Chớ "quay lưng" với cây cao su
Thứ sáu, 13/02/2015, 10:21 GMT+7
Đã hơn một thế kỷ, kể từ thời Pháp thuộc đến nay, cây cao su xuất hiện ở Việt Nam đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào dự lễ mở cạo mủ cao su do VRG đầu tự tại hạ Lào |
Cao su đã góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở các vùng nông thôn miền núi...
Trăm năm "vàng trắng"
Nhận thấy cây cao su là cây chủ lực mũi nhọn về kinh tế của đất nước nên sự nghiệp phát triển cao su luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Nhờ vậy, đến nay cả nước đã có tổng diện tích cao su đạt 950.000 ha, trong đó diện tích do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) quản lý hơn 400.000 ha, được phát triển đều khắp trên cả nước, từ miền Nam Trung bộ, Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung, rồi ra mãi vùng Tây Bắc.
Còn nhớ, trước lúc đưa cây cao su ra phát triển tại miền Tây Bắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, dự án trồng cao su ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc là một việc làm cần thiết nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo công ăn viêc làm cho số đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… góp phần an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Tại buổi nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sơn La, Chủ tịch nước lại tiếp tục khẳng định: Để công trình thủy điện Sơn La đảm bảo nguồn nước phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết chúng ta phải bảo vệ, phát triển tốt vốn rừng đầu nguồn thật bền vững, trong đó sự nghiệp phát triển cao su trên địa bàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển rừng.
Nhận thấy lợi ích kinh tế từ phát triển cao su, năm 2005 VRG được Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đồng ý đưa dự án cao su sang phát triển tại tỉnh Chăm Pa Sắc thuộc vùng hạ Lào với tổng diện tích 10.000 ha.
Từ đó đến nay, trên đất nước Lào đã có thêm 7 dự án do VRG làm chủ đầu tư ở các tỉnh hạ Lào, Trung Lào, Bắc Lào… với tổng diện tích đạt trên 30.000 ha. Đưa cây cao su sang đất nước Lào, ngoài việc phát triển kinh tế còn góp phần thắt chặt mối tình hữu nghị hai nước Việt - Lào anh em; được Chính phủ và các bộ tộc nước bạn Lào ghi nhận, đánh giá cao.
Tiếp nối thành công trên đất Lào, năm 2012 VRG lại tiếp tục sang xứ sở Chùa Tháp Campuchia để đầu tư trồng cao su, đến nay tổng diện tích đạt gần 100.000 ha.
Ông Trần Ngọc Thuận, TGĐ VRG cho biết: "Tổng diện tích cao su chúng ta được xếp vào hạng thứ 4, sản lượng mủ xếp thứ 3, năng suất thứ 2 và xuất khẩu đứng hàng thứ 4 của thế giới. Vì thế, dự án phát triển cao su luôn được lãnh đạo các địa phương và nhân dân phấn khởi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cây cao su phát triển.
Trên thực tế, dự án cao su đầu tư đến đâu thì hạ tầng cơ sở đều được đầu tư đến đó. Dự án không những tận dụng hết diện tích đất đai hoang hóa mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho các lao động miền núi, vùng sâu, vùng xa, chung tay xây dựng NTM".
Cũng theo ông Thuận, mặc dù sự cố giá mủ cao su bị giảm xuống mức thấp so với trước đây (từ 5.000 USD/tấn (từ 2009 - 2011) đến nay chỉ còn trên dưới 1.500 USD/tấn) nhưng chúng tôi vẫn luôn bình ổn giá trong nội bộ, bảo đảm đời sống cho trên 12 vạn công nhân lao động.
Tuy tạm thời dừng việc phát triển diện tích cao su theo chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT nhưng đối với diện tích bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây nên VRG vẫn đầu tư tái canh trở lại, bảo đảm vườn cây đúng với mật độ thiết kế nhằm giữ vững, ổn định diện tích cao su đã có.
Xin chớ vội "quay lưng"!
Nói về giá trị của cây cao su, PGS-TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp VN cho rằng: Cây cao su có giá trị kinh tế lớn nhất trong chi Hevea. Chất nhựa của cây là nguồn chủ lực trong SX cao su tự nhiên. Khi cây đạt độ tuổi từ 5 - 6 năm thì người ta bắt đầu thu hoạch nhựa mủ cho đến khi đạt độ tuổi 26 - 30 năm sẽ trở thành cả rừng gỗ quý.
