Câu chuyện lúa thơm

Câu chuyện lúa thơm

Thứ tư, 28/01/2015, 13:49 GMT+7

Trên thị trường gạo nội địa và xuất khẩu, gạo thơm có giá cao hơn gạo thường 2-3 lần, vì vậy các nước xuất khẩu gạo luôn củng cố ưu thế xuất khẩu gạo thơm của mình. 

Gạo thơm có giá bán cao hơn gạo thường nhiều lần, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Gạo thơm có giá bán cao hơn gạo thường nhiều lần, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bài viết này tóm tắt một số thông tin về giống lúa thơm và sản xuất lúa thơm ở một số nước xuất khẩu gạo chính.

Lúa thơm Thái Lan

Diện tích lúa của Thái Lan năm 2013 là 12,3 triệu ha (tăng khoảng 2 triệu ha trong vòng 10 năm), trong đó diện tích lúa 2 vụ khoảng 2 triệu ha, còn lại trên 10 triệu ha dựa vào nước trời, trồng giống địa phương một vụ lúa/năm, gieo cấy vào đầu mùa mưa (tháng 6-7) và thu hoạch vào đầu mùa khô (tháng 11-12).

Vì phần lớn diện tích lúa dựa vào nước trời nên năng suất lúa bình quân chỉ đạt 3 tấn/ha và hầu như không tăng qua các năm.

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan ban hành 2 tiêu chuẩn quốc gia về gạo thơm: tiêu chuẩn TAS 4000 năm 2003 qui định gạo thơm đặc sản Hom Mali (Hom = thơm, Mali = Jasmine - hoa lài) gồm hai giống lúa là Khao Dawk Mali 105 và RD 15 (giống đột biến vật lý từ Khao Dawk Mali 105) và tiêu chuẩn TAS 4001 năm 2008 qui định gạo thơm Pathumthani (gạo thơm thường) gồm 9 giống lúa tẻ và 4 giống lúa nếp.

Nhóm lúa thơm đặc sản Hom Mali được trồng một vụ/năm với diện tích 3,2 triệu ha (25% tổng diện tích lúa) trong đó Khao Dawk Mali 105 là giống chủ lực chiếm 3 triệu ha. Khao Dawk Mali (Hoa lài trắng) 105 là dòng lúa được chọn từ lúa địa phương do Trung tâm thực nghiệm lúa Kok Samrong ở tỉnh Lopburi thực hiện năm 1955, đến năm 1959 được đưa vào sản xuất.

Như vậy, đến nay giống này đã tồn tại trên 50 năm do có chất lượng gạo "trời phú" dù năng suất bình quân chỉ đạt 2,2 tấn/ha.

Vùng địa lý của Khao Dawk Mali 105 giới hạn ở một số tỉnh phía Bắc Thái Lan, trong đó gạo có chất lượng ngon nhất từ vùng Thung Kula Ronghai ở Đông Bắc gồm 5 tỉnh Surin, Maha Sarakham, Buriram, Sisaket và Roi Et.

Đặc điểm sinh thái của vùng này là đất hơi mặn và khí hậu khô ráo. Lúa thơm Hom Mali vùng Thung Kula Ronghai đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan năm 2007; đến năm 2011 Thái Lan đăng ký ở Liên minh châu Âu nhưng không được chấp nhận vì tên gọi “Hom Mali” được cho là tên phổ biến nên không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định về thương mại liên quan quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) của WTO.

Nhóm lúa thơm Pathumthani phần lớn gồm các giống lúa tẻ cải tiến, không cảm quang, ngắn ngày, trồng được 2 vụ/năm, trong đó giống phổ biến nhất là Pathum Thani 1 (đăng ký năm 2000), kế đến là Khlong Luang 1, Suphan Buri và giống mới nhất là RD33 (2007). Các giống lúa nếp thơm chủ yếu là giống cảm quang, trong đó phổ biến nhất là RD6 (1977).

