'Đại gia đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp sạch': Lấy lại uy tín nông sản Việt

'Đại gia đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp sạch': Lấy lại uy tín nông sản Việt

Thứ tư, 25/11/2015, 10:30 GMT+7

Câu chuyện nông sản sạch không phải bây giờ mới bàn đến, người tiêu dùng đang dần quen với khái niệm “rau sạch”, “thịt lợn quê” được cung ứng bởi những chuỗi cửa hàng gắn với chữ “sạch”. Tuy nhiên, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, người nông dân điêu đứng vì sản phẩm của họ bị “con buôn” đánh tráo để lừa người tiêu dùng. 
Các chuỗi cung ứng nông sản sạch có nguy cơ teo tóp bất chấp nhu cầu của người tiêu dùng rất cao. Và những đại gia đang đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào nông nghiệp hiện nay cho thấy một xu thế mới, lấy lại “uy tín” cho sản phẩm nông nghiệp sạch Việt.
 
Khi các nhà sản xuất nhỏ tự hại mình
 
Để tìm hiểu thực trạng về nguyên nhân rau sạch đang “thoi thóp” thế nào, chúng tôi tìm đến xã Vân Nội (huyện Đông Anh, HN) - nơi từng được kỳ vọng là một trong những vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh lớn nhất Hà Nội bằng cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay vì hóa học nhằm giảm độ độc hại cho người tiêu dùng. Thế nhưng từ thời điểm đầu năm 2015, hàng loạt các siêu thị lớn ở thủ đô như Big C, Metro, Lotte Mart... quyết định tạm ngừng nhập và bán mặt hàng rau sạch của Công ty TNHH sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh) với lý do công ty này đã “treo đầu dê, bán thịt chó” khi nhập sản phẩm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai để mang đi tiêu thụ, vi phạm nghiêm trọng về nguồn gốc và không còn được dán tem chứng nhận rau an toàn. Theo ông Nguyễn Tôn Tính - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội, cú “phốt” này chính là một trong những nguyên nhân làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng và ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất rau an toàn thật tại Vân Nội.
 
Tại các vùng chuyên canh rau lớn của xã Vân Nội, những nông dân mà chúng tôi gặp đều khẳng định, họ đã dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tuy nhiên, trong vai người đi tìm mối rau để bán cho siêu thị mini ở Hà Nội, chúng tôi được chị Thơm (tên nhân vật đã được thay đổi) - trú tại Thôn Đầm (Vân Nội, Đông Anh) “mách nước”: “Gọi là rau an toàn nhưng giờ ở đâu cũng thế cả, phun thuốc hết. Nhà chị ở đây mà còn chả ăn rau mình trồng mà chỉ dám ăn củ, ăn quả như bí ngô, mướp, khoai…"
 
“Đại gia” vào cuộc đầu tư lớn
 
Tại cuộc hội thảo “Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP” mới diễn ra tại TPHCM hôm 21.11 vừa qua, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển đã đưa ra lời khuyến cáo: “Hội nhập TPP, nông nghiệp có rất nhiều thách thức mà lớn nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho dù thuế về 0, doanh nghiệp không đảm bảo được yếu tố này thì các nước cũng không đồng ý tiếp nhận nông sản Việt”. Ông Tuyển cũng đưa ra giải pháp: “Cần xây dựng chương trình nông thôn mới, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các khâu chọn giống, canh tác, bảo quản, chế biến, phân phối và tiêu thụ… Đồng thời, hình thành vùng sản xuất lớn, tạo mối liên kết, gắn kết chặt chẽ các công đoạn và đảm bảo phân phối lợi ích hợp lý, hướng tới chất lượng, giá cả phụ thuộc vào quan hệ cung cầu”.
 
Một trong những doanh nghiệp quyết tâm đầu tư lớn vào nông nghiệp là Hoàng Anh Gia Lai. Đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Hoàng Anh Gia Lai hiện đang sở hữu đàn bò khoảng 120.000 con. Mỗi ngày đàn bò của Hoàng Anh Gia Lai xuất ra thị trường 300 con/ngày. Hà Nội là thị trường chính tiêu thụ thịt bò của Hoàng Anh Gia Lai với tổng số 200 con bò/ngày được bán cho các lò mổ thịt hơi. Bên cạnh thịt bò hơi, Bầu Đức còn tiết lộ, công ty ông mỗi ngày cung cấp 100 tấn sữa bò cho công ty NutiFood.
 
Trả lời cho câu hỏi: “Ông có lo ngại khi Việt Nam tham gia TPP, thịt bò của Hoàng Anh Gia Lai sẽ yếu thế không?”, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: “Trước sau gì Việt Nam cũng phải tham gia vào sân chơi quốc tế, chứ không thể cứ tự cô lập được. Tham gia TPP thì nông dân làm ăn nhỏ lẻ “chết” chắc. Các doanh nghiệp lớn Việt Nam như chúng tôi có điều kiện đầu tư vào nông nghiệp thì khả năng cạnh tranh chẳng thua kém gì Mỹ, Australia”.
 
Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai vừa có thêm một dự án hợp tác với Nutifood dành ra khoảng 1.000ha đất để trồng đậu tương hứa hẹn sẽ cho ra đời sản phẩm sữa đậu nành sạch năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
 
Trong khi đó, tỉ phú duy nhất của Việt Nam theo xếp hạng của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn VinGroup lại chọn đầu tư vào rau sạch với thương hiệu VinEco mới tính với tổng mức đầu tư khủng: 91 triệu USD cho việc trồng rau và cây ăn quả sạch để phân phối trong hệ thống Vinmart, Vinmart+. Được biết mỗi ngày VinEco cung ứng ra thị trường 30 tấn rau sạch sử dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trên cánh đồng mẫu lớn.
 
Những đại gia đang đầu tư hàng ngàn tỉ vào nông nghiệp hiện nay cho thấy một xu thế mới, lấy lại “uy tín” cho sản phẩm nông nghiệp sạch. Điều này cũng khẳng định, chỉ những doanh nghiệp nào cam kết đầu tư lâu dài, bài bản và chuyên tâm vào lĩnh vực nông nghiệp mới có khả năng tồn tại.
 

Người viết : Nhóm PV Báo Lao Động