Anh nông dân trồng mía chịu chơi
Thứ bảy, 11/04/2015, 09:33 GMT+7
Nhìn những rẫy mía chưa thu hoạch đứng héo khô dưới nắng, ông Trần Đình Mạnh - nông dân trồng mía ở xã Chư Đrăng (huyện Ia Pa, Gia Lai) - đã quyết định cầm cố hết gia tài đặt mua chiếc máy cắt mía mười mấy tỉ đồng về phục vụ người dân.
Ông Mạnh bên chiếc máy cắt mía 12 tỉ đồng - Ảnh: B.D. |
Vào mùa thu hoạch mía, nỗi lo lắng nhất của chúng tôi là tìm không ra người cắt. Mía “chín” đồng loạt trên ruộng, để ngày nào thiệt hại ngày đó, dù giá tiền công cao nhưng rất khó tìm ra người cắt mía. Từ khi có chiếc máy của ông Mạnh chúng tôi rất mừng. Cắt bằng máy đủ thứ tiện: chủ mía không phải lo canh giữ, không phải cho người trông coi, không phải đốt thực bì sau khi thu hoạch xong, mía cắt đến đâu xe chở thẳng về nhà máy vào bàn cân ngay |
ông Đậu Đình Hào (chủ mía ở xã Chư Đrăng) |
Trưa, những cánh đồng ở Ia Pa nắng nóng hầm hập như chảo lửa. Gió rít tạo thành từng cột bụi khổng lồ ôm qua các rẫy mía bạt ngàn. Không một người dân nào đủ sức để đứng trụ trên đồng mía, nhưng chiếc máy cắt mía của ông Trần Đình Mạnh vẫn hì hục trồi lên sụt xuống giữa các ruộng mía lồi lõm như một con quái vật khổng lồ. Chiếc máy rít lên từng đợt rồi mất hút trong ruộng mía, thỉnh thoảng lại thò phần “vòi” ra để xả lượng mía đã cắt khúc gọn ghẽ lên thùng xe.
Lão nông Trần Đình Mạnh chắp tay đi lại, miệng không ngớt “chỉ đạo” hai công nhân ngồi trong khoang lái: “Cố gắng cho máy chạy hết công suất, cần thiết làm xuyên đêm bởi mía đang “chín” rất nhiều. Để ngày nào sốt ruột ngày đó”.
Quyết định chơi liều
Câu chuyện bỏ tiền tỉ để mua máy cắt mía công suất lớn tại một nơi mà cây mía chưa phải là thứ cây chủ lực như ở Tây nguyên là việc làm quá lạ lẫm. Lạ hơn nữa khi chủ nhân của chiếc máy này là nông dân thứ thiệt, để “rước” được chiếc máy về đồng ông phải cầm cố hết gia sản, xoay xở đủ đường.
Ông Mạnh cho biết nhiều năm nay vùng nguyên liệu mía của Ia Pa (Phú Thiện, Gia Lai) liên tục mở rộng diện tích. Trong khi công suất các nhà máy đường còn hạn hẹp nên dẫn đến tình trạng mía “chín” rộ nhưng không kịp thu hoạch, không có nhân công chặt khiến mía cháy liên tục, hao hụt đủ đường, nông dân nhìn mía mà khóc ròng.
Đứng trước câu chuyện mất miếng ăn lúc kề miệng này của nông dân, năm 2012 Nhà máy đường Ayun Pa (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) đã “đánh tiếng” để nông dân đầu tư thay đổi phương thức sản xuất. Những chuyến đi đến các vùng chuyên canh mía lớn được tổ chức, những đợt tham quan, học tập được mở ra và bao giờ những chuyến đi ấy cũng làm các lão nông dày dạn nghề mía ở Tây nguyên sôi sục.
Ở vùng chảo lửa Ia Pa, Ayun Pa là nỗi ám ảnh lớn nhất khi mía “chín” nhưng không có nhân công, đốn không kịp nên ruộng mía bị biến thành mồi cho lửa. Nhưng chỉ nghĩ đến chuyện mua sắm máy móc cả chục tỉ đồng để thay đổi công nghệ, nhiều đại gia trồng mía đã lắc đầu: “Không thể liều được!”.
Một chuyến đi do Nhà máy đường Ayun Pa tổ chức tháng 12-2013 đã ra chuyện, vì ngoài các cán bộ kỹ sư nhà máy còn có thêm ông Trần Đình Mạnh - một người không nổi tiếng vì giỏi trồng mía mà giỏi vì hay... tò mò. Chứng kiến cánh đồng mía của Công ty Hưng Thịnh (tỉnh Tây Ninh) được thu dọn gọn ghẽ bởi cỗ máy có xuất xứ từ Mỹ, ông Mạnh lấy điện thoại ra chụp hình rồi xuýt xoa “thăm” máy, tìm hỏi chủ nhân về cỗ máy có hình dáng lạ lẫm ấy.
Chuyến đi kết thúc và lãnh đạo Nhà máy đường Ayun Pa cũng xác định chuyến đi chỉ mang tính chất “mở mang tư duy”, thay đổi cách suy nghĩ của dân chứ không dám tin sẽ có người đầu tư thật. Vậy mà mấy ngày sau, một buổi sáng cuối năm, ông Mạnh lên tận nhà máy xin gặp giám đốc. Ông Mạnh run run nói: “Tôi ưng cái máy cắt mía đó lắm, nếu nhà máy tạo điều kiện nhập về vùng này thì tôi... đăng ký mua một chiếc”.