Các giống lúa thơm Pathumthani có chất lượng không bằng lúa thơm đặc sản Hom Mali nên không có vị trí lớn trong xuất khẩu. Một báo cáo của Thái Lan tại Hội nghị quốc tế lần thứ IV tháng 11/2014 ở Bangkok cho biết đã chọn tạo được giống lúa thơm mới có chất lượng gần như Khao Dawk Mali 105 và đang khảo nghiệm.

Từ 2009-2014, lượng gạo thơm Hom Mali Thái Lan xuất khẩu biến động từ 1,1- 2,6 triệu tấn/năm và tỷ lệ trên tổng lượng gạo xuất khẩu từ 12-30% với giá xuất khẩu từ 860-1.060 USD/tấn. Lượng gạo thơm Pathumthani xuất khẩu không đáng kể, khoảng 100.000 tấn/năm với giá từ 600-800 USD tấn.

Gạo thơm Hom Mali xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc gia TAS 4000 được Cục Ngoại thương cấp nhãn chứng nhận (hình) như một thương hiệu quốc gia; tính đến năm 2011 đã có 176 nhà xuất khẩu gạo được cấp quyền sử dụng nhãn chứng nhận gạo Hom Mali.

Lúa thơm Ấn Độ và Pakistan

Lúa thơm đặc sản của Ấn Độ và Pakistan chủ yếu là nhóm lúa Basmati (Bas = thơm, Mati = vốn có từ gốc); nhóm này khác về đặc điểm di truyền với lúa thơm Hom Mali của Thái Lan.

Gạo Basmati khi nấu chín chiều dài hạt gạo tăng lên gấp đôi và cơm xốp nhưng không dính, hàm lượng amylose trên 20% so với lúa thơm Hom Mali dưới 18%.

Nhóm lúa Basmati địa phương có trên 50 dòng, trong đó 5-7 dòng phổ biến như Basmati 370 được chọn từ năm 1933, TaraoriBasmati và Dehraduni Basmati. Các giống này có thời gian sinh trưởng dài (cảm quang) và năng suất thấp (2,5 tấn/ha).

Điều khác biệt cần ghi nhận là Ấn Độ đã lai tạo thành công giống lúa thơm Basmati cải tiến, ngắn ngày, năng suất cao nhưng có chất lượng tương đương như giống Basmati địa phương và các giống mới này đã thay thế phần lớn diện tích trồng giống Basmati địa phương.

Dấu mốc là giống Pusa Basmati 1 do Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ lai tạo (Pusa là địa danh của Viện) đưa vào sản xuất năm 1989.

Sau đó thành công lớn nhất là giống Pusa Basmati 1121 được lai tạo có bố mẹ mang gen của giống địa phương Basmati 370 và Dehraduni Basmati, đưa vào sản xuất năm 2003; giống này hiện được trồng trên 1,4 triệu ha/năm và đóng góp đến 75% lượng gạo Basmati xuất khẩu của Ấn Độ.

Đến nay tiến bộ mới nhất là giống Pusa Basmati 1509 (lai tạo giữa Pusa 1301 và Pusa Basmati 1121) được đưa vào sản xuất năm 2013, hứa hẹn sẽ tạo bước tăng trưởng đáng kể cho xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ trong những năm tới vì năng suất cao (6 tấn/ha) và ngắn ngày hơn Pusa Basmati 1121.

Vì chất lượng gạo các giống mới tương đương như giống Basmati địa phương, nên Bộ Công thương Ấn Độ ban hành tiêu chuẩn quốc gia số 68 năm 2003 bắt buộc áp dụng đối với gạo Basmati xuất khẩu cho 11 giống lúa gồm cả giống địa phương và giống cải tiến. Đến năm 2012, 16 giống lúa được công nhận được áp dụng tiêu chuẩn gạo Basmati xuất khẩu.

