Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ (Hiệp hội), cho biết, đã có 3 công ty luật đề nghị được giúp Hiệp hội tham gia vào quá trình xem xét, chuẩn bị hồ sơ vụ kiện. Trong số này có một công ty từng có kinh nghiệm tham gia vụ kiện cá tra, một công ty tham gia vụ kiện thép. Kinh nghiệm của các đơn vị qua những vụ kiện phá giá trước đó có thể hỗ trợ tốt cho Hiệp hội.
Cũng theo ông Ngọc, những ngày qua, Hiệp hội tiếp tục tiến hành thu thập thông tin giá thành sản xuất gà công nghiệp tại Mỹ, cũng như giá bán ra tại các nhà máy và giá bán lẻ tại thị trường này.
Thịt gà Mỹ bán giá rẻ tại Việt Nam không ngoại trừ do gian lận thương mại. Ảnh: NT. |
Thông tin ban đầu thu thập được cho thấy, căn cứ trên chi phí con giống, thức ăn, nhân công, chuồng trại, điện nước…. giá thành có sự khác biệt giữa các khu vực. Chẳng hạn như tại phía Nam nước Mỹ, người chăn nuôi đang phải bỏ ra chi phí sản xuất khoảng 0,5 USD và phía Bắc khoảng 0,7 USD/kg gà lông.
Với mức giá này, sau khi đưa vào giết mổ, cấp đông, vận chuyển, cộng với chi phí thuế, lưu kho…về đến Việt Nam sẽ khoảng 25.000-28.000 đồng/kg, bán đến người dùng 30.000-35.000 đồng/kg mới hợp lý. Như vậy, giá gà Mỹ 20.000 đồng/kg tại Việt Nam là không có cơ sở. Hiệp hội nhận thấy phải cần thiết tiến hành thủ tục pháp lý để thực hiện vụ kiện.
Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất gà công nghiệp chiếm thị phần lớn trong vùng để thúc đẩy vụ kiện. Các bên cũng thống nhất làm bản kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ, đề nghị chỉ cho phép nhập khẩu gà nguyên con chứ không được nhập sản phẩm đùi, cánh.
Ông Ngọc giải thích, đùi, cánh… gà có giá rẻ do người tiêu dùng ở Mỹ không có thói quen sử dụng, doanh nghiệp chăn nuôi chỉ bán phần ức gà (lên tới gần 200.000 đồng/kg) là đảm bảo lợi nhuận, nên có thể bán rẻ mạt phần còn lại đi các nước.
Bên cạnh đó, nghi vấn dịch cúm gia cầm tại Mỹ suốt thời gian qua khiến các nước châu Âu và Nga đã ngưng nhập khẩu. Có khả năng mặt hàng này dư thừa khiến các nhà xuất khẩu phải bán rẻ vào thị trường Việt Nam. Việc nhập đùi, cánh… về Việt Nam càng có lợi, vì mức thuế (20%) chỉ bằng một nửa so với nhập nguyên con.
“Nếu chúng ta đưa ra biện pháp cấm nhập đùi, cánh cũng không vi phạm WTO, vì trong điều khoản có quy định chúng ta có quyền áp dụng tình trạng bảo vệ khẩn cấp”, ông Ngọc cho hay.
Một số doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, sau buổi làm việc với Hiệp hội, tất cả các bên sẽ thu thập thông tin về việc dựng hàng rào kỹ thuật mà các nước đang áp dụng đối với thịt gà nhập khẩu. Sau đó sàng lọc xem điểm nào, mục nào, nội dung nào Việt Nam có thể áp dụng được, để kiến nghị Chính phủ thực hiện.
Các doanh nghiệp và người chăn nuôi tại Đông Nam Bộ cũng lần đầu tiên bày tỏ nguyện vọng muốn “bắt tay” hợp tác liên kết, chia sẻ thông tin, để hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Trước mắt, để tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp và người nuôi tiếp tục tìm cách tiết giảm chi phí đầu vào (hiện nay khoảng 25.000-26.000 đồng/kg gà lông) thêm nữa, từ đó xây dựng sản lượng cũng như giá bán phù hợp với nhu cầu thị trường, để cam kết giá bán phù hợp.
Dự kiến ngày mai, 13/8, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) sẽ vào Đồng Nai làm việc với Hiệp hội, các doanh nghiệp, để tham khảo thêm thông tin, cũng như tư vấn, góp ý các nội dung liên quan đến việc điều tra gà Mỹ bán phá giá hay không.