Kiến nghị 8 nhóm vấn đề từ Hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN (AEC) và TPP”
, 25/06/2015, 13:43 GMT+7
Ngày 22/06/2015, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN (AEC) và TPP” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức, nhằm tập hợp ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước có liên quan đến ngành chăn nuôi để phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trong tiến trình hội nhập cộng đồng ASEAN và TPP.
Tham gia hội thảo có đại diện cơ quan quản lý Nhà nước: Văn phòng Chính phủ, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Viện Kinh tế Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành… và hơn 100 doanh nghiệp đại diện trong các lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc và thuốc thú y…
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT VN phát biểu kết luận hội thảo (Ảnh NTV)
Từ các bài tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chủ trì hội thảo, đã tổng hợp, đúc kết về tồn tại, thách thức cũng như triển vọng của ngành chăn nuôi Việt Nam trước thềm hội nhập ASEAN và TPP, đồng thời thống nhất kiến nghị Chính phủ một số nội dung sau:
I. Những tồn tại, thách thức của ngành chăn nuôi:
- Một câu hỏi lớn đặt ra là, sau nhiều năm cả nước quyết tâm đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, nhưng đến nay ngành chăn nuôi mới chỉ chiếm 27% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp là chưa thỏa đáng. Vì sao những khó khăn của ngành chăn nuôi chậm được khắc phục, rủi ro vẫn còn rất lớn, nhiều vấn đề về chính sách vẫn chưa được giải quyết?
- Vì sao các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào ngành chăn nuôi, đến giữa năm 2015, chỉ có 393 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi trên tổng số 500.000 doanh nghiệp trong cả nước, chiếm 0,00078% là con số quá nhỏ bé. Và những doanh nghiệp trong chăn nuôi là những doanh nghiệp nhỏ, vốn rất ít.
- Phải chăng tư duy chăn nuôi ở nước ta vẫn theo kiểu truyền thống, theo kiểu tận dụng, đã ăn sâu và bám rễ trong tư duy của người dân. Nhiều chính sách không đến được với dân và thậm chí có chính sách không có nguồn lực đi theo, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi chưa được hưởng thụ gì mấy về những chính sách liên quan đến tiền của Nhà nước?
- Việc tổ chức lại trong ngành chăn nuôi chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, chưa tạo được doanh nghiệp đầu tàu để tạo liên kết giữa các hộ dân. Áp dụng khoa học công nghệ trong ngành chăn nuôi còn quá chậm, luật pháp nhiều nơi thực hiện không nghiêm nên hợp đồng kinh tế giữa hộ dân với doanh nghiệp thiếu bền vững khiến cho doanh nghiệp không yên tâm và không dám đầu tư với các hộ dân.
- Chi phí đầu vào vẫn rất cao, từ thức ăn chăn nuôi tăng, đến chi chí đầu tư chuồng trại, rồi các loại phí đến xúc tiến thương mại, các thủ tục hành chính… đang đẩy tăng chi phí ngành chăn nuôi.
- Các địa phương vẫn chưa thực sự dành quỹ đất, quy hoạch đất cho phát triển chăn nuôi ở quy mô lớn, các doanh nghiệp thường rất bị động về quỹ đất khi phát triển quy mô chăn nuôi.
II. Những vấn đề đạt được trong hội thảo:
- Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất cao và ghi nhận những cố gắng của ngành chăn nuôi trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 10 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/1/2008 phê duyệt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020. Đáng ghi nhận nhất là lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và lợn và đặc biệt là đàn bò sữa trong những năm gần đây đã tăng nhanh về số lượng, theo đó sản lượng sữa đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước.
- Sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong nước trong những năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây ghi nhận sự tham gia rất hiệu quả của các chủ trang trại, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong đó có ngành chăn nuôi.
- Hội thảo cũng ghi nhận nhiều năm qua Chính phủ, các Bộ, các địa phương đã có nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi và cũng đã dành một phần ngân sách đáng kể để hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi.
Đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh NTV)
III. Thống nhất kiến nghị những vấn đề sau:
Có thể nói rằng khi chúng ta tham gia vào cộng đồng ASEAN và khi thực hiện TPP ngành chăn nuôi là ngành sẽ chịu nhiều tổn thương nhất. Khó khăn lớn nhất là ngành chăn nuôi phải đón nhận một sự cạnh tranh trực diện, gay gắt và khốc liệt. Từ quản lý thị trường còn nhiều vấn đề chưa công khai, tiềm ẩn tiêu cực đến các thủ tục hành chính, vấn đề môi trường… đang là những thách thức đối với doanh nghiệp chăn nuôi.
Tuy nhiên cũng có nhiều lợi thế:
Trước hết chúng ta phải thấy rằng, đối với thị trường trong nước, thị hiếu tiêu thụ của người dân Việt Nam vẫn là ăn thịt tươi, ăn nóng, điều này hàng nhập khó có thể đáp ứng ngay được.
Thứ hai, với lợi thế của vùng tiểu khí hậu, nhiều cây, con đặc sản, chất lượng cao đáp ứng được thị trường trong và ngoài nước không dễ gì có được ở các nước.
