"Rót" vốn phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên

"Rót" vốn phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên

Thứ năm, 26/02/2015, 13:52 GMT+7

Việc đầu tư tín dụng đối với các loại cây công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian gần đây, các ngân hàng dần chuyển dòng tín dụng hướng vào lĩnh vực này. Đặc biệt, một số ngân hàng thực hiện thí điểm cho vay phát triển mắc-ca, loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.
 
Vườn mắc-ca của gia đình anh Trương Đình Hưởng (xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông).
Vườn mắc-ca của gia đình anh Trương Đình Hưởng (xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông).
Triển vọng cây mắc-ca

Cây mắc-ca hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Nhân hạt được dùng phổ biến trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem, vỏ được dùng làm chất đốt, phân bón, dầu chiết xuất từ nhân hạt được dùng trong nhiều vùng công nghiệp... Theo tính toán của Vụ Nông nghiệp - nông thôn (Ban Kinh tế trung ương), nhu cầu mắc-ca thế giới hiện gấp bốn lần tổng sản lượng, mỗi héc-ta trồng có thể cho ba tấn hạt, với giá 3,5 USD/kg thì người trồng có thể thu được 200 triệu đồng/héc-ta. Trên thị trường, giá mắc-ca đã qua chế biến lên tới 300.000 - 400.000 đồng/kg.

Cây mắc-ca được xếp vào loại hàng quý hiếm do kén đất trồng. Nhưng tại Việt Nam, Tây Bắc và Tây Nguyên là nơi có điều kiện tự nhiên rất phù hợp để trồng và phát triển trên diện tích rộng. Thực tế tại huyện Krông Năng (Đác Lắc) và các huyện khác như Tuy Đức (Đác Nông), Đơn Dương (Lâm Đồng),... nhiều hộ dân đã thử nghiệm trồng xen cây mắc-ca với các loại cây khác. Theo anh Nguyễn Đức Ba (thôn Nghĩa Lập 4, xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), cách đây chín năm khi được một người quen giới thiệu anh chọn trồng thử cây mắc-ca trong vườn chuối. Sau bốn năm cây bói quả nhưng thời gian đầu thu nhập chưa cao vì sản lượng thấp. Từ năm thứ tư sản lượng tăng dần và năm vừa qua với hơn bảy sào anh đã thu hoạch được gần bốn tấn quả."Quả ra bao nhiêu có người vào tận vườn mua hết bấy nhiêu. Nếu trước kia trồng cà-phê chỉ bán được vài chục nghìn đồng/kg thì nay mắc-ca được bán với giá 250 nghìn đồng/kg. Vụ vừa rồi tôi thu lãi gần một tỷ đồng, chưa kể bán cây giống", anh Ba phấn khởi khoe.

Cũng trồng cây mắc-ca được hơn bốn năm, anh Trương Đình Hưởng (thôn 4, xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông) cho biết, loại cây này rất dễ trồng và cho năng suất, giá thành cao. "Ban đầu tôi trồng thử 200 cây trên diện tích gần một héc-ta. Sau đó thấy hiệu quả, tôi mua thêm 500 cây giống nữa để nhân rộng mô hình. Tôi cũng có kế hoạch trồng thêm thật nhiều cây nữa nếu ngân hàng đồng ý cho vay vốn", anh Hưởng chia sẻ.

