Trao đổi với chúng tôi, anh Quách, chủ vựa xay xát lúa gạo Quách An ở thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết: Do diện tích lúa của hầu hết nông dân trong vùng khá manh mún, chỉ chừng vài héc-ta mà lại không xuống giống đều đặn nên thời gian thu hoạch cũng vênh nhau.
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu mua lúa gạo vì chúng tôi không thể kiểm soát tất cả các chân ruộng đã chín hay chưa. Vả lại, nhiều khi biết nhưng cũng không thể thu mua tận nơi vì diện tích quá ít. Chính vì thế, các cò lúa ở đây đã có cơ hội vì thông thường họ là người dân địa phương, thông thạo địa hình cũng như nắm thông tin về những thửa ruộng của nông dân.
Ngoài ra, do đường giao thông vùng này chủ yếu là dùng ghe cũng làm khoảng cách giữa nông dân và doanh nghiệp khá xa nhau. Vì vậy, hầu hết các DN thu mua lúa đều chấp nhận chi phần trăm hoa hồng trực tiếp, thường khoảng 60-80 đồng/kg, cho "cò lúa” để họ có thể thuận tiện thu.
Ai ngờ hôm sau cắt xong, "cò” lại kêu giá lúa hạt dài trên thị trường đi xuống, chỉ còn có 4.800 đồng/kg. Biết là hớ nhưng hai vợ chồng vẫn căn rắng gật đầu bán bởi mang về nhà thì có mà ăn cả mấy năm. Vậy mà khi tính tiền, "cò” lại giở chiêu khác bảo phải trừ chi phí gặt, vận chuyển lúa lên bờ và hoa hồng là 2% tổng số tiền bán. Nếu vậy thì coi như mất trắng hơn hai mươi triệu đồng. Tức quá vì bị chèn ép, tôi xếp lúa lại gọi người khác”.
Trường hợp của ông Bảy vẫn còn may mắn bởi ông vẫn có thể giữ lúa lại để chờ bán với giá cả thích hợp, khác với gia đình chị Viện ở xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp). Chị Viện chia sẻ: "Ngay từ trước tết, lúc hơn 6 công ruộng nhà tôi đang trổ bông, một cò lúa dưới thị xã Kiến Tường đã lên đặt cọc tiền trước, cam kết thu mua theo giá thị trường nên nhà tôi đồng ý vì cuối năm cũng cần tiền.
Thế nhưng hôm trước khi thu hoạch lúa, rõ ràng nhiều người nói giống hạt tròn hiện nay giá là 4.400 đồng/kg tại ruộng nhưng cò lại bảo chỉ có 4.100 đồng/kg. Biết bị ép giá nhưng chẳng làm gì được nên đành chịu vì trót lấy tiền trước. Nếu không bán sẽ bị tính lãi cao số tiền đã ứng trước. Biết là mắc chiêu của "cò lúa”, thất thu hàng chục triệu đồng nên gia đình đành ngậm đắng nuốt cay chứ không biết làm sao”.
Thời gian qua, nhiều DN thu mua lúa gạo ở Đồng Tháp Mười cũng than phiền bị "cò lúa” ép giá nhưng không còn cách nào khác vì họ không thể thu mua lúa trực tiếp của nông dân được. Ông Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tín (Kiến Tường, Long An) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp khi bán lúa đều có những phân loại nhất định. Tuy nhiên lúa của nông dân trồng lại nhiều giống, nhiều loại khác nhau.
Với cách làm manh mún, một cánh đồng có khi tới hàng chục giống lúa, chín lại không đều khiến doanh nghiệp không thể nào xuống tận ruộng mua được. Thế nhưng khi thông qua hệ thống "cò”, chỉ cần gọi điện là hôm sau họ gom đủ số lượng, đúng chủng loại mà mình cần, chỉ có điều giá mắc hơn rất nhiều. Vì thế, để đảm bảo lợi ích của nông dân và những doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, việc quy hoạch những cánh đồng mẫu lớn, những giống lúa chủ yếu là hết sức quan trọng. Hoặc có thể nông dân sẽ liên hệ trực tiếp với hệ thống các DN để cùng tìm hướng giải quyết, tránh qua nhiều khâu trung gian khiến giá cả bị thao túng.