Thứ ba, trước khi doanh nghiệp nước ngoài tràn vào Việt Nam sau khi hội nhập, ngành chăn nuôi tại Việt Nam cần phải có khoảng trống của lộ trình giảm thuế, đủ điều kiện, đủ thời gian để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại chính mình. Đồng thời, chính phủ Việt Nam có đủ thời gian để điều chỉnh chính sách và dựng hàng rào kỹ thuật thuế quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị đủ điều kiện hội nhập thị trường.
Thứ tư, phải khẳng định ngành chăn nuôi hoàn toàn có khả năng vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển. Trong “gam màu” tối sáng ấy, màu sáng vẫn lớn hơn.
Có thể nói rằng, còn rất nhiều khó khăn và muốn để vượt qua được những khó khăn ấy chúng ta tham gia vào cuộc chơi chung, hội thảo đã tập trung kiến nghị 8 nhóm vấn đề sau:
1. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rất cụ thể về các hiệp định thương mại TPP để người dân hiểu, doanh nghiệp hiểu những yêu cầu, áp lực cụ thể của TPP. Và đặc biệt để đội ngũ công chức trong hệ thống hành chính nhà nước hiểu rõ về TPP để có trách nhiệm, tận tình với người dân.
2. Tổng hội sẽ chịu trách nhiệm kiến nghị với Chính phủ để yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục rà soát lại các quy định đang đè lên ngành chăn nuôi, trước hết là các thủ tục hành chính và các loại phí. Từ đó khẩn trương đưa ra được những chính sách phù hợp với TPP để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển.
3. Đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ rà sát lại các yếu tố quản lý nhà nước để làm minh bạch thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, kiên quyết chống tiêu cực trong lĩnh vực quản lý thị trường, thuế vụ, hải quan, chống bán phá giá, quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây thực sự là những yếu tố làm tăng chi phí cho ngành chăn nuôi. Những công việc ấy phải được gắn với cải cách hành chính sâu hơn nữa và cụ thể hơn nữa.
4. Đề nghị Nhà nước sớm có luật Hội để tạo điều kiện cho Hội thực sự là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với Nhà nước. Trong khi chưa có luật của Hội, đề nghị Chính phủ cần có những quy định để tạo điều kiện cho các Hội tham gia từ đầu với các chính sách liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi… của ngành chăn nuôi, nhằm tạo cơ sở cho các Hội thực sự là cầu nối giữa hộ dân với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với chính phủ, chính quyền địa phương. Đề nghị với Chính phủ sớm triển khai chuyển giao một số công việc, những dịch vụ công từ cơ quan quản lý Nhà nước sang các hội nghề nghiệp gắn với các danh mục cụ thể, sản phẩm nào, loại nào cần phải chuyển giao cho các hội nghề nghiệp.
5. Để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách cụ thể về đất đai và yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc những điều quy định của Luật. Về vốn vay, cần có mức lãi suất ưu đãi và nới rộng thời gian đáo hạn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp đầu tư lớn về chuồng trại, cơ sở vật chất, giống…, cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, lựa chọn và phát triển những sản phẩm thay thế hàng nhập để làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, góp phần chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước; tăng cường đầu tư hạ tầng các vùng chăn nuôi tập trung.
6. Tổng hội cùng với các Hội nghề nghiệp sẽ tiếp tục trình lên Chính phủ các chính sách khuyến khích để khai thác phát triển giống vật nuôi lợi thế hiện có ở Việt Nam, để sử dụng tối đa lợi thế sản phẩm đặc sản Việt Nam trong cạnh tranh mà các quốc gia khác không thể có được. Có như vậy chúng ta mới phát huy được lợi thế của quốc gia.
7. Đề nghị chuyển hướng nghiên cứu một số lĩnh vực như con giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào giết mổ, xây dựng thương hiệu, xây dựng xuất xứ sản phẩm từ cơ quan nghiên cứu của Nhà nước sang cho doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu và tổ chức triển khai ngay, ứng dụng ngay tại chính doanh nghiệp mình.
8. Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, nhất thiết phải đi bằng hai chân như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã nêu đầu năm 2015 cho toàn ngành nông nghiệp, là khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Vậy, chính sách cần tập trung cao hơn vào xây dựng, hỗ trợ để tạo ra những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đầu tàu. Những doanh nghiệp đó sẽ thu hút vệ tinh là các hộ dân, trang trại, hợp tác xã đi theo hướng thị trường, hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm trong ngành chăn nuôi từ khâu giống đến chuồng trại, chế biến đến tiêu thụ và tới tận bàn ăn…
:
- WB phê duyệt 315 triệu USD hỗ trợ nông nghiệp và giáo dục Việt Nam (01/07/2015)
- Gà Việt khủng hoảng với đùi gà Mỹ rẻ như rau (01/07/2015)
- Tưới nước cho xoài theo công nghệ Israel: Tiết kiệm đến từng giọt (01/07/2015)
- Nông nghiệp Israel: Thiết lập mô hình, nuôi dưỡng sáng tạo (01/07/2015)
- Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi thủy sản dưới tán rừng (01/07/2015)
- Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, vải Lục Ngạn rớt giá (01/07/2015)
- Cá ngừ sang Nhật (01/07/2015)
- Vẫn loay hoay việc bỏ 31 loại phí thú y (01/07/2015)
- Hà Nội sẽ có thêm 2 huyện nông thôn mới (29/06/2015)
- Bầu Đức trên đường chiếm ngôi người giàu nhất Việt Nam (29/06/2015)