Bức tranh bức tử Biển Đông cận kề

Bức tranh bức tử Biển Đông cận kề

Thứ sáu, 06/05/2016, 15:57 GMT+7

Cách đây hơn hai tuần, nhiều hộ nuôi cá lồng ở vùng biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vô cùng hoang mang khi cá nuôi bỗng dưng chết hàng loạt. Theo các hộ nuôi, ngày 6-4 cá vẫn ăn bình thường, nhưng từ 2 giờ ngày 7-4 sau khi thủy triều lên, cá bắt đầu có hiện tượng bơi lờ đờ trên mặt nước, rồi chết trắng bụng. Không chỉ cá nuôi trong lồng bè bị chết, mà theo nhiều ngư dân, tình trạng cá tự nhiên ngoài biển Vũng Áng cũng chết trắng.

Cá chết dài theo bãi biển miền Trung. Ảnh: Dương Văn Quang.
Cá chết dài theo bãi biển miền Trung. Ảnh: Dương Văn Quang.

Hiện tượng nhiều loài cá chết và trôi dạt vào bờ bắt đầu được phát hiện từ ngày 10-4 tại bờ biển các xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) của tỉnh Quảng Bình... Số lượng cá chết được phát hiện nhiều dần vào những ngày sau đó tại các địa phương dọc bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các loài cá chết chủ yếu là các loài cá ven bờ sống ở tầng đáy như: cá đục, cá liệt, cá bò, cá phèn... Ngư dân trong vùng có chung nhận xét: Lúc đầu, chỉ có cá, tôm, mực, cua biển chết rồi dạt vào bờ biển; nhưng sau đó, khi thủy triều dâng tràn vào cửa sông thì các loài cá nước lợ cũng bắt đầu chết.

Ai bức tử thủy sinh?

Đánh giá ban đầu, các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, đều chung nhận xét: Cá biển chết trên diện rộng không có biểu hiện bệnh ở phần phụ, mang và nội tạng, nghĩa là nguyên nhân gây chết không phải dịch bệnh, mà do tác động xuất phát từ bên ngoài môi trường sống của chúng gây ra. Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho rằng, cá chết đa phần lúc thủy triều lên: “Phải là một chất cực độc và hàm lượng rất lớn mới hòa lẫn vào nước biển làm cá tự nhiên chết hàng loạt”.

Ngày 11/4, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) thông báo kết quả quan trắc đột xuất hiện tượng cá chết bất thường tại một số xã ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Theo đó, các yếu tố môi trường thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ; tác nhân vi sinh vật gây bệnh không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt ở thị xã Kỳ Anh. Giả thiết được đặt ra, yếu tố gây độc bắt nguồn từ nguồn nước thải chưa được xử lý đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển. Đến khi thủy triều lên đưa theo chất độc vào đất liền gây độc cho cá.

Gần nhất, tối 27/4, 20 ngày sau khi phát hiện cá chết hàng loạt, tại buổi họp báo do Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên nhân chính. Một là do tác động của độc tố hóa học của con người và trên biển. Hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Đây là một kết luận được chờ đợi, nhưng không đáp ứng được mong đợi của người dân, bởi cũng chưa rõ ràng. Đặc biệt, người dân miền Trung cũng chưa biết mình phải làm gì để đối phó với tình hình, vốn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. 

Lâu nay, nhiều ý kiến lo lắng vì môi trường biển đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là gì? Một trong những nguyên nhân cơ bản là hiện tượng xả chất thải trực tiếp ra sông biển của các cơ sở công nghiệp, nuôi thủy sản tràn lan, không có quy hoạch quản lý chất thải theo học thuyết 3E. Nhưng nay, biển không chỉ là nơi bị ô nhiễm môi trường nữa mà thực sự đã bị “đầu độc”. Đó thực sự là thông điệp chuyên môn cho nguyên nhân gây cá chết hàng loạt vùng biển miền Trung vừa qua.

 Tìm nguyên nhân hay tìm thủ phạm gây ô nhiễm?

 Trước tình trạng cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ này phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TN&MT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Xét góc độ khoa học thì nói như trên là đúng, nhưng góc độ quản lý nhà nước thì chắc chắn chỉ đạo này của Bộ trưởng là không ổn. Trong trường hợp cụ thể tại các tỉnh mìền Trung vừa qua, một chuyên gia môi trường bình thường cũng có thể kết luận rằng Ô nhiễm và độc tố là nguyên nhân khiến cá biển chết hàng loạt. Do đó không thể chấp nhận một số lập luận cho rằng, các cơ quan chức năng đang đi tìm nguyên nhân! Thực ra phải nói rõ hơn là đang đi tìm nguồn gốc xả thải, gốc chức độc tố hủy hoại thủy sinh, hay nói theo cách nhìn nhận tội phạm môi trường thì phải là truy tìm kẻ nào đang là thủ phạm làm ô nhiễm môi trường biển, phá hủy tài nguyên thủy sản và làm cá chết hàng loạt.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường thì hành vi xả thải đầu độc môi trường là tội phạm, sẽ bị xử lý hình sự. Như vậy, giá như chỉ đạo của Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND tỉnh Hà tĩnh là nhanh chóng tìm ra thủ phạm và nêu biện pháp xử lý phù hợp thì thông tin trên truyền thông nghe ra phù hợp khẩu khí quản lý nhà nước hơn nhiều. Ít nhất khẩu khí chỉ đạo đó làm an dân hơn, mà phần nào đó không là cơ sở cho những đối tượng xấu bình luận suy diễn không tốt.

