Chính sách nhập khẩu đường bị tố "phục vụ lợi ích nhóm": Chính phủ nói gì?

Chính sách nhập khẩu đường bị tố

Thứ năm, 02/04/2015, 21:05 GMT+7

Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ cho biết, việc quản lý hạn ngạch nhập khẩu đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai phù hợp với tính chất quan hệ đặc biệt của 2 nước Việt Nam - Lào.

 

Hiện nay Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía Đường đang có quan điểm trái ngược nhau về việc cấp phép nhập khẩu cho đường được sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Trong khi Bộ Công Thương cho rằng ngành đường thiếu sức cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên giá thành cao, nguyên  nhân là do dựa vào bảo hộ thì Hiệp hội Mía đường lại nhận xét, chính sách xuất nhập khẩu đường có bất cập, chỉ phục vụ lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn nên cho biết, Chính phủ luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với nước bạn Lào. Sau các thoả thuận tại kỳ họp 37 Uỷ ban liên Chính phủ Việt - Lào tháng 1 vừa qua, hai nước đã ký Hiệp định thương mại tháng 3/2015 và đang khẩn trương tiếp tục đàm phán Hiệp định biên mậu. 

"Trong đó sẽ đề cập tới quản lý hạn ngạch nhập khẩu đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai để phù hợp với tính chất quan hệ đặc biệt giữa hai nước", Bộ trưởng Nên thông tin. 

Theo Bộ trưởng Nên, cơ chế quản lý nhập khẩu đường được thực hiện theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đường thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng, khuyến khích người sản xuất cải tiến quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm mía đường trong nước.

"Theo đó, việc nhập khẩu đường từ Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án điều hành nhập khẩu đường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Nên cho hay. 

Liên quan đến việc nhập khẩu đường cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong nước, mới đây, trong cuộc họp Ban chỉ đạo liên Bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường, yêu cầu các doanh nghiệp mía đường cơ cấu lại doanh nghiệp. 

"Hiện nay chúng ta có mấy trăm nhà máy đường mà 90 triệu dân vẫn phải ăn đường giá cao. Chúng ta phải cơ cấu lại doanh nghiệp, bản thân từng doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu, đưa công nghệ mới vào, tích vốn, nguyên liệu tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng đường tốt và giá thành rẻ", Thủ tướng chỉ đạo.
 

Trong văn bản phát ra ngày 31/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chính thức đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Bộ Công Thương bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.

 


Người viết : Tân An (Bizlive)