Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Thứ tư, 14/09/2016, 09:38 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc: Ban hành phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

 

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã; nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững

Để thực hiện Chương trình, theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg có 8 nhóm giải pháp, trong đó có bốn nhóm giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.

Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thể hiện đầy đủ các nội dung của Chương trình, đồng thời phản ánh đặc thù của các địa phương; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình;

Ba là, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Từ năm 2017, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.

Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...

Dự kiến tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 63.155,6 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, Vốn ngân sách bao gồm: Vốn trực tiếp để thực hiện các nội dung của Chương trình khoảng 24%; vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; các dự án vốn ODA thực hiện trên địa bàn khoảng 6%. Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại) khoảng 45%. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 15%. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Bốn là, cơ chế hỗ trợ Chương trình: (1) Hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho tất cả các xã để thực hiện: Công tác quy hoạch; tuyên truyền; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng, người dân và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (2) Hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước cho các xã để thực hiện: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế xã, trung tâm thể thao, nhà văn hóa  xã, khu thể thao, nhà văn hóa thôn, bản, các công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư, cải tạo nghĩa trang, cảnh quan môi trường nông thôn, cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn; hoàn thiện, xây mới hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, phát triển sản xuất và dịch vụ, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, hỗ trợ cho xây dựng các trung tâm bán hàng hiện đại ở cấp xã, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, kinh phí vận hành Quỹ xây dựng nông thôn mới.

Đối với các xã thuộc các huyện nghèo 30a được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% cho các nội dung nêu trên. Đối với các xã còn lại, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể.

Tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao  Bộ Nông nghiệp và PTNT là Cơ quan chủ trì Chương trình, có trách nhiệm: (i) Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình; (ii) Chủ trì, phối hợp xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình hàng năm và giai đoạn 5 năm; (iii) Chủ trì xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện Chương trình hàng năm theo kế hoạch trung hạn 2016-2020; (iv) Chủ trì xây dựng phương án giao chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm cụ thể hàng năm, 5 năm để thực hiện Chương trình cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (v) Chủ trì xây dựng hướng dẫn thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hàng năm; (vi) Chủ trì xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát Chương trình; (vii) Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện Chương trình; (viii) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của các địa phương.

Quyết định số 1600/QĐ-TTg  có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012; bãi bỏ toàn bộ các văn bản trước đây trái với quy định tại Quyết định này.

 (Quyết định số 1600/QĐ-TTg kèm theo)./.


Người viết : admin