Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn và kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ năm, 02/04/2015, 21:31 GMT+7
Từ một nước có nền nông nghiệp kém phát triển, trong thời gian không dài Hàn Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có nền nông nghiệp tiến tiến, nông thôn phát triển hiện đại. Những kinh nghiệm đó của Hàn Quốc có thể tham khảo cho Việt Nam.
Một số chính sách của Hàn Quốc đối với nông dân
Thứ nhất, phong trào đổi mới nông thôn
Phong trào “Saemaulundong” được Tổng thống Park Chung Hy phát động vào ngày 22-4-1970. “Saemaul” theo nghĩa tiếng Hàn là “sự đổi mới của cộng đồng” được ghép với “undong” có nghĩa là một phong trào và cụm từ “Saemaulundong” có nghĩa là phong trào đổi mới cộng đồng. Vì phong trào bắt đầu từ nông thôn nên “Saemaulundong” được hiểu là “Phong trào đổi mới nông thôn”.
Phong trào đề cao “Tinh thần Saemaul” gồm 3 thành tố: “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. “Chăm chỉ” là động cơ tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để tiến tới thành công, “Tự lực” là ý chí bản thân, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân và “Hợp tác” là nhận thức về mong muốn phát triển cộng đồng phải nhờ vào nỗ lực của tập thể.
Ở cấp trung ương, Bộ Nội vụ Hàn Quốc được giao chỉ đạo và quản lý toàn bộ phong trào, bên dưới có các vụ đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể. Ở tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện có cơ quan chuyên trách. Ở cấp phường, xã thành lập ủy ban điều hành phong trào, thường do chủ tịch hành chính đứng đầu. Ở thôn, xóm thành lập “Ban phát triển tự quản”, người lãnh đạo là do dân bầu.
Nhận thức tầm quan trọng của người đứng đầu dự án, năm 1972 sau một năm triển khai phong trào, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập “Viện đào tạo lãnh đạo Saemaul” và sau này đổi thành “Học viện trung ương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo đổi mới nông thôn”. Mỗi xã được cử 1 cán bộ đi học. Khóa học nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng của người lãnh đạo. Học viên sinh hoạt tập thể, làm việc theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm và có sự trợ giúp của giáo viên. Chính những học viên này sẽ là người lãnh đạo và hướng dẫn cho dân làng, đóng vai trò quan trọng trong thành công của các dự án. Thời lượng của các khoá học ban đầu là 2 tuần tập trung, sau rút ngắn còn 1 tuần và hiện nay là 3 ngày và 2 đêm.
Ban đầu, phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc gồm 10 nội dung: Mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; Mở rộng, làm mới đường trong thôn; Làm vệ sinh thôn xóm; Xây dựng khu giặt giũ chung; Đào giếng nước chung; Cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; Cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; Sửa cầu; Sửa hệ thống đập sông ngòi và Xây dựng điểm gom phân bắc.
Các nội dung để xây dựng dự án rất thiết thực, tương đối đơn giản, dễ triển khai, nhanh có kết quả, để khích lệ tinh thần người dân tin vào hiệu quả công việc, tin vào phong trào, tạo đà để làm những dự án dài hơi hơn.
Trong năm đầu tiên phát động phong trào, chính phủ cấp miễn phí đồng loạt cho 33.000 xã trong cả nước, mỗi xã 355 bao xi măng (loại 40 kg). Kết quả là sau 1 năm, hạ tầng giao thông ở 16.600 xã được cải thiện rõ rệt do biết tranh thủ sự hỗ trợ của chính phủ và vận động sự tham gia tích cực của người dân, làm nên thành công bước đầu.
Sang năm thứ 2, chỉ 16.600 xã có thành tích tốt được tôn vinh khen thưởng và tiếp tục được chính phủ hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn thép cho mỗi xã. Cách thức này tạo nên không khí cạnh tranh sôi nổi trong nông thôn cả nước, là yếu tố thúc đẩy đáng kể phong trào.