Vùng địa lý trồng lúa thơm Basmati của Ấn Độ chỉ giới hạn ở một số bang ở phía Bắc như Punjab, Haryana, Uttar Pradesh, chịu ảnh hưởng khí hậu của vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Diện tích lúa thơm Basmati niên vụ 2013-2014 đạt 2,5 triệu ha trong tổng diện tích lúa 43,5 triệu ha, đóng góp cho xuất khẩu 3,8 triệu tấn gạo Basmati, chiếm 35% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Trị giá gạo thơm xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD (bình quân 1.200 USD/tấn). Năm 2014-2015, diện tích lúa Basmati tăng 1 triệu ha đạt 3,5 triệu ha.

Số lượng gạo thơm Basmati của Ấn Độ xuất khẩu tăng vọt trong 5 năm gần đây chủ yếu nhờ vào sự thành công trong tạo giống lúa Basmati cao sản có chất lượng không khác biệt giống Basmati địa phương nhưng năng suất cao hơn 2-3 lần và thời gian sinh trưởng rút ngắn còn 115 ngày so với 150 ngày của giống địa phương.

Pakistan sản xuất lúa Basmati ở bang Pubjab chủ yếu dùng giống Basmati địa phương và giống cải tiến như Basmati 385 và Super Basmati. Niên vụ 2011-2012, lượng gạo Basmati xuất khẩu của Pakistan đạt gần 800.000 tấn, chiếm 25% tổng lượng gạo xuất khẩu, giá bình quân 865 USD/tấn.

Gạo thơm đang là hướng đi quan trọng trong SX lúa ở nhiều nước Đông Nam Á
Gạo thơm đang là hướng đi quan trọng trong SX lúa ở nhiều nước Đông Nam Á

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý lúa Basmati đang diễn ra với nhiều phức tạp giữa Ấn Độ và Pakistan, hiện nay Pakistan đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Pakistan và Ấn Độ đang chuẩn bị đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Ấn Độ nhưng bị Pakistan phản đối.

Lúa thơm Mỹ

Mỹ có diện tích lúa 1 triệu ha, xuất khẩu 3 triệu tấn gạo/năm đồng thời nhập khẩu 700.000 tấn/năm, trong đó trên 50% là gạo thơm chủ yếu từ Thái Lan và Ấn Độ. Trước đây Mỹ có các giống lúa thơm như Texamati (1977), Jasmati (1993), Kasmati (1994), Calmati-201 (1999) và Jasmine 85 (1989) tức IR841-85-1-1-3 nhập từ IRRI (lai tạo từ tổ hợp lai Khao Dawk Mali 105/IR262-43-8-11).

Cách đặt tên lúa thơm của Mỹ có phần nhại theo tên Basmati và Jasmine nên Ấn Độ và Thái Lan đã phản ứng, tuy các giống này không có ảnh hưởng thương mại lớn vì không đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng gạo thơm ở Mỹ. Những năm gần đây, Mỹ đã rất nỗ lực trong nghiên cứu tạo giống lúa thơm đạt chất lượng cao hơn và đã đưa một số giống mới vào sản xuất gồm: Jazzman (2009), JES (JES = Jasmine Early Short - 2010), Jazzman-2 (2011) và Calmati202 (2009).

Trước mắt, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp như chọn thuần các giống hiện có như Jasmine 85, VD20, nhóm ST để sản xuất hạt giống nguyên chủng, sử dụng hạt giống xác nhận trong sản xuất; đồng thời áp dụng các tiến bộ trong canh tác (VietGAP cho lúa thơm), cải tiến công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ, chế biến và đảm bảo sự trung thực về chất lượng trong thương mại, đặc biệt tránh đẩy nhanh số lượng bằng pha trộn hoặc mở rộng diện tích ở địa bàn không phù hợp.

Theo báo cáo của Mỹ, Jazzman được lai tạo giữa giống Ahrent của Mỹ và dòng lúa thơm 96a-8 nhập nội từ Trung Quốc và giống Jazzman-2 là con của tổ hợp lai 0302195/0302125, trong đó 0302125 là dòng lúa thơm của Mỹ có gia phả liên quan đến giống Jasmine 85 (Jasmine 85/Della//Leah/Della).

