Cây trồng biến đổi gen: Nghĩ gì khi ở tuổi 20?
Thứ năm, 05/02/2015, 14:49 GMT+7
Tròn hai mươi năm có mặt trên thế gian, cây trồng biến đổi gen - một phát minh lớn của nhân loại đã kỷ niệm sinh nhật của mình bằng nhiều sự kiện đáng ghi công.
Nghiên cứu ngô biến đổi gen tại Viện nghiên cứu ngô |
* Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ có hàng ngàn ha ngô biến đổi gen
Thứ nhất là Bangladesh - một trong những quốc gia nhỏ và nghèo đói trên thế giới lần đầu tiên phê chuẩn cà tím Bt. Việc làm này cho thấy sức mạnh tinh thần và sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ.
Không đến 100 ngày kể từ khi phê duyệt thương mại hóa, đã có 120 nông dân tham gia trồng cà tím Bt. Không chỉ mang lại thu nhập cho các nông dân nghèo nơi đây mà loại cây trồng này còn giúp cho họ giảm tới 70-90% lượng thuốc trừ sâu.
Thứ nhì tại Mỹ, khoai tây Innate cũng được phê duyệt. Đây là loại khoai có hàm lượng acrylamide - chất có khả năng gây ung thư thấp hơn khoai thường khi nấu ở nhiệt độ cao.
Hơn thế giống khoai mới này cũng giảm tới 40% tổn thất do không bị mất màu và thâm khi gọt vỏ. Điều này mở ra một triển vọng lớn cho loại cây lương thực đứng thứ tư của thế giới.
Thứ ba, cũng tại Mỹ diện tích ngô chịu hạn đã tăng hơn năm lần khi đưa vào sản xuất. Thứ tư, kể từ khi được đưa vào canh tác đầu tiên năm 1996, diện tích trồng cây biến đổi gen đã tăng lên hơn 100 lần, hiện ở mức 181 triệu ha với số nước áp dụng từ 6 lên 28.
Cuối cùng, nếu những năm đầu tiên áp dụng chỉ có một vài sản phẩm thì hiện đã có một danh sách tới hơn 70 sản phẩm tiềm năng về cây trồng biến đổi gen.
Tuy thế con đường áp dụng công nghệ tiên tiến này không chỉ được trải bằng hoa hồng mà còn có vô số hố sâu, chông nhọn giăng mắc.
Cản trở lớn nhất vẫn là những thông tin phản khoa học. Các nhóm chống đối cây trồng biến đổi gen rất sợ sự rõ ràng nên họ muốn vẩn đục thông tin để người ta không nhận rõ bản chất.
Chính vì vậy theo Clive James - người sáng lập ra tổ chức ISAAA (Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp) khi có mặt tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen ngày 3/2 ở Hà Nội đã phải thốt lên rằng: Cần đầu tư lớn hơn nữa cho các nhà nghiên cứu để họ đưa ra thêm nhiều công trình chứng minh cây trồng biến đổi gen rất an toàn.
“Bạn có biết những quả cà chua ngon lành trên đĩa của bạn được chuyển gen của con nhện và vì vậy các công ty sản xuất có thể kiếm hàng tỉ đô la bằng cách thu tơ từ các quả cà chua?”.
“Bạn có biết gen ếch được chuyển vào những quả cà tím vì vậy chúng thường có phổ phát quang rộng và năng lượng khổng lồ để kháng lại các loại bệnh lây nhiễm”.
Bà Arujanan - Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin công nghệ Sinh học Malaysia đã kể hàng loạt những lời nói dối trắng trợn như vậy về công nghệ biến đổi gen vẫn ngày ngày được tung ra.
Việt Nam cũng đầy rẫy những thông tin kiểu dọa ma như vậy. Đã từng tham dự rất nhiều cuộc họp về cây trồng biến đổi gen nhưng tại hội nghị này mừng thay tôi thấy sự thay đổi rõ nét.
Đừng nghĩ cây trồng biến đổi gen làm tăng năng suất. Cây kháng sâu nếu trồng ở nơi không có sâu thì năng suất hoàn toàn bằng cây truyền thống nhưng nếu xảy ra dịch thì nó sẽ hơn 50-70% năng suất. Gen kháng thuốc trừ cỏ giúp thay vì diệt cỏ bằng tay sẽ diệt cỏ bằng thuốc mà không gây chết cây. Tóm lại cây trồng biến đổi gen giúp giảm chi phí, giảm thuốc trừ sâu, giảm công canh tác. |
Sự sợ hãi thu hẹp dần nhờ các phương tiện truyền thông thời gian qua cung cấp khá đầy đủ thông tin nhiều chiều. Vấn đề cây trồng biến đổi gen ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng tạm lắng xuống, chỉ còn nỗi lo làm sao chủ động được khâu giống mà thôi.
Phụ thuộc nguồn gen vào nước ngoài? GS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam mở màn: Không phải chỉ cây trồng biến đổi gen chúng ta mới phải mua mà hàng chục năm nay Việt Nam đã mua giống rau, ngô, lúa của nước ngoài với tỷ lệ rất lớn thế mà khi mua cây trồng biến đổi gen lại là bất thường? Có nhập về mới có đội ngũ nghiên cứu để sản xuất ra giống biến đổi gen của riêng mình, để cạnh tranh với hàng ngoại.
Theo tôi cần đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất luôn bây giờ. Còn mặt trái của công nghệ biến đổi gen là có thể dễ dàng tạo ra vũ khí sinh học nhưng vấn đề không phải ở công nghệ mà ở người sử dụng, nó hệt như công nghệ nguyên tử vậy.
PGS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho hay, trong suốt bảy, tám năm nay Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp để ứng dụng cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và giờ đã có hệ thống hoàn chỉnh: Cây trồng biến đổi gen là công nghệ mới.
Tiềm năng của nó rất lớn và chính tiềm năng này khiến cho công chúng quan ngại. Hiện ở ta có những nhóm lợi ích chống lại cây trồng biến đổi gen nên các bước đi cần phải thận trọng để đưa vào sản xuất là người tiêu dùng chấp nhận ngay.
TS Phạm Văn Toản - Viện VAAS - một chuyên gia về cây trồng biến đổi gen thông tin trong vụ xuân này sẽ tiến hành khảo nghiệm giá trị canh tác các sản phẩm cây trồng biến đổi gen của công ty Monsato và Syngenta.
Tiếp đó Cục Trồng trọt sẽ lập hội đồng đánh giá để có thể đưa vào danh mục giống. Nếu thành công, cuối năm nay Việt Nam sẽ có hàng ngàn ha ngô biến đổi gen. Tuy nhiên diện tích rộng hẹp thế nào còn phụ thuộc vào giống, nó giải bài toán gì so với yêu cầu thực tế.
Bài toán của Việt Nam bức xúc nhất có lẽ là hạn, là chống chịu lại các điều kiện bất thuận như lạnh, nóng, phèn, mặn. Vấn đề sâu bệnh tùy từng mùa, từng vùng, mức độ theo tôi là không cao. Vấn đề chống chịu thuốc trừ cỏ, vài năm nay ta mới sử dụng thuốc nên nó cần cho sản xuất lớn còn ở quy mô nhỏ như hiện tại ý nghĩa cũng không nhiều.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)