Các dự án nông nghiệp như bắp, mía đường và chăn nuôi bò của bầu Đức đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Dự án BĐS tại Myanmar bắt đầu được chào bán, cùng với việc đưa Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL lên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây thì thời kỳ hoàng kim đã đến, bầu Đức đã đến thời... hốt bạc. Tuy nhiên, những khó khăn đến từ dầu cọ, cao su và các khoản nợ từ những năm trước vẫn là trở ngại lớn đối với bầu Đức và HAGL.
Bắp, mía đường, nuôi bò vào mùa thu hoạch. Dầu cọ, cao su hoạt động cầm chừng
Năm 2010, bầu Đức chính thức đầu tư quy mô lớn vào các dự án trồng cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi gặt hái được những thành quả nhất định, HAGL tiếp tục đổ vốn vào các dự án trồng cọ, dầu, ngô và mía đường.
Năm 2014, sau vài năm đầu tư một diện tích trồng mía lớn tại Lào đã cho kết quả. Mía đường đóng góp tới 34% doanh thu của HAGL. Trồng bắp cũng đem lại doanh thu khá ấn tượng cho bầu Đức, đạt 205 tỷ đồng ngay trong năm thu hoạch thứ 2. Tính chung mảng nông nghiệp đã chiếm 48% tỷ trong doanh thu của HAGL.
Sang năm 2015, ngành trồng bắp và mía đường tiếp tục hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu lớn cho bầu Đức và HAGL, bởi diện tích của hai loại cây trồng này không ngừng được đầu tư và mở rộng.
Ngoài đầu tư vào mía đường, Tập đoàn HAGL cũng bắt tay với Công ty An Phú (Bình Định) thực hiện dự án nuôi bò trị giá 80-100 triệu USD với 100 ngàn con bò tại Hà Tĩnh. Đến giữa 2014, HAGL lại cùng Nutifood đầu tư 6.300 tỷ đồng nuôi bò thịt, bò sữa tại Gia Lai.
Dự kiến ngay trong năm 2015, các sản phẩm từ bò sẽ được tập đoàn này đưa ra thị trường cùng các đối tác lớn trong lĩnh vực thực phẩm là NutiFood và ViSSAN.
Như vậy, trong năm 2015 các dự án trồng mía, trồng bắp của bầu Đức đã bắt đầu cho kết quả, cộng với dự án nuôi bò sẽ cho thu hoạch thịt và sữa vào nửa cuối năm 2015... sẽ giúp bầu Đức hái ra tiền.
Tuy nhiên cũng phải nhìn lại, với việc giá cao su và dầu cọ liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây đã khiến bầu Đức gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo tài chính năm 2014 của HAGL, lĩnh vực được bầu Đức đầu tư và kỳ vọng nhiều nhất là cao su cũng chỉ đóng góp 7% vào tổng doanh thu của HAGL. Nguyên nhân là do giá cao su đã giảm mạnh 28%, ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ mức 5.000 - 6.000 USD/tấn, giá mủ giờ chỉ còn khoảng 1.500 USD/tấn.
Riêng với dầu cọ cũng không khả quan hơn. Mặc dù bầu Đức đã khẳng định năm 2015 sẽ là thời điểm thu hoạch dầu cọ, nhưng với diễn biến giá dầu cọ đang liên tục sụt giảm trong thời gian qua cũng khiến ông bầu này "trở tay không kịp". Giá dầu cọ đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm từ nay đến cuối năm 2015, hiện ở mức 2.352 ringgit (tương đương 649 USD)/tấn.
Theo một nguồn tin riêng, đánh giá được những khó khăn đang đặt ra nên hiện HAGL chỉ đang sản xuất cầm chừng đối với cao su và dầu cọ, để đủ bù đắp chi phí nhân công chứ không tiến hành đầu tư và sản xuất ồ ạt như thời gian trước đó.
Rõ ràng, mặc dù đã bước vào thời hoàng kim trong lĩnh vực mía đường, ngô, chăn nuôi bò nhưng những thách thức đang đặt ra với lĩnh vực cao su và dầu cọ vẫn đang làm khó bầu Đức.
HAGL Agrico lên sàn
Một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của bầu Đức trong thời gian gần đây có thể giúp cho ông bầu này hốt bạc chính là việc Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico lên sàn.
