Tiền vung ra mua hàng thứ phẩm, phế phẩm giá rẻ về dự trữ để “tái chế” chiếm phần lớn. Khi khả năng tái chế tới hạn, nguyên liệu quá đát thì chỉ còn nước xử lý.
Báo Đất Việt gần đây đưa tin, theo ước tính của Bộ NN&PTNT, thì chỉ 07 tháng gần tròn, hơn 9.000 tỉ đồng đã chi cho việc nhập thuốc trừ sâu. Thông tin này sai, vì chỉ thuốc trừ sâu thì ít hơn nhiều, không đến mức như thế. Phải nói chính xác đó là thuốc phòng dịch cho cây trồng hay nông dược- Pesticides, bao gồm một số loại thuốc, phải lên đến hơn 10.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, con số hơn 460 triệu đô la Mỹ ấy nói lên rất nhiều điều:
1. Cuối thế kỷ trước, VN ta chỉ nhập khẩu thuốc phòng dịch hàng năm dưới 150 triệu đô la. Mười lăm năm qua đã tăng hơn gấp ba lần. Trong đó có việc giá thuốc tăng, một phần không nhỏ là do các Cty trong nước đã móc ngoặc, làm giá với các nguồn cung cấp có tiếng trên thế giới- về các loại thuốc đặc hiệu- để tăng mức hoa hồng cho hệ thống phân phối nhằm ra hàng nhanh.
Kèm theo đó là các sản phẩm thông thường của các hãng thuốc đặc hiệu nhằm cạnh tranh thị trường. Nhờ đó họ trích lời để tặng thưởng cho hệ thống từ Bộ đến Cục và Trung tâm, xuống các Sở, Chi Cục, Trung tâm và các trạm, huyện liên quan. Cũng nhờ đó mà hệ thống phân phối giàu lên nhanh chóng, kèm với những chuyến du lịch quà tặng khắp mọi nơi tùy theo doanh số bán hàng.
2. Có những hãng thuốc ở Trung Quốc, Ấn độ…, với công nghệ lạc hậu nên chỉ sản xuất được các loại thuốc có phổ tác dụng rộng, tức là không chọn lọc và tác hại cho môi trường rất lớn thì bán với giá rất rẻ, kể cả nguyên liệu kỹ thuật- Technical. Đây là nguồn nhập khẩu để các công ty với chức năng sang chai đóng gói làm giàu, nhờ pha trộn và biến hóa theo các thương hiệu đắt hàng. Chuyện cán bộ quản lý thị trường “nếm” phân bón thuốc trừ sâu để giám định mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo trước QH cho thấy cửa mở khổng lồ này đã được hệ thống quản lý bày sẵn.
Xét về mặt độc chất học môi trường thì số tiền trên sẽ tăng gấp bội lần lượng độc chất mà nông dân, người tiêu dùng và môi trường nông nghiệp nhận lãnh so với thế kỷ trước.
Ảnh minh họa |
3. Tiền vung ra mua hàng thứ phẩm, phế phẩm giá rẻ về dự trữ để “tái chế” chiếm phần lớn. Khi khả năng tái chế tới hạn, nguyên liệu quá đát thì chỉ còn nước xử lý. Bài học ở Hải Phòng, Thanh Hóa còn mới nguyên dù chính quyền cơ sở có muốn ém nhẹm đi cũng không thể nói khác được rằng sự việc ấy là đầu độc cộng đồng địa phương đó.
Quyền sống là quyền tự do thiêng liêng của mỗi con người, sao quản lý nhà nước lại lỏng lẻo, làm ngơ trước những hiện tượng nhức nhối này? Nếu các quan chức thanh tra, các nhà kiểm tra “sờ” vào đấy sẽ tường tận vì sao nông dân ngày càng nghèo kiệt vì giá cả, vì tật bệnh. Lượng bệnh nhân ung thư hàng năm tăng cả trăm ngàn thì chủ yếu tập trung ở nông thôn và số ít dân nghèo thành thị.
Thực tế từ các nước tiên tiến đang ngày càng quay về với thiên nhiên, sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường sống, để có được thiên nhiên tươi trong, có được thực phẩm lành sạch, con người bình an hạnh phúc,… mới là mục tiêu phấn đấu của nhà nước, của chính quyền. Để gia nhập vào trục TPP nay mai, nước ta, ngành chức năng cần phải có hàng loạt giải pháp sau:
Hạn chế việc nhập khẩu các loại thuốc phòng dịch đến mức chỉ nhập vào những nguyên liệu kỹ thuật tối cần thiết có chất lượng tốt, mà trước mắt chưa tự sản xuất được.
Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu kỹ thuật trong nước để có thể quản lý chất lượng và giá cả. Đồng thời phát triển ngành phối chế- Formulation để có sản phẩm đẳng cấp khá phục vụ nông nghiệp trong nước.
Chỉ nên cho nhập khẩu những loại nông dược thân thiện với môi trường, tuy giá đắt nhưng hiệu quả cao mà hậu quả lại không quá gây hại, như các chế phẩm xanh- hữu cơ vi sinh.
Cuối cùng là thực tâm tự lực tự cường của Nhà nước. Các nhà khoa học và kỹ thuật học (công nghệ học) Việt Nam ở trong và ngoài nước ta rất nhiều, nếu cơ chế thực tốt để họ góp phần sản xuất ra các chế phẩm sinh học thay thế, thì hàng năm nước ta thu về hàng tỉ đô la chứ không phải mất đi nhiều ngoại tệ như thế.