"Vua gà" đất Quảng Yên đi lên từ hai bàn tay trắng

"Vua gà" đất Quảng Yên đi lên từ hai bàn tay trắng

Thứ tư, 03/02/2016, 10:41 GMT+7

Từ hai bàn tay trắng, thất bại nối tiếp thất bại nhưng giờ ông Thép đã trở thành “Triệu phú” được nhiều người mệnh danh là “Vua gà” đất Quảng Yên (Quảng Ninh).

Từng nhiều lần thất bại trong chăn nuôi thế nhưng, hơn 4 năm trở lại đây, nhờ ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà mà trang trại của gia đình ông Đỗ Quang Thép (57 tuổi), xóm Đông, xã Liên Vị (TX Quảng Yên) đã thành công và nhân rộng được hàng nghìn con gà mỗi năm.

Hộ ông Đỗ Quang Thép (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) ứng dụng công nghệ bằng đệm lót sinh học vào chăn nuôi đàn gà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hộ ông Đỗ Quang Thép (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) ứng dụng công nghệ bằng đệm lót sinh học vào chăn nuôi đàn gà mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên tại xã Liên Vị (TX Quảng Yên), thời trai trẻ (năm 1979) chàng thanh niên Đỗ Quang Thép tham gia nhập ngũ đi bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1984, ông trở về quê lập gia đình và bắt đầu làm kinh tế. Quê hương ông nằm trên đảo Hà Nam, vùng đất mà trước kia đất đai bạc màu, đất mặn, đồng chua, ruộng đồng chỉ canh tác được một vụ vì nhiễm mặn và thiếu nước sản xuất.

Khó khăn bộn bề khiến vợ chồng ông phải xoay nhiều nghề bươn chải mới lo đủ miếng ăn trong cuộc sống. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, vợ chồng ông Thép mới bắt đầu làm mô hình VAC (chăn nuôi gà, lợn kết hợp thả cá và trồng lúa). Tuy nhiên lúc đó, ông chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên hiệu quả kinh tế không cao. Có những năm mất mùa, dịch bệnh… khiến mô hình VAC của ông lâm cảnh “Tiến thoái lưỡng nan”.

Năm 2011, gia đình ông Đỗ Quang Thép được Sở KH&CN hỗ trợ dự án ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi. Sau hơn 1 năm ứng dụng vào chăn nuôi gà, nhận thấy có nhiều hiệu quả kép như: Giảm chi phí đầu tư, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường… nên gia đình ông bắt đầu mở rộng trang trại chăn nuôi. Đến nay, trang trại gia đình ông đã mở rộng diện tích lên tới hơn 2ha. Trung bình một năm gia đình ông nuôi từ 4.000-5.000 con gà; vài chục con lợn thịt bán ra thị trường.

Đến thăm trang trại gia đình ông Thép vào cuối tháng 1, thời điểm mà thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ luôn dưới ngưỡng 10 độ C. Lúc này, gia đình ông đang tất bật công việc phòng chống rét hại cho vật nuôi.

Vừa che chắn mấy chuồng gà xong ông Thép chia sẻ: “Cũng may nhờ ứng dụng đệm lót sinh học mà đàn gà và lợn được sưởi ấm hơn trước. Trước đây, khi chưa có ứng dụng này vào mùa đông, gia đình tôi rất vất vả và lo lắng trong công tác phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Nhiều đàn gà vì chịu rét kém thường ốm yếu, chết dần. Giờ, có ứng dụng đệm lót sinh học vào trang trại tôi rất yên tâm, bởi nó không chỉ giữ ấm tốt cho đàn gà, mà còn đảm bảo môi trường chăn nuôi không bị ô nhiễm”.

Ông Thép cho biết thêm: Qua hơn 4 năm ứng dụng đệm lót sinh học, đàn gà trong trang trại gia đình phát triển rất tốt, ít bị mắc bệnh, tăng trưởng nhanh. Trong khi thời gian sử dụng đệm lót vi sinh duy trì từ 6-8 tháng mới phải thay một lần.

Sau mỗi vụ chỉ cần xới đệm lót tơi xốp, bổ sung chế phẩm lên men hoặc thêm mùn cưa và trấu là sử dụng tiếp nên không mất nhiều thời gian và chi phí sản xuất. Nhờ cách làm này mà môi trường chuồng trại không có mùi hôi thối ảnh hưởng tới xung quanh. Đặc biệt, với việc ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà, gia đình ông tiết kiệm được một khoản nhân công, chi phí chăn nuôi gần 120 triệu đồng/năm.

Thành công từ mô hình ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà đã mở cho gia đình ông một hướng đi mới, từ chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một năm trừ các chi phí sản xuất, trang trại gà của ông thu lãi được hơn 500 triệu đồng. Hiện nay, mô hình ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà của ông Thép được nhiều dân địa phương đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

 

Người viết : Theo Phạm Tăng (Báo Quảng Ninh)