Bước đột phá của Tân Uyên: Xây dựng giao thông nông thôn

Bước đột phá của Tân Uyên: Xây dựng giao thông nông thôn

Thứ bảy, 14/03/2015, 08:37 GMT+7

Giữa những ngày xuân ấm áp, tôi về Tân Uyên (Lai Châu) để chứng kiến sự thay da đổi thịt đang diễn ra từng ngày ở khắp các thôn, bản sau gần 5 năm thực hiện chương trình XDNTM.

images1089436_tr2d

Xác định giao thông là yếu tố hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, Tân Uyên đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư thực hiện tiêu chí giao thông. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến hơn 5,5ha đất, đóng góp trên 12.000 ngày công lao động (tương đương 3 tỷ đồng) cùng với chính quyền địa phương thực hiện các công trình hạ tầng thiết yếu.

Dẫn chúng tôi tham quan một số công trình giao thông mới hoàn thành, anh Bùi Huy Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết: “Giải được bài toán giao thông là có thể hóa giải mọi khó khăn, từ phát triển kinh tế đến nâng cao nhận thức, hiểu biết và đời sống tinh thần cho bà con. Cũng nhờ sức dân, các xã đã nâng cấp, sửa chữa 8,77km kênh mương với tổng vốn đầu tư khoảng 17,24 tỷ đồng, trong đó, nhân dân góp đất với trị giá khoảng 53,1 triệu đồng, giúp 9/9 xã của huyện đạt tiêu chí thủy lợi”.

Năm 2014, huyện chọn 2 xã Nậm Cần và Phúc Khoa làm điểm XDNTM. Từ các nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn sự nghiệp và nguồn tăng thu ngân sách, các xã trên địa bàn huyện đã thực hiện mở mới, nâng cấp, sửa chữa được 26 tuyến đường với tổng chiều dài 27,8km. Do điều kiện địa hình chia cắt, đồi núi dốc, dân cư phân bố rải rác nên việc sửa chữa, làm mới các cầu treo giúp nhân dân đi lại dễ dàng được huyện đặc biệt quan tâm. Năm 2014, huyện đầu tư 30,7 tỷ đồng sửa chữa 3 cầu treo, làm mới 1 cầu bê-tông, cốt thép, góp phần nâng tổng số kilômét đường trục xã, liên xã được bê-tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn nông thôn mới là 116/144km (đạt 80,6%).

Anh Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Uyên, cho biết, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân luôn được ưu tiên bằng cách lồng ghép các nguồn vốn cho phát triển sản xuất, vận động bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời tận dụng tối đa các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc. Sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước, ao hồ, khe suối để nuôi trồng thuỷ sản.

 Bằng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao và sự ủng hộ của nhân dân, tính đến hết năm 2014, Tân Uyên có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 3 xã đạt 13 tiêu chí, còn lại 4 xã đạt từ 8 - 11 tiêu chí nông thôn mới.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới những năm qua, năm 2015, Tân Uyên tiến hành cho các xã đăng ký các bản điểm, mô hình điển hình thực hiện tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi năm thực hiện thêm từ 1 - 2 tiêu chí, riêng các xã điểm đạt từ 4 - 5 tiêu chí/xã.

Chia tay Tân Uyên, chúng tôi không giấu nổi niềm vui trước  thành quả có được từ sự chung sức, chung lòng của toàn thể cán bộ và nhân dân của huyện trong thực hiện chương trình XDNTM.


Người viết : Trịnh Hồng Hải (Kinhtenongthon)