Giang) phải di chuyển qua vài điểm cân. "Hầu như các điểm cân của thương lái Trung Quốc đều đóng cửa, hiện chỉ còn tiểu thương trong nước, sức mua cũng cầm chừng. May mắn lắm hôm nay mới bán hết được bấy nhiêu vải với giá ấy", ông nói.
Việc Trung Quốc ngừng thu mua cũng khiến nông dân này và nhiều người khác không khỏi thắc mắc. Mọi năm, các điểm cân của Trung Quốc đều duy trì cho đến hết vụ, khác hẳn với việc đóng cửa khi mùa vải mới được 2/3 chặng đường. Đây cũng là lý do chính khiến giá vải thiều rớt 50-70% chỉ trong vài ngày qua.
Thương lái Trung Quốc về nước sớm hơn mọi năm khiến vải thiều tại Lục Ngạn thậm chí rớt giá kỷ lục còn 3.000-4.000 đồng mỗi kg. Ảnh: Giang Huy |
Cùng thôn với ông Hoạt, cũng trong danh sách các hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGap nhưng chị Nguyễn Thị Loan lại kém may mắn hơn khi đang phải bán vải với giá 4.000 đồng một kg - mức thấp nhất kể từ đầu vụ. Chị cho biết sau đợt bão, nắng nóng liên tiếp khiến vải rụng đầy gốc. Số còn lại trên cây thì mã quả rất xấu nên chỉ bán được với giá vài nghìn đồng mỗi kg cho loại xô - mã hàng lúc đỉnh điểm có thể bán được 12.000-15.000 đồng.
"Cả buổi hái được tạ vải đem đi bán thì tiền thu về không đủ trả chi phí nhân công 200.000 đồng mỗi ngày. Quá ít điểm cân, hàng xấu nên doanh nghiệp trong nước cũng không dám mua số lượng lớn", chị cho hay. Trong khi đó, hiện nhóm mã vùng số 5 còn khoảng 4-5 hộ trồng đang rơi vào tình cảnh tương tự, với tổng cộng trên dưới 20 tấn vải phải thu hoạch gấp.
Ngay như vườn vải lạ của ông Trần Văn Hành (thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn), vài ngày trước vẫn được thương lái săn đón, trả giá cao 30.000-35.000 mỗi kg nhưng nay việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. "Tuy vẫn được giá hơn vải thường trên dưới 20.000 đồng một kg, song để bán được hàng cũng khá chật vật", ông thừa nhận.
Hiện vườn của gia đình ông còn khoảng 8 tấn vải mọc từ thân đã chín đỏ nhưng vẫn chưa thể thu hoạch kịp. Ông dự tính để tiêu thụ hết lượng vải còn lại chỉ còn cách bán cho các đầu mối tại miền Nam với giá 13.000-14.000 đồng mỗi kg.
"Nói vậy nhưng tôi vẫn chưa biết thế nào vì so với cao điểm tiêu thụ 1,5 tấn một ngày thì nay cố lắm mới có thể bán hết được vài tạ. Trước khu vực này có hơn 40 điểm cân của thương lái Trung Quốc thì nay chỉ còn gần 10 điểm thu mua", ông Hành cho hay.
Vụ này, dù đã tiêu thụ vài trăm tấn vải tại thị trường phía Nam, song lãnh đạo một doanh nghiệp thu mua lâu năm tại Lục Ngạn cho biết lãi lời không đáng kể. Ông cho biết đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các thương lái Trung Quốc trong năm nay. Theo ông, nguyên nhân là số lượng tiểu thương Trung Quốc sang quá đông so với thời gian trước.
"Tranh nhau mua nên có thời điểm họ đẩy giá vải lên đến 37.000 đồng mỗi kg, nay một phần vải cuối vụ, phần khác lãi không lớn như kỳ vọng nên họ phải ngừng cân", ông nhận định.
Theo vị này, việc đẩy giá lên quá cao của tiểu thương Trung Quốc cũng khiến doanh nghiệp nội địa gặp khó bởi thị trường trong nước không thể cạnh tranh. Trong khi tâm lý của bà con nông dân luôn muốn đợi giá cao hơn mới hái để bán, nên lúc này lượng vải tại vườn vẫn còn khá nhiều.
