Phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với xây dựng NTM

Phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với xây dựng NTM

Thứ ba, 03/11/2015, 08:44 GMT+7

Sáng 3/11 tại TPHCM, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp, tìm ra những điều kiện, giải pháp, để từ đó kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương sớm có những cơ chế, chính sách cụ thể, tháo gỡ khó khăn; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020 là: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 47% vào năm 2020…; tạo hiệu quả kinh tế cao cho ngành trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ.

Hội thảo có sự tham dự của ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNTVN; ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội NN&PTNT; ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; GS.TS. Võ Đại Hải - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp Trung ương và các địa phương, hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản các địa phương; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, khai thác, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong cả nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

DSC_3229

Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT VN, ông Hồ Xuân Hùng phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: NTV)

Theo Quyết định 899/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đối với lĩnh vực lâm nghiệp có nội dung sau: Tập trung phát triển và tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng cả nước, phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề trồng rừng; tiếp tục thực hiện giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho người dân; Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNTVN cho biết, thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp, tính từ năm 2004 đến 2014, Việt Nam có 642 nông, lâm trường được Nhà nước giao đất, thuê đất với tổng diện tích chiếm 90% diện tích đất sử dụng. Tuy nhiên trong 10 năm thực hiện, hiệu quả kinh tế từ ngành trồng, khai thác rừng, chế biến gỗ và các loại lâm sản đã bộc lộ sự bất tương xứng với nguồn lực tài nguyên được giao khi tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường chỉ đạt 1.809 tỷ đồng. Một thực tế đang tồn tại là việc sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tài nguyên đất mà hậu quả kéo theo là sự cạn kiệt tài nguyên, tụt hậu về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội của người dân ở các địa phương.

Trong khi đó, ngành gỗ được xác định là một trong những ngành chủ lực của Việt Nam. Tiềm năng từ việc phát triển, khai thác của ngành là rất lớn. Tính đến quý II/2015, giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 6,3 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào cuối năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Vì vậy việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một nhu cầu cấp thiết gắn với việc phát triển kinh tế, đời sống xã hội như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đề ra. Năm 2015 là năm bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng. Năm 2015, ngoài 8 hiệp định thương mại đã ký kết trước đó, Việt Nam đang thảo luận, tiến tới ký kết 6 hiệp định thương mại tự do, và gần đây nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Vấn đề đặt ra là kinh tế Việt Nam nói chung, ngành lâm nghiệp nói riêng cần chuẩn bị những gì để tạo được vị thế trong sân chơi nhiều thách thức này. Một điểm cũng đáng lưu ý là tình trạng khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ vẫn đang ở mức báo động, khiến cho giá trị khai thác rừng bị giảm, hậu quả về lâu dài là vô cùng to lớn.

Cần đẩy mạnh mô hình phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới (Ảnh:CTV)

Cần đẩy mạnh mô hình phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới (Ảnh:CTV)

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2 - 16,5 triệu ha, trong đó: rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha và rừng đặc dụng 2,271 triệu ha. Theo đó, sẽ điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng theo hướng các tổ chức của nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 50% tổng diện tích rừng toàn quốc, bao gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, 65% diện tích rừng phòng hộ và 30% diện tích rừng sản xuất. Thúc đẩy các loại hình tổ chức quản lý bảo vệ rừng phát triển theo hướng bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo tính phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong lâm nghiệp. Đồng thời, xây dựng mô hình hợp tác trong lâm nghiệp, đưa số hợp tác xã trong lâm nghiệp ít nhất tăng 200% vào năm 2020 so với năm 2011. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế và các hình thức đa dạng, linh hoạt để nông dân, hộ gia đình góp giá trị quyền sử dụng đất cùng doanh nghiệp nhằm tập trung tích tụ đất cho tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn. Phát huy vai trò của trang trại, gia trại lâm nghiệp; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền lâm nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại và gia trại; xây dựng tiêu chí gia trại, đưa số trang trại, gia trại lâm nghiệp lên 150%  vào năm 2015 và 200% vào năm 2020 so với năm 2011.