Năm 1973, vào năm thứ 3 của phong trào, chính phủ đã tiến hành phân loại các thôn theo tiêu chuẩn phát triển và sự tham gia của người dân (vốn, công lao động) thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. “Thôn cơ sở” hầu như chưa có sự tham gia đáng kể của người dân, sẽ nhận được sự hỗ trợ các dự án cải thiện môi trường với yêu cầu cần phải nâng cao ý thức người dân. “Thôn tự lực” đã có tỷ lệ người dân tham gia khoảng 50%, sẽ được hỗ trợ các dự án môi trường, dự án nâng cao thu nhập. “Thôn tự lập” là các thôn có 100% người dân tham gia phong trào được ưu tiên hỗ trợ các dự án nâng cao thu nhập, dự án phúc lợi văn hóa.
Sự đầu tư theo nhóm năng lực đã mang lại kết quả tốt, hiệu quả đầu tư cao. Vào năm 1973, còn 31% “Thôn cơ sở” và chỉ có 12% “Thôn tự lập”, nhưng đến cuối năm 1978 gần như 100% số thôn đạt “Thôn tự lập”.
Thành công của "Saemaulundong" ở nông thôn đã lan tới các vùng không làm nông nghiệp như công sở, trường học, nhà máy với nhiều lĩnh vực khác nhau. Các thành phố bắt đầu các dự án chống tham nhũng và xây dựng một đô thị hoàn hảo. Ba chiến dịch “Saemaulundong” được phát động là: Chiến dịch Tinh thần, Cư xử và Môi trường.
Trong vòng 10 năm (1971-1980) triển khai thực hiện “Saemaulundong”, tổng kinh phí đầu tư cho các dự án là 3.425 tỷ won (tương đương khoảng 3 tỷ USD). Trong đó, đóng góp của người dân chiếm phần lớn 49,4%; hỗ trợ của chính phủ chỉ 27,8%; phần còn lại là các khoản nông dân vay của các tổ chức tín dụng. Nếu tính cả phần vốn vay, sự đóng góp của người dân là 72,2%. Thực tế cho thấy sự hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn đầu là rất quan trọng, nhưng rõ ràng sự đóng góp của người dân mới quyết định thành công của các dự án.
Các dự án đã làm được 61.797 km đường vào thôn (đạt 126% kế hoạch); 43.558 km đường trong thôn (166%); 79.516 cầu cống nhỏ (104%); 37.012 nhà văn hóa (104%); 15.559 km đường cống nước thải (179%); 2.777.500 hộ nông thôn được cấp điện (98%); 717 xí nghiệp nông nghiệp (75%); 22.143 nhà kho (64%); 225.000 ngôi nhà được cải tạo (42%) và quy hoạch mới cho 2.747 ngôi làng,…. Thành tích này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc dựng hẳn một bảo tàng về “Saemaulundong” - để thế hệ mai sau thấy rằng, đã có một phong trào làm nên điều kỳ diệu trên đất nước này.
Thứ hai, chính sách phát triển nông nghiệp
Thông qua hình thức hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), một hình thức sản xuất rất mới lúc bấy giờ, Chính phủ quyết định thực hiện biện pháp “hai mũi giáp công”: a/ đưa kỹ thuật sản xuất mới (giống mới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thú y, cung cấp tín dụng đầy đủ và xác định giá nông sản có tính đến việc hỗ trợ cho nhà nông); b/ thay đổi cơ chế, chính sách nông nghiệp (cải cách ruộng đất để mọi nông dân đều có đất canh tác, đồng thời ban hành Luật Hợp tác xã và xây dựng HTXNN đa mục tiêu, khuyến khích nông dân tham gia).
HTXNN đa mục tiêu của Hàn Quốc có nhiệm vụ hướng dẫn và đào tạo kỹ năng sản xuất cho bà con; cung cấp các phương tiện cần thiết cho an sinh xã hội; làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên từ đồng ruộng đến chợ hàng hoá (bao gồm sản xuất, chế biến và bán ra thị trường); dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm (bao gồm kinh doanh tài chính nông nghiệp, tín dụng và tiết kiệm của các HTXNN thành viên); dịch vụ về chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Những nỗ lực này đã “vực” nền nông nghiệp Hàn Quốc từ yếu ớt trở nên ổn định. Nhờ đó, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng gấp đôi so với 15 năm trước.
Khi Hàn Quốc gia nhập WTO vào năm 1995, nông dân Hàn Quốc lại đứng trước một thách thức mới, đó là các cam kết cắt bỏ mọi khoản trợ cấp cho nông dân. Để thích ứng với những cam kết WTO, một lần nữa Chính phủ Hàn Quốc lại ban hành chiến lược nông nghiệp mới; trong đó chú trọng đổi mới khả năng cạnh tranh của nông nghiệp bằng cách huấn luyện nông dân, hiện đại hoá hệ thống marketing, áp dụng công nghệ thông tin; ổn định an sinh nông thôn thông qua đầu tư cho giáo dục, y tế và đặc biệt là hưu trí của nông dân xã viên.
