Bò cười, người khóc
Thứ ba, 21/04/2015, 09:38 GMT+7
Ai đó đã nói như vậy khi biết rằng, các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đang vào nước ta ngày một nhiều, lấn át sản phẩm nội địa. Đặc biệt là thịt bò.
Trong vòng hai năm trở lại đây, số lượng nhập khẩu nguyên con bò thịt từ Úc về Việt Nam tăng ở mức chóng mặt. Con số thống kê của cơ quan chức năng cho biết, chỉ riêng năm 2014, Việt Nam đã nhập về khoảng 150.000 con bò Úc. Và trong năm nay, con số này được dự tính sẽ tăng lên gấp đôi.
Cũng theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2007, số lượng bò của nước ta là 6,7 triệu con, nhưng đến năm 2013 chỉ còn khoảng 5,1 triệu con. Trong khi số lượng bò Việt Nam cứ "rơi rụng” dần thì bò Úc cứ thế tăng lượng theo từng năm.
Tình trạng ế ẩm của bò nội, theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân chính là không thể cạnh tranh nổi với bò Úc. Chỉ cần làm một phép so sánh đơn giản cũng có thể thấy, bò nhập từ Úc đang thắng thế bò Việt Nam ở mọi mặt.
Cụ thể, bò Úc có tỷ lệ thịt cao hơn bò ta nhiều lần, trong khi giá lại dễ chịu hơn. Một kg bò Úc hiện nay, tính cả thuế, khi đến tay người tiêu dùng cũng chỉ xấp xỉ 200.000 đồng, trong khi giá bò ta phải ở mức 230.000 đồng/kg.
Không chỉ dễ chịu về giá, bò Úc còn có lợi thế rất lớn về độ an toàn vệ sinh thực phẩm, khi tại các lò mổ đều được cơ quan chức năng Australia cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn cả về quy trình giết mổ… Chỉ nhìn qua, chính những lợi thế hơn hẳn về mọi mặt, thịt bò Úc đang ngày càng được ưa chuộng hơn ở Việt Nam.
Thực tế này đang khiến người nông dân Việt Nam rơi vào nguy cơ thất nghiệp. Và nguy cơ này còn hiện hữu rõ hơn khi hội nhập kinh tế đang đến rất gần. Hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, hàng loạt các dòng thuế được đưa về 0. Đó là xu hướng tất yếu, và các DN Việt Nam, người sản xuất của Việt Nam, không còn cách nào khác là phải tự tìm cách để cứu mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, không bao lâu nữa, nếu không có những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi hay thiết lập được hàng rào kỹ thuật trong việc nhập khẩu, thì có thể nói một cách hình ảnh rằng, bò Úc sẽ "húc” bò Việt, và cũng có nghĩa là người chăn nuôi khốn khó.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đồng ý rằng, các chính sách của nhà quản lý đưa ra sẽ phần nào giảm thiểu những nguy cơ đó, song chúng ta không thể cứ trông chờ mãi vào các chính sách, vào sự bảo hộ.
Lãnh đạo một DN đã thể hiện chính kiến của mình rằng, ở bất cứ đâu, trong môi trường kinh doanh chỉ có hai lựa chọn: Một là sống và đương đầu với mọi rủi ro, hai là chấp nhận cái chết khi không thể chống chọi với những rủi ro đó. Không có con đường nào bằng phẳng. Ngẫm lại thấy rất đúng, và đặc biệt đúng với các DN ngành chăn nuôi hiện nay.
Trong một cuộc trả lời báo giới, được hỏi về những nguy cơ của ngành chăn nuôi khi cánh cửa hội nhập đang ngày càng rộng mở, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đã thẳng thắn thừa nhận, hội nhập kinh tế, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng bày tỏ niềm lạc quan, gửi gắm niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân giỏi, sáng tạo và năng động, chắc chắn sẽ "chèo lái” được con tàu vượt sóng lớn, không riêng gì lĩnh vực chăn nuôi.
Câu chuyện về ngành chăn nuôi, mà cụ thể ở đây là chuyện về con bò nhập từ Úc đang có nhiều khả năng "húc” chết bò Việt…cũng chỉ là một phần trong việc nhập khẩu nông sản. Cần nhớ rằng, khi tham gia TPP, nông nghiệp của Việt Nam sẽ là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Điều này đã được giới chuyên gia không ít lần cảnh báo.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn kỳ vọng, với sự nỗ lực trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của nhà quản lý, sự chủ động bứt phá vươn lên, tăng cường năng lực sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước… niềm tin mà vị Thứ trưởng Bộ Công Thương trao gửi sẽ được thực hiện thành công. Bởi không có lý gì, một nước Việt Nam với 70% dân số sống ở nông thôn, với một nền kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ mà lại chấp nhận tổn thương khi hội nhập.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)