"Át chủ bài" cho cánh đồng mẫu lớn Phú Thọ

"Át chủ bài" cho cánh đồng mẫu lớn Phú Thọ

Thứ sáu, 30/01/2015, 16:37 GMT+7

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc một buổi đi thăm cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) đã mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nếm một giống lúa hoàn toàn lạ lẫm có nguồn gốc từ Nhật: J02.

Lúa J02 đang khẳng định ưu thế trên đất Tổ.
Lúa J02 đang khẳng định ưu thế trên đất Tổ.

Nếu không có GS.TS Đỗ Năng Vịnh giới thiệu có lẽ mọi người cũng sẽ nhầm lẫn đây là một giống lúa nếp vì dạng hạt tròn ung ủng hệt như nhộng ong.

CĐML, nói thì dễ nhưng thực hiện khó chẳng khác gì bắc thang lên giời. Hỗ trợ cải tạo nội đồng, cung ứng vật tư, giống, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ… Tất tật đều có thể thực hiện nhờ vào tiền hỗ trợ nhưng khâu bí nhất của CĐML chính là tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều địa phương loay hoay mãi với câu hỏi lựa chọn cây trồng gì mới bán được mà không xong. Không có khâu tiêu thụ lập tức CĐML thất bại, bị biến thành một kênh để doanh nghiệp giống, vật tư tuồn sản phẩm vào.

Bởi thế khi 812 hộ dân Cao Xá cùng nhau đăng ký làm CĐML với diện tích 60 ha nhiều người ngoài cuộc không khỏi thấp thỏm dù cho Cty CP Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã có cam kết bảo hiểm về năng suất. Họ bảo đã có bảo hiểm về tiêu thụ đâu nên vẫn lo.

Cuối cùng ngày thu hoạch cũng đã đến. Năng suất của CĐML hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra (65 - 70 tạ/ha). Vậy là đã yên tâm phân nửa. Còn về chất lượng? Chẳng phải chờ đợi lâu, hội nghị đánh giá chất lượng J02 của Viện Di truyền nông nghiệp tổ chức tại Phú Thọ khiến ai nấy đều tấm tắc với bát cơm đậm đà, thơm dẻo trên tay.

Sau bữa tiệc, còn thừa vài mâm, mấy người trong Ban tổ chức định đem bỏ thì chị nhà bếp vội vã can: “Ấy, thức ăn cứ bỏ tất đi cũng được nhưng đừng bỏ cơm, để tất đấy cho chị mang về nhà”. Rồi chị lân la hỏi: “Gạo này là giống gì mà ngon thế”. “Gạo Nhật”. “Gạo Nhật bọn chị vẫn đặt mua ở siêu thị về nấu nhưng nhạt và không ngon được như thế này. Nấu cơm hội nghị mãi nên chị còn lạ gì nữa”.

Một hội nghị khác ở Thái Nguyên, người đầu bếp đã phải thốt lên rằng: “Chưa từng ăn loại cơm nào ngon như thế này. Ở quê tôi có giống Bao Thai tưởng đã là ngon nhưng vẫn còn thua”.

Cuối hội nghị, còn bao nhiêu cơm thừa trong nồi, mấy người phục vụ tranh nhau chia cho bằng hết. Thời buổi ăn no, mặc ấm này chuyện xin cơm thành ra khá đặc biệt.

Quay trở lại chuyện CĐML ở Cao Xá, bởi chất lượng sản phẩm nên đầu ra hết sức thuận lợi. Doanh thu vụ xuân trên 70 triệu đ/ha, lợi nhuận 29 triệu đ/ha (cao hơn từ 13 - 16 triệu đ so với SX giống lúa thông thường), vụ mùa cho gần 100 triệu đ/ha, lợi nhuận 40 triệu đ/ha (cao hơn 20 triệu đ so với SX giống lúa thông thường).

Đối với những địa phương cũ có kinh nghiệm thì không lo nhưng những huyện mới làm, nhiều nông dân vẫn còn băn khoăn. Thế nên Cty quyết định ngâm mạ, cấp mộng trong những gói nhỏ rồi chở đến tận nơi. Nông dân thấy cách làm này vừa chắc ăn lại vừa nhàn chỉ có nước cười khanh khách.

Vậy là chẳng cần khuyến cáo gì nữa, vụ xuân 2015 Cao Xá tự định hướng sẽ phát triển khoảng 250 ha J02. Thấy được hướng đi mới, tỉnh Phú Thọ cũng quyết định đưa CĐML vào thành chủ trương, đường lối trong đó “át chủ bài” là J02.

Từ thành phố Việt Trì đến các huyện miền núi, nơi ít cũng đăng ký vài chục ha, nhiều thì cả ngàn ha nâng tổng số lên thành 1.200 ha. Thanh Ba là huyện thực hiện diện tích lớn nhất, “đặt cọc” giống ngay từ đầu và hỗ trợ dân 10.000 đ/kg. Không hề kém cạnh, huyện Thanh Thủy xuất tiền hỗ trợ dân toàn bộ giống.

Không chỉ nằm trong phạm vi nội tỉnh, giống lúa Nhật đã lan ra bên ngoài với tốc độ khá nhanh. Các tỉnh miền núi phía Bắc có tiểu khí hậu thích hợp với J02 thích đã đành mà ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió cũng bắt đầu quen.

Số là một lãnh đạo ở đây sau khi đi thăm Nhật đã bị hạt gạo xứ sở Phù Tang “bỏ bùa”. Về nhà, nghe tin trên báo đài ở Phú Thọ cũng có giống lúa ấy ông liền liên lạc rồi được gửi tặng vài cân gạo dùng thử.

Ngay sau bữa cơm, ông đã gọi cho bà Nguyễn Thị Tâm, GĐ Cty CP Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam bằng giọng đầy phấn khích: “Đúng là thứ gạo từng làm tôi mê mẩn khi sang Nhật rồi chị ạ! Có gì chị lưu ý giúp địa phương tôi ít giống để trồng thử xem sao nhé!”.

Trước nhu cầu lớn của thị trường, trước thực tế khâu SX giống ở miền Bắc quá manh mún Cty đã phải bàn cách hợp tác với các địa phương ở miền Trung để mở rộng thêm diện tích. Mới đây nhất, một doanh nghiệp ở Hải Phòng cũng đã đánh tiếng xin Cty cho làm đối tác trong việc xuất khẩu gạo. Vậy là khép kín một quy trình từ SX đến tiêu thụ của CĐML.

Trại Nậu Phó (trực thuộc Cty CP Giống - Vật tư Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam) một ngày đầu năm, Phó TGĐ còng lưng cào lúa, người trợ lý bận rộn sục tay vào từng mớ mạ ủ trong nhà. Việc ngâm ủ J02 không chỉ ở trại Nậu Phó mà còn ở cả trại Cao Xá với tổng số lượng trên 30 tấn. Mọi thứ tất bật cho một kế hoạch cấy xong trước Tết. Sở dĩ có chuyện ngâm ủ này là bởi J02 có vỏ trấu rất dầy.

 

 


Người viết : Vân Đình (Nongnghiep.vn)