Ngoài ra, Nhà nước còn cải tiến chính sách nhằm chuyển hướng mục tiêu hoạt động của HTXNN. Theo đó, thay vì hoạt động dàn trải như trước đây, HTXNN tập trung vào những sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ có lợi thế cạnh tranh và khả năng thành công cao. Thủ tục tài chính được cải cách với hình thức thanh toán trực tiếp thay vì qua trung gian.
Từ năm 1994 đến năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đã dành 48 tỷ USD thực hiện chiến lược trên và dự trù khoảng 110 tỷ USD cho giai đoạn 2004-2013 để tiếp tục cải tiến thuỷ lợi, cải cách ruộng đất, hiện đại hoá phương tiện marketing, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, cải tiến chất lượng cuộc sống của nông dân...
Hàn Quốc đã tập trung nỗ lực phát triển nông nghiệp vào việc tăng sản lượng lên mức tối đa từ diện tích đất trồng trọt có hạn của đất nước (vốn chỉ chiếm 19% tổng diện tích đất đai). Ngoài ra, những giống cây mới cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bọ và bệnh tật tốt hơn đang được phát triển.
Quá trình công nghiệp hóa đã làm giảm nhanh số dân nông thôn từ 57% năm 1962 xuống dưới 9% vào cuối những năm 2000. Để giải quyết vấn đề lao động trong ngành nông nghiệp đang giảm nhanh, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, nhất là trong việc trồng và thu hoạch lúa.
Từ những năm đầu của thập niên 1970, chương trình tái trồng rừng đã được triển khai trên toàn quốc. Chương trình này bao gồm việc trồng cây mới và bảo vệ diện tích rừng hiện có trên các khu vực đồi núi vốn chiếm khoảng 64% diện tích đất đai của Hàn Quốc.
Nhằm gìn giữ tài nguyên rừng cho đến khi chúng mang lại hiệu quả, Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ. Hơn một thập kỷ qua, sản xuất gỗ chỉ giới hạn trong khoảng 1.500.000 m3. Hầu hết các nhu cầu về gỗ được đáp ứng nhờ nhập khẩu. Một lợi ích nữa của việc bảo vệ rừng là đã góp phần vào việc chống lũ và xói mòn đất.
Trong hơn hai thập kỷ qua, việc mở rộng và hiện đại hóa công nghiệp đánh bắt cá đã đạt được những thành tựu đáng kể và ngành này đã trở thành một nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Nghề đánh bắt cá ngoài khơi của Hàn Quốc đã đạt đến đỉnh cao giữa những năm 1970 và sau đó giảm nhanh do chi phí nhiên liệu tăng và nhiều nước tuyên bố khu kinh tế biển của họ rộng 200 hải lý. Hàn Quốc đã đàm phán các hiệp định đánh bắt cá với một số nước có vùng bờ biển để đảm bảo quyền đánh bắt cá trong lãnh hải của họ và đang tiếp tục phát triển đánh bắt cá ngoài khơi.
Hàn Quốc chủ trương không kêu gọi đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp, vì lo ngại tình trạng lợi nhuận các công ty hưởng, còn nông dân suốt đời làm thuê. Chủ trương của Hàn Quốc là đầu tư kết cấu hạ tầng để nông dân tự mình sản xuất, chế biến tại chỗ. Đồng thời, Chính phủ áp dụng chính sách miễn thuế xăng dầu, máy móc nông nghiệp, giá điện rẻ cho chế biến nông sản. Ngân hàng Nông nghiệp cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư về nông thôn với lãi suất thấp hơn 2% so với đầu tư vào ngành nghề khác...
Năm 2005, Nhà nước ban hành đạo luật quy định mọi hoạt động của các bộ, ngành, chính quyền phải hướng về nông dân. Mỗi làng một doanh nghiệp hoặc vài doanh nghiệp lo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Các ngành phải có trách nhiệm trợ giúp nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và ngư dân.
Kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam
Thứ nhất, về cách thức xây dựng nông thôn mới
- Lấy sức dân là chính, người dân tự đưa ra ý tưởng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng: phải xác định vai trò tự lực, chủ đạo từ phát hiện nhu cầu đến cách làm và quản lý của người dân mới đảm bảo tính xác thực, cần thiết và phát huy được tiềm năng từ người dân.
- Làm thí điểm diện hẹp và lựa chọn nơi nào làm tốt để làm hạt nhân phát triển tiếp theo: làm được điều này sẽ có những điều chỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện nông thôn, con người và văn hóa Việt Nam.
- Tuyên truyền, kêu gọi người dân về tinh thần đoàn kết, tự vươn lên, xóa bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ và bằng lòng với những gì đang có: Ở vùng nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, có một bộ phận dân cư với trình độ học vấn thấp, dễ tự mãn với hiện tại, không thích thay đổi, do đó dù hướng thay đổi có tốt lên thì cũng không dễ làm chuyển biến nhận thức của họ để vươn lên, tiếp thu cái mới một cách tích cực. Mặt khác, xây dựng nông thôn mới là xây dựng cộng đồng nông thôn, do đó cần sự đoàn kết gắn bó, tình làng nghĩa xóm để giúp đỡ nhau cùng vươn lên. Chính vì vậy, làm tốt công tác tuyên truyền sẽ dấy lên tinh thần tương thân tương ái và tinh thần tự vươn lên của người dân giúp cho họ tự thay đổi cả mức sống và lối sống, tức là đã thay đổi được bộ mặt nông thôn.
- Khen thưởng, khuyến khích kịp thời: Cần tránh tư tưởng bình quân, cào bằng, những nơi làm tốt hơn sẽ được khen thưởng và được ưu tiên đầu tư nhiều hơn, có như vậy mới khuyến khích được những nơi làm tốt.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn chuyên nghiệp: Bởi đặc thù công việc là phải làm việc với nông dân, gắn bó với nông dân, thấu hiểu nông dân, lại phải ở những vùng xa xôi, điều kiện khó khăn về công việc cũng như sinh hoạt. Do đó, cán bộ phải được đào tạo có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất và sự tận tâm mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng: Việc xử lý tham nhũng, trước hết sẽ làm gương cho kẻ khác và tạo niềm tin trong nhân dân, đồng thời đảm bảo rằng tất cả vật lực, tài lực huy động từ các nguồn đều được sử dụng vào các dự án phát triển nông thôn mới.
- Nhà nước cần có chính sách phù hợp hỗ trợ nông dân: nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, cũng như chính sách tạo việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn.
Thứ hai, về phát triển nguồn nhân lực nông thôn
- Phát triển nguồn nhân lực nông thôn không thể tách rời phát triển nguồn nhân lực chung của nền kinh tế. Do đó, phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải được định hướng theo sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu toàn nền kinh tế, chứ không thể chỉ riêng cho khu vực nông thôn.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn có những đặc thù riêng so với chính sách phát triển nguồn nhân lực chung. Chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải xem xét mục tiêu chuyển dịch một bộ phận nhân lực từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp và chuyển dịch trong nội bộ khu vực nông thôn (phân công lại lao động nông thôn).
- Phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải tính đến quy hoạch phát triển nông thôn dài hạn, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điểm đặc thù quan trọng nhất trong chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn là khu vực sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp) phải được xem xét cẩn trọng trong các mối quan hệ với tăng trưởng, an ninh lương thực và việc làm của người lao động để hoạch định chính sách về nhân lực cho phù hợp.
Nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy rất rõ vai trò của vốn đầu tư nhà nước vào nhiều mặt khác nhau của chương trình phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực nông thôn nói riêng. Chính phủ đóng vai trò là người định hướng các chi tiêu này sao cho nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu ngày càng đa dạng và tăng lên về chất lượng người lao động của các ngành, lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, việc sử dụng vốn ngân sách trong giáo dục, đào tạo người lao động phải được quan tâm đúng mức và có ý nghĩa đảm bảo cho sự thành công của chính sách phát triển nguồn nhân lực.
- Đào tạo nghề và giáo dục kỹ năng chuyên môn thường xuyên cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư đầy đủ và đồng bộ vào các chương trình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực nông thôn, để rút ngắn khoảng cách về kỹ năng chuyên môn cho người lao động./.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)