Chủ động ứng phó với kiện bán phá giá

Chủ động ứng phó với kiện bán phá giá

Thứ hai, 30/03/2015, 14:40 GMT+7

Doanh nghiệp xuất khẩu không nên lẩn tránh mà chấp nhận đối đầu với các vụ kiện chống bán phá giá.

Một điều khá bất ngờ, tại Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ tổ chức mới đây ở TP HCM, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ đã mời đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đến chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khi bị kiện chống bán phá giá.

Kinh nghiệm từ ngành thủy sản

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, chia sẻ tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm nhưng 2 mặt hàng này đều bị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ. Năm 2002, cá tra Việt Nam chính thức bị khởi kiện bán phá giá, đến nay đã trải qua nhiều lần rà soát hành chính. Mới đây nhất, lần rà soát hành chính thứ 9 (POR9), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tăng từ 25 lần đến 45 lần. Mặc dù sắp tới có thể xem xét giảm thuế cho tôm xuất khẩu của Việt Nam nhưng hiện Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam với mức thuế suất 4,57%. Chưa hết, năm 2012, DOC còn khởi xướng vụ kiện chống trợ cấp đối với ngành tôm Việt Nam, đẩy DN xuất khẩu vào tình huống phải đối mặt cùng lúc với 2 vụ kiện từ thị trường Mỹ. Sau quá trình đấu tranh, cuối cùng Mỹ đã bác vụ kiện chống trợ cấp tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Qua các vụ kiện, DN ngành thủy sản luôn xác định việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá là nhiệm vụ song hành.

Doanh nghiệp cần học kinh nghiệm từ ngành thủy sản để đối đầu với các vụ kiện chống bán phá giá. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Nguyễn Hải
Doanh nghiệp cần học kinh nghiệm từ ngành thủy sản để đối đầu với các vụ kiện chống bán phá giá. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Nguyễn Hải

“Thời điểm bị kiện chống bán phá giá, ngành cá tra trong nước mới bắt đầu phát triển và cũng là vụ đầu tiên của DN Việt ở thị trường Mỹ nên chúng ta chưa có kinh nghiệm đối phó. Bản thân VASEP và DN lúc đó cũng chưa đánh giá hết sự phức tạp của vụ kiện và những tác động của nó, cũng không đánh giá hết những thách thức và cơ hội khi tham gia tốt các kỳ xem xét hành chính tiếp theo. Kết quả đợt điều tra ban đầu, DN phải chịu thuế nhập khẩu rất cao, khoảng 12%” - ông Hòe nói.

Hàng loạt mặt hàng đối mặt nguy cơ bị kiện

Mặc dù DN xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chưa bị kiện bán phá giá tại thị trường Mỹ nhưng Trung Quốc đã bị áp mức thuế chống bán phá giá rất cao, nên sự chủ động chuẩn bị của DN Việt được coi là đúng. Khi kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhờ các hiệp định thương mại tự do, DN xuất khẩu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá ngày càng nhiều. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết việc sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá 40% ở thị trường Mỹ là cơ hội lớn cho DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ nhưng không vì vậy mà DN lơ là ứng phó với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Vì vậy, HAWA chủ trương DN dùng nguyên liệu nước nào để sản xuất thì sẽ xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường đó, chẳng hạn, DN xuất khẩu vào Mỹ thì khuyến khích nhập nguyên liệu từ Mỹ...

Theo các chuyên gia, hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải ứng phó hoặc đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá, như: da giày, sản phẩm từ cao su, sắt thép, tôn lạnh... Khi nhu cầu nhập khẩu từ thị trường tiêu thụ tăng, lập tức các hàng rào kỹ thuật sẽ được siết chặt hơn để bảo hộ hàng trong nước. Do đó, các DN xuất khẩu cần xác định rõ việc có thể bị kiện chống bán phá giá là bình thường. Nếu bị kiện, DN cần chọn công ty luật có năng lực nhưng yêu cầu họ chào giá cạnh tranh, đấu thầu để có giá hợp lý. Bản thân DN và hiệp hội phải chuẩn bị kỹ để chủ động tham gia các đợt xem xét hành chính, kiên trì chứng minh DN Việt không bán phá giá.

 

 


Người viết : Vũ Phong(Nguoilaodong)