Dù được đánh giá thành công trong quá khứ nhưng kinh tế Việt Nam vẫn bị bỏ lại quá xa so với thế giới. Nếu không có những thay đổi đột phá về thể chế, thực thi pháp luật... thì Việt Nam sẽ mãi mãi bị bỏ lại đằng sau.
Bị rớt lại phía sau
“Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, vào một thời điểm quyết định. Nếu chúng ta cải cách nhanh, theo như dự định trong Báo cáo Việt Nam 2035 (BC 2035) thì có thể tăng trưởng, có thể có thu nhập bằng Hàn Quốc năm 2000. Nếu không, sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình như Ai Cập, Brazil…”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Tại Hội thảo "Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và Yêu cầu hiện đại hóa thể chế” yêu cầu cải cách thể chế gắn liền với tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân là một những động lực chính để phát triển tiếp tục được đặt ra.
Kinh tế Việt Nam được đánh giá đang bị bỏ xa so với thế giới. |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, BC 2035 lần đầu tiên xác định những thực trạng mà “tất cả các báo cáo trước đây chưa đề cập”. Trong đó, có cảnh báo năng suất DN tư nhân Việt Nam không những thấp mà còn có xu hướng giảm từ 2003 tới nay.
“DN Việt Nam có quy mô quá nhỏ, không lớn được trong thời gian qua. Các yếu tố tạo nên năng suất cao trong giai đoạn trước đó đã hết. Nhiều nhân tố không được cải cách kịp thời, không theo tín hiệu thị trường. Nguồn lực dồn cho DNNN, dồn nhiều cho DN thân hữu, không dồn cho DN có năng lực cạnh tranh cao”, ông Lộc chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT cho rằng, BC 2035 đã khẳng định, Việt Nam là một ví dụ thành công trong quá trình cải cách 30 năm qua, thu nhập người tăng vài chục lần, Việt Nam đạt được phần lớn những mục tiêu Thiên niên kỷ… nhưng trên thực tế, so với khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn đang bị bỏ lại trong quá trình phát triển, bỏ lại đằng sau rất xa so với quốc tế.
“Vấn đề lớn nhất của Việt Nam là: trì trệ về tăng trưởng năng suất. Việt Nam đang giảm tăng trưởng về năng suất. Sức cạnh tranh theo đó sẽ giảm. Nó làm cho nền kinh tế chậm lại, trì trệ và không phát triển được”, ông Vịnh lo lắng.
Dân chủ để sáng tạo và thịnh vượng
Cũng theo ông Vịnh, trong giai đoạn vừa qua, quá trình đô thị của Việt Nam diễn ra rất nhanh, nhưng chủ yếu về không gian trong khi chất lượng thấp, gây ra vấn đề về môi trường. Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên tự nhiên và các ảnh hưởng của môi trường đang hiện hữu.
Ông Vịnh cho rằng, quản trị nhà nước, trong giai đoạn qua gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ trương chưa được triển khai cụ thế hóa và thực hiện được tốt.
“Việt Nam đang gặp vấn đề lớn về thể chế, thực tế chưa có sự đổi mới nhiều và đây là rào cản cho quá trình phát triển. Chúng ta cần thay đổi thể chế để phát triển”, ông Vịnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, thể chế không đồng nhất với pháp luật. Nội hàm thể chế được định nghĩa trong BC2035 cho thấy, thể chế không chỉ là pháp luật, mà đó còn là các quy tắc bất thành văn, có những quy định phi chính thức.
Kinh tế khu vực tư nhân cần được ưu tiên phát triển để cạnh trạnh với khu vực. |
“Những cái gây phiền hà chính là quy định phi chính thức, gây khó khăn cho DN. Chính những thể chế phi chính tạo ra phiền phức cho DN”.
Theo ông Phúc, cộng đồng DN có vai trò ngày càng quan trọng trong việc xây dựng cải cách và hoàn thiện thể chế. Các cơ quan lập pháp QH ngày càng coi trọng tham vấn khi ban hành những các đạo luật liên quan tới cộng đồng DN. Nhà nước khi xây dựng thể chế phải tính tới cách quản trị của DN. Tóm lại, DN ngày càng có vai trò trong việc phát triển cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế”.
Theo ông Vịnh, Việt Nam hướng tới 2035 có những khát vọng khá rõ ràng. Đó là một xã hội thịnh vượng, xã hội sáng tạo, xã hội dân chủ, Nhà nước pháp quyền, xã hội văn minh, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trên toàn cầu, vấn đề môi trường…
“Để sáng tạo được cần dân chủ. Dân chủ tạo ra sự công bằng trong xã hội. Để có được sự thịnh vượng, sáng tạo, dân chủ… thì đó phải thể chế hiện đại”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, để phát triển kinh tế tư nhân thì thể chế rất quan trọng. “Thể chế nào thì doanh nhân đó. Thể chế nào để ra doanh nhân đó. Tuy nhiên, doanh nhân cũng góp phần thay đổi thể chế.”
Theo ông Lộc, văn kiện Đại hội Đảng 12 đã có những định hướng rất quan trọng và được nêu trong Báo cáo 2035: Xác định DN là nòng cốt, đi đầu, tiên phong trong phát triển nền kinh tế.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, cũng cho rằng một trong những yếu tố trong quá trình chuyển đổi kinh tế là xây dựng nền tảng tư nhân mạnh mẽ, dẫn đầu trong kinh tế Việt Nam.
"Khu vực tư nhân là chìa khó để ta đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tăng đến năm 2035" - bà Victoria Kwakwa nói.