Ngày 10.7, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã ra văn bản chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu đối với HAGL Agrico (mã HNG), với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. HAGL Agrico có vốn điều lệ 7.081 tỷ đồng và niêm yết với 708 triệu cổ phiếu.
HAGL Agrico phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp của tập đoàn bao gồm cao su, cọ dầu, bắp, mía đường và chăn nuôi bò. HNG xuất hiện trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM được kì vọng sẽ tạo nên sự gia tăng mạnh mẽ cho tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức.
Theo đó, nếu tính theo giá chào sàn 28.000 đồng/cổ phiếu của HNG, bầu Đức sẽ có thêm gần 8.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của bầu Đức sẽ đạt hơn 14.300 tỷ đồng. Nếu may mắn, HNG tăng trần, giá trị cổ phiếu do bầu Đức nắm giữ “nảy nở” thêm 9.510 tỷ đồng. Trong trường hợp xấu nhất, HNG giảm sàn, số tiền trong tài khoản của bầu Đức vẫn tăng 6.340 tỷ đồng.
Với những nguồn thu lớn như vậy, thực sự bầu Đức đã đến thời... hốt bạc.
Dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar bắt đầu hái quả ngọt
Không chỉ dừng lại ở nông nghiệp, chứng khoán, trong lĩnh vực BĐS, bầu Đức và HAGL cũng đạt được nhiều thành công. Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao khi Dự án căn hộ The Lake Suites trong khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar bắt đầu được chào bán.
Với chiến lược giá cả hợp lý, rất nhiều khách hàng đã đặt mua và nộp tiền đặt cọc mua căn hộ thuộc dự án của bầu Đức ở Myanmar. Điều này khẳng định sức hút vô cùng lớn của căn hộ The Lake Suites cũng như giá trị tại thị trường mới nổi Rangon.
Tại thời điểm Tập đoàn HAGL làm lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án khu phức hợp văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao và chào bán căn hộ tại Yangon, Myanmar vào cuối tháng 6 vừa qua, bầu Đức đã bị "choáng" khi một đại gia đặt mua cùng lúc 27 căn hộ và thanh toán ngay 6 triệu Euro.
Chưa dừng lại ở đó, trong buổi khai trương căn hộ mẫu và mở bán chính thức dự án căn hộ The Lake Suites ngày 3.7, bầu Đức tiếp tục bị sốc khi có thêm một đại gia Myanmar bất ngờ đặt cọc mua cùng lúc 12 căn hộ với mức giá bình quân từ 250.000 USD/căn. Như vậy, vị đại gia đã chi tới 3 triệu USA để mua hơn 10 căn hộ.
Cho đến thời điểm hiện nay, dự án đã bán hơn 170 căn, trong số 700 căn đã mở bán. Với tốc độ này thì chỉ trong thời gian ngắn, dự án của bầu Đức sẽ bán hết số căn hộ đã mở bán, giúp ông bầu này đã giàu lại càng giàu thêm.
Nhưng... các khoản nợ vẫn còn
Mặc dù có nhiều thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, nhưng cũng không thể phủ nhận những khó khăn vẫn đang đặt ra đối với bầu Đức và HAGL ở trước mắt. Ngoài những áp lực đến từ cao su, dầu cọ, bầu Đức còn phải đối mặt với các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn.
Theo đó, tổng nợ của HAGL tính đến hết quý I/2015 đang ở mức trên 24.628 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của HAGL đạt 7.346,51 tỷ đồng, tăng 506,93 tỷ đồng, tương ứng 7,41% so với cuối năm 2014. Khoản nợ phát sinh trong quý 1 chủ yếu đến từ vay ngắn hạn ngân hàng.
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng có xu hướng gia tăng khi đạt 17.282,42 tỷ đồng, tăng 1.599,2 tỷ đồng. Khoản nợ dài hạn tăng chủ yếu từ trái phiếu thường trong nước.
Đây là khoản nợ không hề nhỏ với một công ty dù lớn như HAGL, đồng thời đã khiến cổ đông và nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế, khoản nợ khủng này của HAGL không đáng ngại vì đa phần đều là nợ dài hạn. Nợ ngắn hạn mà công ty phải trả trong năm 2015 khoảng 5.000 tỷ đồng.