Cần "cú hích" về vốn

Mặc dù đã xuất hiện nhiều mô hình thành công như vậy, nhưng người nông dân và các nhà đầu tư hiện vẫn chưa mạnh dạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mắc-ca do chưa hiểu hết giá trị kinh tế của loại cây này; khó khăn về cây giống; chưa có hệ thống chế biến, tiêu thụ và tiếp cận thị trường; chưa có quy hoạch vùng sản xuất... Theo tính toán của các chuyên gia, nguồn vốn ban đầu cho loại cây này khá tốn kém, chu kỳ dài. Đầu tư lũy kế cho một héc-ta trong sáu năm hết khoảng gần 3.500 USD, do đó cần phải có sự ưu đãi cho vay dài hạn."Đầu ra của thị trường hiện nay rất lớn, một số nước như Nhật Bản muốn đặt hàng nhưng chúng ta không cung cấp đủ do thiếu vốn. Nếu các ngân hàng triển khai được sớm thì tốt vì nông nghiệp tính theo năm, mùa vụ, nếu có tiền mà không đúng mùa thì cũng không trồng được", Trưởng phòng Dân tộc huyện Tuy Đức Đoàn Lê Anh nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, nhu cầu vốn tín dụng cho toàn bộ chuỗi mắc-ca trong giai đoạn chưa thu hoạch và một vài năm đầu khoảng 5.000 tỷ đồng. "Do đó, tín dụng ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn lực tài chính cho phát triển mắc-ca khu vực Tây Nguyên", ông Ánh cho biết thêm. Theo Bí thư Huyện ủy Tuy Đức Trần Đình Mạnh, trên thực tế, hiện nay có rất ít ngân hàng cho người nông dân vay vốn trồng cây mắc-ca và lượng vốn cũng chỉ mới cho vay theo mùa vụ. Điều này sẽ không ổn vì vòng đời của cây mắc-ca dài. Do vậy, người dân rất mong chờ có thêm các ngân hàng tham gia "cuộc chơi" để biến Việt Nam thành thủ phủ của Đông - Nam Á về trồng mắc-ca.

Đồng quan điểm, theo Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng, nút thắt về vốn đã khiến quá trình phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam chậm đi so với quốc gia khác. Nhận thấy cây mắc-ca sẽ là cây công nghiệp dài ngày cho thu nhập cao, ngay từ đầu năm 2014, Công ty cổ phần Him Lam và LienVietPostBank đã quyết định đầu tư cho loại cây trồng này. Ban đầu, họ xây dựng đề án với trù tính quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, quy mô này được mở rộng dự kiến từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 2015. Cụ thể theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Him Lam Dương Công Minh, công ty này sẽ thành lập viện nghiên cứu mắc-ca tại Lâm Đồng và đầu tư phát triển cung cấp cây giống, quy trình sản xuất hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu; tiêu thụ sản phẩm của người dân để chế biến và đầu tư công nghệ sản xuất chế biến sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã thuê 5.000 ha đất để trực tiếp tham gia trồng cây quý này.

Phó Chủ tịch LienViet PostBank Nguyễn Đức Hưởng cũng nhấn mạnh, LienViet PostBank sẽ cho vay ưu đãi các hộ gia đình và doanh nghiệp với vốn tín dụng trung, dài hạn trong bảy năm và ân hạn cả nợ gốc và lãi trong năm năm đầu. Trong ba năm tiếp theo khi mắc-ca bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ bắt đầu trả dần cả gốc và lãi. "Ngân hàng sẽ cho người nông dân vay tín chấp với vườn mắc-ca thời hạn từ 7 - 10 năm, lãi suất dưới 10%/năm. Trong năm năm tới, LienVietPostBank sẽ mua bảo hiểm cho người nông dân vay vốn của ngân hàng, theo hướng nếu có rủi ro thì người nông dân cũng không bị mất đất", ông Hưởng nhấn mạnh.

Cùng với các chính sách hỗ trợ về vốn cụ thể của các ngân hàng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ nghiên cứu để xây dựng gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với đặc thù của cây mắc-ca, như cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương mại để cho nông dân vay lại, tương tự cho vay cá tra, hỗ trợ đóng tàu, trồng cây cà-phê,... Tuy nhiên, để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trồng, chế biến và tiêu thụ mắc-ca, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Đông cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm nghiên cứu và công bố quy hoạch phát triển cây mắc-ca trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước, Bộ Công thương cần xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, gắn việc trồng trọt với chế biến và tiêu thụ.

 

 


Người viết : Theo Nhandan