Máy cắt mía của ông Mạnh đang thu hoạch mía |
Đột phá
Một lãnh đạo Nhà máy đường Ayun Pa kể lại: “Chúng tôi có chủ trương khuyến khích dân thay đổi phương thức sản xuất, mua sắm máy móc nhưng chưa hề nghĩ đến việc có một người nông dân đứng ra đăng ký mua cỗ máy trị giá cả mấy gia tài này”.
Ông Mạnh cho biết ngay sau khi trình bày ý định về việc mua sắm máy thu hoạch mía, Nhà máy đường Ayun Pa đã đứng ra hướng dẫn ông làm hợp đồng. Ông được trực tiếp tìm hiểu về công năng, chi phí cũng như các thông tin liên quan.
Tuy nhiên ông đã “ù tai” khi biết số tiền phải trả 12 tỉ đồng: “Tôi chưa bao giờ biết đến số tiền lớn như thế, làm lụng bao nhiêu năm cũng chỉ đủ nuôi con, có mấy miếng đất và một ngôi nhà để ra vào. Một chiếc máy 12 tỉ đồng là điều quá sức tưởng tượng”.
Tuy nhiên ông Mạnh cho biết Nhà máy đường Ayun Pa đã đứng ra cam kết bảo lãnh cho ông vay nợ, cấn trừ mua máy, phần vốn còn lại vợ chồng ông phải đứng ra lo liệu.
“Nhà máy cũng được hưởng lợi” Ông Nguyễn Văn Lừng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường nhiệt điện Gia Lai (Nhà máy đường Ayun Pa, Gia Lai) - cho biết quyết định táo bạo của ông Mạnh không chỉ khiến nông dân trồng mía phấn khởi mà cả Nhà máy đường Ayun Pa cũng được hưởng lợi. Từ khi có chiếc máy này lượng mía về nhà máy dồi dào đảm bảo công suất hoạt động cho nhà máy, mía được cắt gọn tại bãi rất sạch nên nhà máy ít phải trừ tạp chất. Đây là hướng đi mà chúng tôi rất ủng hộ để vừa có lợi cả đôi bên: nông dân cắt mía kịp thời, trữ lượng đường cao mà nhà máy cũng có nguồn nguyên liệu sạch để đưa vào dây chuyền” - ông Lừng nói. |
Bà Phạm Thị Vân - vợ ông Mạnh - kể khi nghe chồng bàn mua máy cắt mía 12 tỉ đồng, bà không dám tin là sự thật. Ông Mạnh vẫn quyết, hai vợ chồng bàn nhau cả tháng trời không thông.
Gia đình, người thân nghe đến chuyện cũng gạt đi: “Sẩy ra chuyện gì thì cái nhà cũng không còn để ở”. Nhưng ông Mạnh lấy bút vẽ lên giấy hạch toán: “Một ngày máy có thể cắt 300-500 tấn mía. Giá cắt bình quân 200.000 đồng/tấn. Một mùa mía kéo dài năm tháng. Như thế nếu mọi việc suôn sẻ thì khoảng năm năm là có thể hoàn chi phí”.
Tính toán kỹ lưỡng mọi chuyện, hai vợ chồng quyết định ôm sổ đỏ lên ngân hàng đi cầm cố, toàn bộ xe cộ, tài sản cũng gửi cho Nhà máy đường Ayun Pa để làm tín chấp.
Cuối năm 2014, chiếc máy cắt mía bạc tỉ được đưa xuống đồng mía Ia Pa đã trở thành một “sự kiện”. Hàng ngàn nông dân, các kỹ sư và nhà máy đường các vùng đã tập trung ở đồng ruộng. Lần đầu tiên ở vùng nông thôn vốn quen với sức người, thủ công thì một chiếc máy khổng lồ hình thù lạ lẫm xuất hiện khiến nhiều người háo hức.
Dưới những ruộng mía bạt ngàn, chiếc máy mở rộng bộ lưỡi cắt rồi lao đi ôm hàng ngàn cây mía đưa vào hệ thống. Máy đi đến đâu mía được cắt gọn sạch và cho ra sản phẩm đến đó.
Ông Mạnh nói: “Gần bốn tháng kể từ ngày đưa máy về đến nay chưa một ngày nào hết việc. Ruộng mía nào của bà con khô cháy, chín rộ tôi sẽ ưu tiên cắt trước. Chưa biết hiệu quả tới đâu nhưng trước mắt thấy bà con rất phấn khởi vì mía được thu hoạch kịp thời, hạn chế thiệt hại cho người dân”.
Ông Mạnh khấp khởi: “Công suất máy cắt bằng ba bốn trăm nhân công, nhưng với điều kiện cánh đồng bằng phẳng, mía được trồng theo quy trình sẵn. Vùng nguyên liệu này hầu hết người dân đều trồng thủ công, khi máy vào thu hoạch gặp rất nhiều cản trở, các thiết bị hỏng hóc liên tục.
Tuy nhiên thấy máy làm nhanh, giải quyết được chuyện thời vụ nên bà con rất phấn khởi. Tôi có thể thất bại khi mua chiếc máy cắt mía này nhưng nếu tôi thắng lợi thì đó là câu chuyện để người dân mạnh dạn thay đổi, mà họ phải thay đổi chứ thế giới này người ta văn minh lắm rồi”.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)