Về nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng

Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết ngày 4/4, trong khi lặn xuống biển “săn” cá, anh bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển. “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói. Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn biên phòng Đèo Ngang, xác nhận đơn vị đã nhận được thông tin về việc có một đường ống khổng lồ nghi được sử dụng để xả thải, nối liền từ khu vực dự án Formosa (FHS) ra đáy biển như anh Thành đã trình báo. “Chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và đang chờ ý kiến chỉ đạo”.

Cá chết chưa rõ nguyên nhân tấp vào bờ biển xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Nam, HàTĩnh. Ảnh: Dương Văn Quang.
Cá chết chưa rõ nguyên nhân tấp vào bờ biển xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Nam, HàTĩnh. Ảnh: Dương Văn Quang.

Phát biểu của ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn vệ sinh môi trường công ty Formosa cho thấy sự hiện diện của ống xả thải này là có thật. Theo đó, “ống xả thải của chúng tôi có hệ thống quan sát tự động hằng ngày. Nước chảy chừng nào thì hệ thống sẽ lấy dữ liệu, gửi thông tin về máy chủ. Nếu đạt tiêu chuẩn mới cho xả ra biển. Ở kênh thoát nước mưa của chúng tôi, có hiện tượng cá biển trôi dạt vào, còn cá trong mương thoát nước vẫn đang sống” (?) Cũng theo lãnh đạo FHS, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong KCN rộng 1m, dài 1,5km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km. Mỗi ngày tập đoàn xả ra 12.000 m3 nước xả thải nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp quy chuẩn năm 2013 của Bộ TN&MT. Trước thông tin thời gian gần đây, FHS có nhập về một lượng lớn chất tẩy rửa đường ống chảy tan vào nước biển, ông Khâu Nhân Kiệt thừa nhận: “Có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, chúng tôi không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước. Hơn nữa, chất tẩy sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển”. Trong các phát biểu của mình, ông Kiệt nhấn mạnh: “Không có việc Formosa Hà Tĩnh là tác nhân dẫn đến hiện tượng cá chết ở bờ biển Việt Nam”.

Có nhiều mâu thuẫn và bất thường về mặt khoa học trong phát biểu của ông đại diện FHS, mà theo chúng tôi thì cơ quan chức năng cứ thông tin đầy đủ để rộng đường dư luận. Để chắc chắn, xác tín hơn, có thể mời những chuyên gia giỏi của các nước như Mỹ, Nhật bản và châu Âu đến phân tích để tìm ra nguyên nhân chính xác. Hoặc kêu gọi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF vào cuộc! Đây thực sự là một thảm họa, rất đáng ngờ những hoạt động phá hoại lớn quy mô nhằm vào Việt Nam. Còn nếu chỉ đơn giản là nhiễm độc từ khu công nghiệp Vũng Áng, thì đề nghị Chính phủ có biện pháp thích hợp.

Sự chần chừ của các cơ quan chức năng đã khiến dư luận đặt ra nhiều tình huống: Rất có thể, người ta sẽ chờ vài ngày để Formosa khoá van và tẩy trừ dấu vết. Sau đó một đoàn kiểm tra sẽ được lập, đến khu vực ống xả và đưa ra kết luận: “Tại thời điểm kiểm tra thấy ống không hoạt động và/hoặc không phát hiện thấy hoá chất gây ô nhiễm môi trường”.

Những động thái khác thường của lãnh đạo địa phương đã khiến dư luận hoang mang, đồng thời cho thấy sự phản ứng chậm chạp của bộ máy quản lý trước một sự cố môi trường môi sinh nghiêm trọng.

Cũng vì thế, thông tin ngắn gọn mà Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra tại cuộc họp báo, rằng: “Chưa thấy mối liên hệ giữa hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt” không thể xóa tan đi mối nghi ngờ.

Thép hay tôm cá, tương lai môi trường?

Thật ra, chính FHS dù nói ngược nói xuôi, thì mới đây cũng đã gián tiếp nói về nguyên nhân khi trả lời nhóm phóng viên VTC 14. Ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nói rằng: “Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại”. Giám đốc đối ngoại của Formosa cũng cho rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá (!)

