Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới kiện toàn vào tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kỳ vọng: “Đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân”. Khởi động mới nhất trong tháng 6 là Dự thảo về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa/doanh nghiệp khởi nghiệp mới được Chính phủ đưa ra với lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên. Thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Hãy nghe những ý kiến từ các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Trồng ớt năng suất cao tại Đồng Tháp. Ảnh: Thảo Nguyên. |
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn:
Hỗ trợ doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo
Trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn. Để làm được điều này, chỉ có cách duy nhất là ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân. Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Do đó, cần phải tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như những ý tưởng sáng tạo mới, có giá trị thực tiễn.
TS. Đặng Kim Sơn -Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn:
Lựa chọn hướng đi đúng
Khởi nghiệp là khó khăn, khởi nghiệp trong nông nghiệp thì lại càng khó hơn nữa. Bởi, hệ thống chính sách, mức độ đầu tư cùng các điều kiện hội nhập chậm trễ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và những khó khăn khác; cho nên các doanh nghiệp vẫn thấy nông nghiệp là nơi đầu tư lợi nhuận thấp, rủi ro cao và điều đó là thực tế. Nông nghiệp là lĩnh vực mới mẻ, nhiều bỡ ngỡ đối với các doanh nghiệp trong nước hiện nay. Do vậy, các doanh nghiệp phải tiến vào địa bàn ăn chắc nhất và thu hồi vốn thuận lợi nhất; chính vì thế mà có nhiều lý do để doanh nghiệp phải bước đi thận trọng. Ví dụ: Cà phê là mặt hàng có lợi nhuận nhanh, các doanh nghiệp xuyên quốc gia đã làm chủ thị trường quốc tế và bao trùm lĩnh vực rang xay nên trước đây Việt Nam thu hút khá nhiều dòng vốn FDI. Trong khi ngành lúa gạo, thậm chí không có bóng dáng một doanh nghiệp nước ngoài; do thị trường và cuộc chơi quản lý xuất khẩu giữa họ với đối trọng là các doanh nghiệp Nhà nước không thuận lợi. Những lý do trên khiến không ít nhà đầu tư rời bỏ hai mặt hàng này. Song nông nghiệp vẫn là mảnh đất tiềm năng để khởi nghiệp. Cùng với các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, việc lựa chọn những phương thức kinh doanh hợp lý và sáng tạo, tìm ra những hướng đi mới có thể giúp các bạn trẻ đứng vững và phát triển trong lĩnh vực này.
TS. Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh:
Nhà nước nên tham gia đầu tư mạo hiểm
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trẻ theo mô hình khởi nghiệp được hình thành từ vài năm gần đây nhưng chưa có nhiều thành công, bởi rất thiếu về điều kiện phát triển ban đầu như văn phòng, nhân lực, nguồn vốn, mô hình kinh doanh. Các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, đa phần mới tốt nghiệp đại học hoặc đang là sinh viên nên luôn gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng của mình thành sản phẩm thực sự. Khoảng 10 năm trước, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng từng quan tâm đến các doanh nghiệp công nghệ trẻ của Việt Nam. Nhưng do sức ép bảo toàn vốn cho nhà đầu tư nên các quỹ đầu tư quốc tế đã không dám mạo hiểm rót vốn mà chỉ đầu tư nhỏ giọt vào những doanh nghiệp tiềm năng tạo dựng được thương hiệu. Sau đó bán lại cổ phần với giá cao hơn cho các quỹ đầu tư khác theo kiểu gặt lúa non. Vì vậy, những nhà khởi nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu vốn, phải tập trung làm thương hiệu theo yêu cầu của nhà đầu tư hơn là tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cần đến vai trò của nhà nước. Nhà nước nên tham gia vào các hoạt động đầu tư mạo hiểm cho các lĩnh vực khoa học, công nhệ như công nghệ sinh học, vật liệu mới. Giai đoạn đầu khởi nghiệp mới chỉ có ý tưởng công nghệ chưa có nguồn thu, họ khó gọi được vốn đầu tư từ các quỹ. Do đó, nhà nước cần hỗ trợ vốn “mồi” cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu bằng cách trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc đối ứng đầu tư. Hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động đào tạo, tập huấn khởi nghiệp. Liên kết với các thành phần để tạo thành mạng lưới hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sẽ hiệu quả hơn.