Giống Jazzman-2 được cho là có chất lượng gạo gần Hom Mali của Thái Lan và năng suất đạt 7 tấn/ha. Diện tích trồng giống Jazzman-2 đang gia tăng, đồng thời gạo đã đi vào siêu thị. Thái Lan bày tỏ quan ngại khi Mỹ lai tạo thành công giống lúa thơm Jazzman.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam có các giống lúa thơm đặc sản như Nàng Thơm Chợ Đào, Tám Xoan Hải Hậu, Nàng Nhen, ... nhưng phạm vi thích nghi địa lý của mỗi giống quá hẹp nên được trồng chủ yếu cho tiêu dùng nội địa. Gạo thơm đặc sản xuất khẩu của thế giới đều từ giống lúa địa phương.

Thái Lan chủ yếu dựa vào một giống địa phương là Khao Dawk Mali 105. Ấn Độ cũng bắt đầu từ giống địa phương Basmati nhưng gần đây đã lai tạo thành công giống Basmati cao sản và được trồng thay thế phần lớn diện tích giống Basmati địa phương. Mỹ cũng đã tạo được giống lúa thơm cho là có chất lượng gạo tương tự như Hom Mali.

Kinh nghiệm của Ấn Độ và Mỹ cho thấy, có thể tạo giống lúa thơm cao sản đạt chất lượng như gạo thơm đặc sản của thị trường thế giới. Kinh nghiệm của họ cũng cho thấy việc tạo giống lúa thơm là việc không dễ dàng và đòi hỏi thời gian lâu hơn để tạo ra một giống vì nguồn gen bố mẹ lúa thơm thường có khả năng phối hợp thấp chưa kể liên kết với tính nhiễm sâu bệnh.

Do tương tác giữa yếu tố địa lý và giống (di truyền), Việt Nam có điều kiện phù hợp để phát triển lúa thơm theo hướng chất lượng Jasmine, đây cũng là loại gạo thơm có nhu cầu gia tăng trên thị trường thế giới. Để thành công, Việt Nam cần có đầu tư ưu tiên và dài hạn trong nghiên cứu chọn tạo ra giống lúa thơm có giá trị xuất khẩu cao.

Điểm cần lưu ý là lúa thơm chỉ có chất lượng tốt ở vùng địa lý thích hợp và luôn có giới hạn về vùng sản xuất cũng như vụ sản xuất. Vì vậy, cần nghiên cứu định hình vùng trồng lúa thơm xuất khẩu ở ĐBSCL, xem xét vùng phù sa ngọt và vùng ven biển bán đảo Cà Mau, trong đó củng cố phát triển vùng trồng lúa thơm trong cơ cấu tôm - lúa để sản xuất gạo thơm sinh thái hoặc hữu cơ và tiến đến đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Theo kinh nghiệm của Thái Lan và Ấn Độ, nhà nước (Bộ NN-PTNT) cần sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia gạo thơm Việt Nam (Vietnam Aromatic Rice) ứng dụng cho nhóm giống lúa thơm xuất khẩu hiện nay và sẽ được bổ sung các giống mới trong tương lai, đồng thời ban hành nhãn chứng nhận "Vietnam Aromatic Rice" để cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm đáp ứng được tiêu chuẩn. 

Sự xuất hiện của nhãn chứng nhận gạo thơm Việt Nam trên nhãn thương hiệu gạo của doanh nghiệp sẽ hình thành “thương hiệu quốc gia”.

Dù lượng gạo thơm xuất khẩu đã gia tăng nhanh, năm 2014 đạt trên 1,3 triệu tấn, nhưng cần đặt mục tiêu nâng cao chất lượng luôn là hàng đầu.

 
 

Người viết : BÙI BÁ BỔNG (Chuyên gia cao cấp FAO)