'4 nhà' làm cánh đồng tôm lớn

'4 nhà' làm cánh đồng tôm lớn

Thứ sáu, 10/04/2015, 15:49 GMT+7

Với sự tham gia của “4 nhà”, mô hình cánh đồng tôm lớn (CĐTL) tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khâu khó nhất là đầu ra của sản phẩm đã được đảm bảo.

Mô hình CĐTL ổn định và mang lại thu nhập khá cao cho người dân
Mô hình CĐTL ổn định và mang lại thu nhập khá cao cho người dân

Đầu năm 2013, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải tiến hành xây dựng dự án CĐTL, hỗ trợ nhân rộng SX trong xây dựng nông thôn mới đối với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (ít thay nước). Đây là mô hình kinh tế tập trung, mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững. Hàng năm, người dân có nguồn thu trung bình từ 60 - 80 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết: Xã Định Thành được chọn là nơi thí điểm đầu tiên làm CĐTL trên diện tích 83 ha, với sự tham gia của 43 hộ dân trong tổ hợp tác (THT) Tiền Phong ở ấp Cây Giá. Sau 2 năm mô hình được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện. Điểm nổi bật nhất của CĐTL là có sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Ngọc Cẩn, Tổ trưởng THT Tiền Phong phấn khởi cho biết, làm trong CĐTL tuy khó về kỹ thuật nhưng được lợi đủ điều. “Cái lợi lớn nhất là thường xuyên được tham gia những buổi hội thảo, tập huấn để học hỏi kỹ thuật. Đặc biệt, làm CĐTL chúng tôi được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài”, ông Cẩn nói.

Từ trước đến nay bà con nuôi tôm luôn phải bồn chồn lo lắng khi sản phẩm của mình làm ra bán bị ép đầu, ép đuôi. Tuy nhiên, trong năm 2014, doanh nghiệp đã đến, họ đảm bảo cung cấp giống, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nuôi VietGAP và đảm bảo đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Ông Dương Minh Đoàn, thành viên của THT Tiền Phong cho biết, mỗi năm gia đình ông có thêm cả chục triệu đồng nhờ Cty mua với giá cao. Nhà ông Đoàn có 2,6 ha đất nuôi tôm, năm rồi ước thu khoảng 270 triệu đồng, trừ hết chi phí ông lời 200 triệu. “Nếu Cty không mua giá cao thì lời không đến 200 triệu, và không làm trong CĐTL thì không thể trúng như vậy được”, ông Đoàn khẳng định.

“Chúng tôi đang cần những mô hình hiệu quả như CĐTL để phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân. Trước thành công của mô hình, chắc chắn trong tương lai gần sẽ được nhân rộng trên địa bàn”, ông Túy nhấn mạnh.

Ông Hồ Hoàng Thống, một hộ dân làm CĐTL tại xã Định Thành cho biết: Từ khi được sự quan tâm của các cấp chính quyền triển khai thực hiện CĐTL, "4 nhà" cùng nhau làm, năm rồi bà con ai cũng được mùa, rất phấn khởi.

Theo ông Thống, làm nông nghiệp bây giờ phải hướng theo khoa học kỹ thuật. Cụ thể, Sở Khoa học - công nghệ Bạc Liêu hỗ trợ vi sinh để nuôi tôm hiệu quả hơn. “Để nắm vững kỹ thuật canh tác nuôi thì phải nhờ sự giúp đỡ từ nhà nước. Nhà doanh nghiêp bên cạnh việc cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật còn đảm bảo đầu ra. "4 nhà" làm thế này sao lại không tốt được”, ông Thống cởi mở.

Từ thành công của mô hình CĐTL, nhiều bà con địa phương đã tự động xin gia nhập vào các THT để cùng làm cùng hưởng lợi. Đến nay, xã Định Thành đã có 119 hộ tham gia CĐTL với diện tích 212 ha.

Với thế mạnh phát triển thủy sản, huyện Đông Hải đã nhanh chóng nhân rộng mô hình CĐTL lên hàng trăm ha và đã được phổ biến tại các xã Định Thành, Long Điền, Long Điền Tây…

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: Năm 2014 là một năm thành công trong nuôi trồng thủy sản của huyện Đông Hải với tổng sản lượng đạt 57.400 tấn, trong đó chủ yếu là tôm nuôi (31.000 tấn) vượt kế hoạch đề ra.

Có được thành quả trên, cũng nhờ bà con đã cởi mở hợp tác cùng chính quyền và doanh nghiệp, trong đó có đóng góp của mô hình CĐTL.

 

 


Người viết : Trần Hiếu (Nongnghiep)