Vì thế, về mặt chuyên môn, chắc chắn phải tổ chức DTM cho sự cố môi trường nghiêm trọng này.

Sáng 22/4, đài VTV1 đưa dự đoán thiệt hại ở Hà Tĩnh khoảng 4 tỷ đồng. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về con số đó, bởi ước tính số thiệt hại của vụ đầu độc biển và hủy hoại thủy sinh vừa rồi phải gấp hàng triệu lần con số 4 tỷ đồng do ai đó đưa ra. Con số 4 tỷ đồng chắc là được tính dựa vào số lượng cá bị chết đã thống kê được. Thế còn những thiệt hại chưa thấy được, chưa phát lộ ngay mà sẽ diễn ra trong tương lai thì ai sẽ tính và tính như thế nào?

Nguyên nhân làm cá chết đang được điều tra, nhưng có xác suất lớn là nước biển bị nhiễm chất độc hại với nồng độ lớn. Nếu như vậy thì ngoài số cá chết nổi lên mặt nước còn biết bao nhiêu sinh vật biển khác chết chìm, biết bao nhiêu con còn rất bé, bị chết và tan lẫn vào nước, biết bao nhiêu trứng của các loài bị ung, không nở được, và nếu có nở ra thì cũng không sống được. Một môi trường biển rộng lớn bị đầu độc, biết đến mấy chục năm mới trong sạch trở lại được. Trong mấy chục năm ấy biển Miền Trung là môi trường chết, không có tôm cá, may ra có một vài loài sinh vật đặc biệt mới sống nổi. Và sau khi các chất độc hại được hòa tan vào đại dương, môi trường biển được trong sạch trở lại thì cũng phải mất hàng chục năm để tôm cá trở về sinh sống bình thường. Nhưng tác hại biển không có tôm cá trong vài chục năm chỉ mới là phần thiệt hại trực tiếp, là phần nổi của tảng băng. Nguy hiểm hơn nhiều là phần chìm, là thiệt hại gián tiếp đối với hàng triệu ngư dân, họ bị tước đi nguồn sinh sống, bị đẩy vào cảnh thất nghiệp.

Liệu rồi các cơ quan điều tra của Việt Nam có tìm ra được nguyên nhân và thủ phạm vụ đầu độc kinh hoàng này hay không, có biện pháp trừng phạt thích đáng hay không, hay là chỉ dừng lại ở kết luận “Chất độc X, Y, Z được tuôn ra từ một nguồn lạ”. Chúng tôi đề nghị, nếu Việt Nam vì sự nhạy cảm nào đó mà không thể điều tra và công bố sự thật thì mời một vài tổ chức quốc tế hỗ trợ. Theo luật Bảo vệ Môi trường, vụ “đầu độc” biển như vậy là một tội ác. Nếu ai đó cố tình ém nhẹm hoặc xoa dịu chuyện này thì không chỉ đơn giản là che giấu tội phạm mà còn lộ nguyên hình là những kẻ phản bội dân tộc, góp phần hủy hoại tương lai nhân loại. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan quản lý hãy có một kết quả rõ ràng, chính xác, bởi độc tố gây bức tử biển có gốc độc tính, vốn có tính chất lắng đọng sinh học, chắc chắn sẽ là đại họa môi sinh -thiên niên kỷ cho dân tộc Việt. Điều gì sẽ xảy ra nếu cảnh báo đó là sự thật? 

Ghi chú:

Học thuyết 3E là quan điểm phát triển chính sách vĩ mô, dựa trên lý thuyết toán hình học. Người ta coi dự án phát triển như nội hàm của đường tròn được tiếp xúc với ba cạnh của tam giác. Diện tích cũng như sự phát triển của đường tròn bị chi phối nội hàm khi tam giác có sự cân đối. Ba đỉnh tam giác của học thuyết 3E bao gồm các đỉnh sau:

E1: Educatoin (Giáo dục)

E2 : Environment (Môi trường)

E3 : Economic (Kinh tế)

Theo học thuyết này, người chính khách trước khi ra quyết định cho một dự án kinh tế- xã hội nào đó, hay đứng trước hàng loạt dự án đệ trình, thì họ, hay thông qua tham mưu của họ phải được chứng minh bằng  các luận cứ khoa học rằng, dự án đã và đang kiểm soát tốt cả 3E để lãnh đạo ra quyết định. Một góc nhìn khác, học thuyết 3E giúp lãnh đạo “đánh số thứ tự ưu tiên” trong hàng núi dự án chương trình để đưa ra quyết định tối ưu.

 


Người viết : Bùi Thế Phú - Chuyên gia môi trường (Tạp chí Nông thôn Việt)