"Về huy động và xử dụng các nguồn lực tài chính, cần tập trung huy động các nguồn vốn ODA, nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Đầu tư ngoài ngân sách là nguồn lực tài chính chủ yếu được huy động và sử dụng đầu tư phát triển lâm nghiệp trong thời kỳ tới. Để trồng gần 3 triệu ha rừng cần khoảng 40.000 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nhu cầu vốn. Đặc biệt tăng nhanh trong thời kỳ tới là nguồn vốn từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, dự kiến đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm", ông Ngãi cho biết thêm.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu đồ gỗ hiện đứng vị trí thứ 6 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trên bình diện thế giới, Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5, vị trí thứ 2 trong châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng (chỉ có năm 2009 giảm) trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ mây, tre của Việt Nam đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha...; trong đó thị trường Mỹ chiếm đến trên 19% thị phần; thị trường Nhật Bản chiếm gần 17% thị phần.

Theo GS.TS. Võ Đại Hải - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, để phát triển bền vững kinh tế rừng cần thực hiện một số giải pháp: Phát triển kinh tế lâm nghiệp cần phải phát triển đồng bộ theo hướng tổng hợp, bao gồm cả giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường, không được xem nhẹ giá trị nào; phải phát triển cả rừng trồng và rừng tự nhiên; đẩy mạnh hợp tác liên doanh, liên kết 4 nhà trong sản xuất lâm nghiệp; sắp xếp lại các lâm trường, công ty lâm nghiệp cho hiệu quả hơn; đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng giống mới vào trồng rừng sản xuất, ưu tiên các giống mới; hoàn thiện các quy chế quản lý rừng và cơ chế hưởng lợi cho các thành phần kinh tế..

Ông Nguyễn Văn Bài - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị chia sẻ chính sách và thực tiễn tỉnh Quảng Trị về phát triển kinh tế rừng gắn với việc xây dựng nông thôn mới: Quảng Trị là một tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Bắc Trung bộ, có tổng diện tích tự nhiên 473.982ha với 3/4 diện tích là đất đồi núi và cát ven biển, có điều kiện tự nhiên, khí hậu và tiềm năng đất đai thuận lợi cho việc phát triển lâm nghiệp. Từ một tỉnh có độ che phủ rừng chỉ đạt 20,4% (theo Kết quả kiểm kê rừng của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/5/1990) đến nay đã đạt 48,6% (năm 2014), tăng 28,2%. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, chống cát bay vùng biển và cải thiện đời sống kinh tế cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Trị cũng đã huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các thành phần kinh tế vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Để phát triển kinh tế rừng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, ông Bài đề xuất: Đối với hộ gia đình, nhóm hộ: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích  trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trồng, được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để tạo động lực việc phát triển rừng. Đối với các tổ chức: Nhà nước cần có chính sách miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất đối với những diện tích trồng rừng, chuyển hóa và chủ động chuyển đổi phương thức kinh doanh gỗ lớn, nhằm giảm bớt khó khăn cho  các tổ chức, công ty lâm nghiệp thực hiện. Giảm 50% tiền thuê đất và thuế sử dụng đất lâm nghiệp đối với những diện tích trồng rừng, chuyển hóa rừng để kinh doanh gỗ lớn cho các chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Đề nghị trích lại 10% thuế của các doanh nghiệp chế biến gỗ đã đóng cho Nhà nước hỗ trợ lại cho việc phát triển rừng.

Theo PGS.TS Bùi Thế Đồi - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp chế biến gỗ năm 2014 của Việt Nam đạt 8,3 tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu là 6,3 tỷ USD; tổng giá trị tiêu thụ nội địa là 2 tỷ USD. Tổng số có 3.934 doanh nghiệp chế biến gỗ và kinh doanh lâm sản, trong đó, tư nhân là 3.214 doanh nghiệp (chiếm gần 81,7%); doanh nghiệp FDI (51 doanh nghiệp, chiếm 14,0%); doanh nghiệp nhà nước (169 doanh nghiệp, chiếm 4,3%).

DSC_3516

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Hà Công Tuấn phát biểu kết luận hội thảo (Ảnh: NTV)

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Hà Công Tuấn đánh giá cao vai trò của Tổng hội NN-PTNT Việt Nam đã tổ chức hội thảo phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo cầu nối cho các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và các doanh nghiệp tìm ra những điều kiện, giải pháp để phát triển rừng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ một cách bền vững. Lâm nghiệp là ngành có giá trị xuất siêu rất cao, dự kiến năm 2015 xuất siêu khoảng 7 tỷ USD và thị trường trong nước khoảng 3 tỷ USD. Trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động theo "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đối với lĩnh vực lâm nghiệp", nhằm nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề trồng rừng; tiếp tục thực hiện giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho người dân; nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng.


Người viết : THNN