Dù giá vải đang ở mức khá rẻ song đại diện doanh nghiệp cho biết đang tính toán về nhu cầu tiêu thụ mới có thể tiếp tục thu mua. Nhưng chắc chắn số lượng không nhiều như trước, bởi rất khó tiêu thụ khi mã hàng và chất lượng không còn như đầu vụ.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn xác nhận việc thương lái Trung Quốc rút về nước sớm hơn dự kiến. Song, qua tìm hiểu, vị này cho biết là do vùng trồng vải Quảng Châu đang vào chính vụ thu hoạch. Mặt khác, thị trường tiêu thụ vải lớn nhất của Việt Nam là Phúc Kiến và Tứ Xuyên đang rơi vào cao điểm nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ vải giảm đáng kể.
"Họ về nước để ưu tiên giải quyết thị trường nội địa cũng là điều dễ hiểu", lãnh đạo huyện cho hay.
Về tình hình tiêu thụ vải thiều, ông Thành cho biết tính đến 29/6, toàn huyện đã tiêu thụ gần 100.000 tấn, dự kiến đến 5/7 sẽ kết thúc vụ. Hiện vải đã vào cuối vụ, 100% chín nên mã hàng không còn đẹp như đầu và giữa vụ. Do đó, địa phương chủ trương tập trung tiêu thụ nội địa và một số tỉnh biên giới, không vận chuyển đi xa vì rất khó bảo quản. Kể cả thị trường Malaysia có nhu cầu nhưng huyện vẫn không xuất khẩu vì muốn giữ uy tín cho thương hiệu quả vải thiều.
Lý giải việc giá vải giảm nhanh, vị này cho hay những năm trước, thương lái Trung Quốc vẫn thu mua tận cuối vụ nên giá vải khá ổn định. Song năm nay, một phần nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi vụ vải thiều của họ lại trùng với Việt Nam nên việc các thương lái về nước sớm đã ảnh hưởng phần nào đến giá bán.
"Hiện gần 90% sản lượng vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ với giá tốt nhất thì 10% còn lại chắc chắn sẽ được giải quyết ổn thỏa", ông Thành khẳng định.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang đến chiều 26/6, việc tiêu thụ vải vẫn diễn ra bình thường. Tính đến cuối tuần trước, đã có 80% lượng vải được bán cho thương nhân với giá trung bình cao hơn 3.000-5.000 đồng mỗi kg so với năm ngoái. Theo cơ quan quản lý, ngay từ đầu mùa, các thương nhân thu mua đã đặt cọc tiền và cam kết thu mua lên đến 90.000 tấn, khoảng 50% tổng sản lượng của Bắc Giang. Bên cạnh đó, khác biệt so với mọi năm là vụ này số lượng thương nhân cũng tăng lên đáng kể khiến nông dân không những không bị ép giá mà còn có quyền chọn đầu mối để tiêu thụ. Hiện nay số vải còn lại chủ yếu ở huyện Lục Ngạn. Còn lại các huyện Lục Nam, Sơn Đông... đã bán hết. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ cho kiểm tra ngay thông tin việc thương lái Trung Quốc ồ ạt rút về nước sớm hơn dự kiến để có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ tại nội địa cho lượng vải cuối vụ của bà con nông dân. |
:
- WB phê duyệt 315 triệu USD hỗ trợ nông nghiệp và giáo dục Việt Nam (01/07/2015)
- Gà Việt khủng hoảng với đùi gà Mỹ rẻ như rau (01/07/2015)
- Tưới nước cho xoài theo công nghệ Israel: Tiết kiệm đến từng giọt (01/07/2015)
- Nông nghiệp Israel: Thiết lập mô hình, nuôi dưỡng sáng tạo (01/07/2015)
- Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi thủy sản dưới tán rừng (01/07/2015)
- Cá ngừ sang Nhật (01/07/2015)
- Vẫn loay hoay việc bỏ 31 loại phí thú y (01/07/2015)
- Hà Nội sẽ có thêm 2 huyện nông thôn mới (29/06/2015)
- Bầu Đức trên đường chiếm ngôi người giàu nhất Việt Nam (29/06/2015)
- "Hai Lúa" chế thuyền năng lượng mặt trời (29/06/2015)