Bộ NN&PTNT: Cá chết có thể do hóa chất có độc lực mạnh

Bộ NN&PTNT: Cá chết có thể do hóa chất có độc lực mạnh

Thứ tư, 27/04/2016, 11:29 GMT+7

Buổi thông tin với báo chí của Hội nghề cá Việt Nam. Ảnh: Thùy Dung

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tượng cá chết bất thường ở khu vực miền Trung có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) phát đi ngày hôm nay 25-4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã có cuộc họp đánh giá tình hình và bàn giải pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất tại Hà Tĩnh sau khi có hiện tượng cá chết bất thường xảy ra tại vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện tại, không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó.

Cũng trong chiều tối ngày hôm nay 25-4, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức thông tin tới báo chí liên quan tới hiện tượng cá chết bất thường trên. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho hay vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung không chỉ gây hoang mang, lo lắng cho người dân mà còn ảnh hưởng tới việc đánh bắt thuỷ sản của ngư dân. Về lâu dài, vấn đề này ảnh hưởng tới môi trường cũng như nguồn lợi thủy sản quốc gia.

“Hiện tại bà con ngư dân đang nuôi hải sản ven bờ ở các tỉnh thuộc khu vực trên rất lo lắng không dám thay nước vào ao đầm do sợ nguồn nước bị nhiễm độc, song tình hình này chỉ có thể cầm cự được ít ngày”, ông Thắng nói. Trong khi đó, việc đánh bắt xa bờ cũng bị ảnh hưởng vì sức tiêu thụ chậm do người dân lo sợ không dám ăn hải sản.

Về nguyên nhân, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng cá ở tầng đáy cũng bị chết cho thấy có thể có nguồn độc tố xuất phát từ Hà Tĩnh theo dòng hải lưu lan xuống Thừa Thiên – Huế, đi tới đâu làm cá chết tới đó.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam), cũng loại trừ nguyên nhân nước biển nóng lên do El Nino vì nếu do El Nino thì nước biển ở khu vực từ Phú Yên vào Nam Bộ là nóng nhất, nhưng khu vực này lại không ghi nhận hiện tượng cá chết bất thường. “Do vậy cần lấy mẫu đất, cá, nước xung quanh khu vực cá chết ban đầu để phân tích, làm rõ nguyên nhân. Nếu xác định được nguyên nhân do doanh nghiệp xả thải thì phải đóng cửa và yêu cầu doanh nghiệp đền bù cho ngư dân", ông Cương nói.

Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị, cùng với việc chỉ đạo sớm tìm ra nguyên nhân gây cá chết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cấp bách cho ngư dân về gạo, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống giống như hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Trong khi chờ tìm ra nguyên nhân chính thức, Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu gom tiêu hủy cá chết theo qui định, nghiêm cấm làm thực phẩm hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức; chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác và cá nuôi. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân biết thông tin, tránh hoang mang, ổn định tâm lý.

Bộ cũng giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhanh chóng phân tích mẫu vật để xác định nguyên nhân. Tổng cục Thủy sản được giao hướng dẫn các địa phương đánh giá, thống kê thiệt hại, kiến nghị và đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt gia đình chính sách, ngư dân nghèo ven biển.


Người viết : Kiều Phong (Dân Việt)