Vì sao Bộ Công thương đề xuất cho xuất khẩu gạo trở lại?
Có thể có độ vênh về số liệu thực tế giữa sản lượng gạo còn tồn trong dân và số liệu mà Bộ Công thương nắm được nên bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thời gian để xác minh lại và có phương án điều hành tốt nhất.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định không có chuyện yêu cầu doanh nghiệp hủy hợp đồng xuất khẩu gạo mà là giãn tiến độ hợp đồng xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng, hạn mặn xảy ra và nhu cầu lương thực thế giới tăng cao.
Quan điểm điều hành trong bối cảnh hiện nay là ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực cho người dân lên hàng đầu và hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, người nông dân.
Ông Khánh cho biết trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20 - 25% tùy theo từng chủng loại.
"Đứng trước tình hình đó nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm, thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước" - ông Khánh nhấn mạnh.
* Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn mà Bộ Công thương đã cùng lúc đưa ra hai kiến nghị khá bất nhất về việc tạm giãn và sau đó cho xuất khẩu gạo trở lại. Vậy lý do là gì, thưa ông?
- Với sản lượng hiện nay đã thu hoạch 9 triệu tấn thóc, tương đương 4 triệu tấn gạo, trong điều kiện bình thường tôi khẳng định sẽ không thiếu gạo, mà còn vừa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng những tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 diễn biến đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu nhu yếu phẩm, trong đó có gạo đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh. Điều này gây nên sự bất định vì không biết lúc nào dịch bệnh mới được kiểm soát, nhu cầu dự trữ gạo của thế giới ra sao.
Thêm nữa hiện nay giá cả mặt hàng gạo trong nước cũng đã tăng từ 20-25%. Dịch bệnh được dự báo diễn biến phức tạp, nên có thể tác động tiềm ẩn tới tâm lý của người dân, có thể vì dịch bệnh mà người dân đổ xô đi mua tích trữ.
Vì vậy, trên cơ sở dự phòng yếu tố bất định, các số liệu đã có, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ hai phương án, trong đó có phương án là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo tới tháng 5/2020. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng đây là yêu cầu giãn tiến độ hợp đồng xuất khẩu chứ không huỷ hợp đồng.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương nhận được phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương vùng ĐBSCL, cho rằng có thể số lượng gạo tồn kho ở trong dân lớn hơn, tình hình xuất khẩu trong tháng 3 có thể không tăng mạnh như dự báo, nên xuất hiện nhu cầu phải xác minh lại.
Vì vậy chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Công thương thời gian để làm việc với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cho phép kiểm tra lại một lần nữa số lượng sản lượng vụ Đông Xuân, lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, để có Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định.
* Bộ Công thương có vai trò trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, vậy tại sao lại có độ vênh về số liệu với các địa phương, doanh nghiệp, thưa ông?
- UBND các tỉnh và doanh nghiệp cho rằng có thể có độ vênh về mặt số liệu giữa sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3. Doanh nghiệp cho biết lượng gạo xuất khẩu trong tháng 3 chững lại và không lớn. Một số tỉnh cũng cho biết lượng tồn kho còn trong dân và lượng dự trữ có thể lơn hơn.
Có độ vênh về số liệu cũng là dễ hiểu. Bởi trước đây lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng gạo tồn kho Bộ Công thương nắm rất chắc thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam, doanh nghiệp. Tuy nhiên sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thì Bộ Công thương không còn số liệu này nữa do thị trường gạo đã tự do hóa hoàn toàn.
Theo đó, mọi số liệu chính thống mà Bộ có được là từ Hiệp hội Lương thực, Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Thống kê… và chúng tôi điều hành trên cơ sở này. Tôi nhấn mạnh, trong trường hợp bình thường, với sản lượng hiện nay thì hoàn toàn có thể cân đối phù hợp, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn mặn, nhiều bất ổn khó lường, nên cần phải có thời gian để đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Vì vậy chúng tôi kiến nghị Thủ tướng cho thêm thời gian để xác minh lại với doanh nghiệp. Nếu Thủ tướng đồng ý thì chúng tôi sẽ làm việc sớm với UBND các tỉnh ĐBSCL và doanh nghiệp xuất khẩu chủ chốt để nắm lại số lượng chuẩn xác nhưng trên tinh thần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
* Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo là tạm dừng xuất khẩu gạo. Vậy Bộ có đánh giá tác động doanh nghiệp hay không và có hỗ trợ gì?
- Chúng tôi có đánh giá. Cụ thể, khi đưa ra một số phương án cho Thủ tướng và Thường trực Chính phủ lựa chọn, chúng tôi đưa ra hai phương án, một là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến giữa tháng 5 và hai là đưa ra chế độ giấy phép, miễn là làm sao kiểm soát xuất khẩu, vừa đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký và đảm bảo an ninh lương thực cho người dân là yếu tố quan trọng nhất.