Các bộ tộc Lào đón nhận cây cao su do VN đầu tư |
Thời vàng son của cây cao su thiên nhiên kéo dài từ năm 1910 đến năm 2011 luôn được mệnh danh là dòng “vàng trắng”. Trong khoảng thời gian này chưa có loại cây nào đưa lại hiệu quả kinh tế như cây cao su.
Một chuyên gia nông nghiệp của Bộ NN-PTNT cho rằng, cây cao su đứng vững suốt cả chặng đường dài hơn 1 thế kỷ chưa bao giờ xảy ra sự cố suy thoái. Ngược lại, đối với các loại cây nông nghiệp, công nghiệp khác những chuyện bất cập xảy ra là chuyện thường.
Thế vậy, hà cớ gì ngược đãi đối với cây cao su khi sự cố về gió bão, giá mủ hạ mới chỉ xảy ra một lần mà chúng ta đã vội quay lưng?! Và, cũng cần nói thêm rằng, “sự cố” này là do hệ lụy từ việc ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu gây nên, còn giá trị và tầm quan trọng của mủ cao su thì vẫn mãi mãi.
Hay nói thêm một khía cạnh khác nữa là, không có cây gì phát triển tạo tán phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhanh bằng cây cao su. Vì thế ngoài khai thác mủ ra, ta cứ coi cây cao su như là cây lâm nghiệp cũng rất giá trị đối với biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có gần 4.000 ha cao su bị thanh lý chặt bỏ để trồng cây khác… Tại tỉnh Bình Phước, một số diện tích cao su đang thu hoạch mủ đã bị người dân chặt bỏ, mặc dù chỉ vài năm trước, nó đã giúp họ giàu có. Do giá mủ cao su giảm, một số người đã vội vã quay lưng lại với cây cao su là không thể chấp nhận.
Ngoài tỉnh Bình Phước, nông dân một số tỉnh khác cũng đang tâm chặt bỏ cây “vàng trắng” này để trồng cây keo... Trước sự việc một số người dân quay lưng lại với cây cao su, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, cao su là cây lâu năm.
Hết kỳ lấy mủ lại cho thu hoạch gỗ nên bài toán hiệu quả của cây cao su không thể tính một năm, hai năm, mà phải tính cả chu kỳ 25 - 30 năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp các địa phương cần phải theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để tránh việc chặt bỏ diện tích cao su, gây thiệt hại cho người dân.
Ông Nguyễn Sỹ Lực, Chủ tịch HĐTV VRG nói: "Chủ trương của chúng tôi sẽ dừng lại ở mức độ từ 420.000 - 430.000 ha cao su. Tuy diện tích không tăng nhưng phải đảm bảo được tốc độ tăng trưởng hàng năm.
Để ổn định tinh thần, nâng cao đời sống của người lao động, VRG sẽ tạo thêm một số mô hình SXKD trên cơ sở sẵn có như phát triển chăn nuôi, trồng xen các loại cây nguyên liệu, cây lương thực ngắn ngày nhằm có thu nhập thêm cho người lao động. Định hướng trên đã được đa số đơn vị cao su cả nước triển khai thực hiện tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Kết thúc bài viết này, tác giả xin được đưa ra một dẫn chứng thực tế giá trị của cây cao su ở khu vực Bắc Trung bộ. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tuy (Vĩnh Linh- Quảng Trị) cho biết: Là xã nằm sát bờ biển có tổng diện tích 1.300 ha cao su tiểu điền đã làm nên giàu có cho hầu hết người dân trong xã, ai ai cùng có nhà lầu, xe hơi.
Năm 2013, bão đổ bộ vào làm đổ gãy đến 45% diện tích cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ. Thế nhưng khi bàn đến việc chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, người dân ồ lên cho rằng, mỗi cây cao su là mỗi hũ tiền tiết kiệm của người trồng, nên bão có đổ, giá mủ có thấp mấy đi chăng nữa thì họ vẫn luôn chung thủy với cây cao su.
Điều này cũng đủ để minh chứng rằng, chính người dân ở nơi có khí hậu hà khắc, gió Lào cát trắng vẫn nhìn thấy quá rõ giá trị kinh tế bền vững của cây cao su nên họ đã quyết tâm gìn giữ, phát triển. Việc một bộ phận người dân tự chặt bỏ cây cao su là việc làm quá vội vàng.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)