Cải tiến phương thức sinh kế mới cho người dân

Cải tiến phương thức sinh kế mới cho người dân

Thứ hai, 02/02/2015, 11:08 GMT+7

Tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển được xem là một thách thức lớn cho sự phát triển ở tỉnh Kiên Giang, nơi sản xuất cơ bản để tạo nguồn thu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là chính. Với tác động của biến đổi khí hậu, vùng ven biển bị xói mòn, nhiễm mặn nặng bởi triều cường kéo theo sự bấp bênh trong việc tìm kiếm sinh kế của người dân.
Các mô hình trồng dừa Dứa tại nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân
Các mô hình trồng dừa Dứa tại nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Từ năm 2011, với nỗ lực tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân sống dọc ven biển Dự án Bảo tồn và phát triển khu DTSQ tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm Khuyến nông  - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình sinh kế ven biển nhằm cải thiện thu nhập cho người dân. Những mô hình này tập trung vào nuôi trồng thủy sản, cây trồng và vật nuôi phù hợp sinh thái ven biển; chuyển đổi nghề, tận dụng các sản phẩm từ rừng và dưới tán rừng, khai thác thủy sản bền vững cho người dân sống trong khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang.

Trong giai đoạn 1 (2011 – 2014), Dự án đã giới thiệu và hỗ trợ triển khai nhiều mô hình áp dụng các phương thức sinh kế mới vào sản xuất tại nhiều huyện xã của tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt là các hoạt động hướng tới phát triển sinh kế, cung cấp nguồn vốn ban đầu thông qua các khoản tài trợ được cấp cho Hội Phụ nữ các xã nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia và hưởng lợi từ mô hình.

Từ các mô hình nuôi cá Chẽm và trồng dừa Dứa ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất giúp thu nhập của nhiều hộ dân địa phương cải thiện 40% so với trước đây. Dự án đã tiến hành nhân rộng cho huyện An Minh nhằm hỗ trợ người dân khu vực rừng phòng hộ An Minh nuôi cá Chẽm dưới tán rừng ngập mặn và trồng dừa Dứa. Trong các hoạt động hỗ trợ nâng cao sinh kế của mình, Dự án đã cung cấp được 22.000 con cá Chẽm giống và 600 quả dừa Dứa giống, kèm theo đó là các đợt tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng cho cán bộ xã, cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ và 11 hộ dân ở ấp Ngọc Hải, xã Đông Hưng B, huyện An Minh.

Nội dung tập huấn phương thức sinh kế mới tập trung vào các ưu điểm của dừa Dứa và cá Chẽm, kỹ thuật trồng/ thả, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh, kỹ thuật thu hoạch, tìm hiểu các phương án gia tăng giá trị từ rừng Tràm, giúp người dân lựa chọn phương án phát triển sinh kế có tiềm năng thích nghi với điều kiện môi trường của rừng Tràm ngập mặn. Các mô hình thành công sau đó sẽ được trình diễn cho nhiều địa phương khác nhau. Qua đó, người dân địa phương sẽ thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và biết kết hợp sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quản lý đất đai của mình.

Dự án còn hỗ trợ xây dựng mô hình tổ hợp tác nuôi Sò huyết dưới tán rừng ngập mặn tại xã Nam Thái A, huyện An Biên; nuôi thả cá Sặc rằn (loài cá đặc hữu) dưới tán rừng Tràm 25 hộ gia đình tại ấp Công Sự trong vùng đệm của VQG U Minh Thượng. Mô hình này kỳ vọng sẽ cải thiện thu nhập cho người dân trong bối cảnh thu nhập từ trồng Tràm bị ảnh hưởng do thị trường Tràm bị sụt giảm, hoạt động này sẽ tạo ra nguồn thu nhập thay thế quan trọng nhằm duy trì và quản lý tốt diện tích rừng Tràm trong khu vực.

Theo cán bộ dự án, trong giai đoạn 2, Dự án ICMP Kiên Giang sẽ chủ động trong công tác chia sẻ thông tin, tìm kiếm các nhà tài trợ và các tổ chức khác để phối hợp trong việc thiết kế và triển khai rộng các mô hình sinh kế cho người dân vùng ven biển Kiên Giang.

 

 


Người viết : Minh Trung (daln.gov.vn)