Sau khi cân nhắc ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng quyết định tạm giãn tiến độ trong 2 tháng đến cuối tháng 5/2020. Khi tạm giãn như vậy sẽ xuất hiện một số vấn đề, đó là với hợp đồng đã ký với bên ngoài doanh nghiệp có thể sử dụng biện pháp đây là trường hợp bất khả kháng, quyết định của Chính phủ, không phải là hủy hợp đồng mà là tạm giãn tiến độ, phần nào cho thấy doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng đó.
Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vì phải vay vốn ngân hàng, thì dự kiến Bộ Công thương sẽ làm việc với ngân hàng để giãn thời gian trả nợ. Chúng ta cần phải có kiểm soát đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, đặt mục tiêu đó là cao nhất. Còn những câu chuyện khó khăn đến với doanh nghiệp cũng là dễ hiểu, nhưng chúng tôi cũng đã tính toán để có phương án giảm thiểu khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gạo bức xúc Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), tỏ ra bức xúc trước việc đột ngột "cấm" xuất khẩu gạo. "Thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi không kịp trở tay. Hàng hóa đã đóng bao, in nhãn mác, đóng container đưa ra cảng chuẩn bị xuất khẩu rồi nằm đó thiệt hại ai chịu trách nhiệm. Hợp đồng đã ký với đối tác giờ không thể giao được phải đền bù, ảnh hưởng đến uy tín ai chịu trách nhiệm. Giá lúa ngay lập tức đã giảm xuống sau lệnh cấm xuất khẩu gạo, thiệt hại chính là người nông dân. Việt Nam không thiếu gạo xuất khẩu, lẽ ra nhân cơ hội thế giới đang cần thì phải khuyến khích xuất khẩu với giá cao", ông Bình cho biết. Cũng theo ông Bình, quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo chưa khảo sát tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. "Bài học cấm xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn đó, chúng ta lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao mà còn bị ảnh hưởng uy tín trong xuất khẩu các năm tiếp theo", ông Bình nói. Theo ông Vũ Duy Hải - Tổng giám đốc Công ty Vinacam, quyết định ngưng xuất khẩu gạo là quá đột ngột và không dựa vào những thông tin về mùa vụ và đánh giá cơ hội xuất khẩu của gạo Việt Nam khiến doanh nghiệp không thể trở tay kịp với "lệnh cấm" này khi hợp đồng đã ký và nguy cơ đền hợp đồng là rất lớn. Ông Hải phân tích trong thời gian qua có hiện tượng gạo trong nước hút hàng bởi tâm lý lo lắng của người dân vì dịch bệnh. Theo đó nhiều người tăng mua gạo để dự trữ trong nhà dẫn đến siêu thị hết hàng và đẩy mạnh mua từ các nhà cung cấp gạo. "Nhưng dân mua nhiều thì gạo chỉ chuyển từ kho nhà máy vào nhà dân chứ gạo không mất đi. Người dân cũng không thể tăng tiêu thụ gạo lên gấp đôi ngày thường được do đó trong 5-6 tháng tới gạo sẽ giảm giá", ông Hải nói. Đối với xuất khẩu, ông Hải cho rằng Bộ NN&PTNT cho biết Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay. ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân là nguồn cung quan trọng nhất của cả năm. Người dân thời gian qua bị thiệt hại nặng nề do giá cả nông sản giảm sút, tình hình hạn mặn nghiêm trọng lẽ ra được bán lúa giá cao thì nay lại khó tiêu thụ nếu như doanh nghiệp ngưng mua vì không thể xuất khẩu. "Lẽ ra trong bối cảnh hiện tại thì phải khuyến khích xuất khẩu để tăng giá mua lúa cho nông dân. Trong khi đó cần định hướng xuất khẩu gạo giá cao để tận dụng cơ hội thay vì ngưng xuất khẩu", ông Hải chia sẻ quan điểm. Theo PGS.TS Trần Tiến Khai (Đại học Kinh tế TP.HCM), quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo không nên đột ngột như vậy với một mặt hàng xuất khẩu quan trọng như lúa gạo. "Đúng là trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì cần chú trọng an ninh lương thực trong nước nhưng phải dựa trên căn cứ vào số liệu sản xuất, tình hình tiêu thụ, an ninh lương thực và khả năng xuất khẩu. Nếu chưa rõ ràng thì có nhiều hình thức để hạn chế và kiểm soát xuất khẩu để đạt mục giảm xuất khẩu, tăng giá trị mà không cần phải ngưng ngay. Lịch sử đã cho thấy chúng ta đã lỡ cơ hội xuất khẩu gạo giá cao khi cấm xuất khẩu gạo trước đây". TRẦN MẠNH |