Cơ cấu giống lúa ở miền trung quá bảo thủ

Cơ cấu giống lúa ở miền trung quá bảo thủ

Thứ ba, 05/04/2016, 10:44 GMT+7


Anh Bùi Xuân Hợi chỉ thửa ruộng nhiều tầng lúa của mình

Trong khi 2 vựa lúa đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL thay đổi từng ngày thì "khúc ruột miền Trung" vẫn thủ cựu với bộ giống lúa cũ kỹ, có tuổi đời đến vài chục năm. Ở vài tỉnh, những tiến bộ về giống hầu như bị bỏ qua. 

Tình trạng "ngủ quên" trong thay đổi cơ cấu giống lúa ở miền Trung, đã được nhiều người lên tiếng. Loạt bài này của NNVN xin góp thêm vài tiếng nói.   

Phú Yên- Xứ sở lúa nhiều tầng

Đến bây giờ, hầu hết nông dân ở tỉnh Phú Yên vẫn chưa bứt ra khỏi tập quán canh tác truyền thống của ông cha là lấy lúa thịt làm lúa giống để gieo sạ. Thực trạng trên đã kiềm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Đi dọc những cánh đồng lúa vụ ĐX 2015-2016 đang bắt đầu cho thu hoạch nằm trên địa bàn xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), dừng lại ở thửa ruộng nào tôi cũng thấy hoa mắt bởi những tầng lúa cao thấp đan xen nhau. Có những thửa ruộng lúa lên đến 3 tầng. Những lớp lúa “tầng 3” đã bắt đầu chín nhưng lúa “tầng 2” và “tầng 1” còn xanh um.

Hỏi thăm một nông dân đang đi thăm ruộng vì sao một thửa ruộng mà có nhiều tầng lúa như vậy thì anh hồn nhiên trả lời: “Do để lúa thịt lại làm giống 5- 6 vụ liền, lúa bị thoái hóa, lẫn tạp nên vậy chứ sao!”.

Tiếp nối câu chuyện, anh Đỗ Xuân Được (tên người nông dân) ở thôn Long Thạnh (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) cho biết thêm: “Năm nay tôi đã 58 tuổi, bắt đầu biết làm ruộng năm 18 tuổi cho đến nay nhưng chưa 1 lần mua giống. Lúa cắt vụ này, phần nào để ăn hoặc bán lấy tiền lo chuyện gia đình thì để riêng, dành lại 1 ít lúa tốt nhất để lại làm giống cho vụ sau.

Cứ thế mà làm hết năm này đến năm khác, mỗi bận giống làm đến 6-7 vụ, cho đến khi thấy lúa lên 3- 4 tầng mới bỏ. Sau đó dạo quanh làng, thấy đám ruộng nào không bị lúa nhiều tầng thì đặt mua để làm giống cho vụ mùa kế tiếp”.

Khi đã dùng lúa thịt làm giống thì bụi lúa không nở, buộc nông dân phải sạ thật nhiều giống thì ruộng mới kín lúa. Lúa được lấy làm giống đã thoái hóa, thêm mật độ dày tạo điều kiện tốt cho sâu bệnh phát sinh.

Ví như trường hợp của nông dân Bùi Xuân Hợi (47 tuổi) ở thôn Mỹ Lộc (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu). Vụ ĐX này nhà anh Hợi làm 3,5 sào lúa. Hỏi anh làm giống lúa gì, anh Lợi lắc đầu không biết, chỉ biết đó thuộc bộ giống Ma Lâm mà gia đình anh để lại làm giống theo kiểu “cuốn chiếu” đã 3-4 năm nay.

Đến vụ này thì lúa đã “cây cao cây thấp”. Lại do mật độ sạ quá dày, đến 12kg giống/sào (500m2) nên bị bệnh đạo ôn, bệnh cổ lá phát sinh gây hại mất đến 1 nửa năng suất.

Ôm bó lúa vừa thu hoạch, bông lúa nào cũng đơ ngắt, vừa giơ lên cho tôi xem, anh Hợi vừa than thở: “Giai đoạn lúa trỗ đều, hạt đầy, thấy mừng húm. Nào ngờ đến khi thu hoạch thì cuống gié lúa khô rốc, gãy cụp ráo trọi, mất đến nửa năng suất”.

Kiểu canh tác lúa của nông dân huyện Tuy An cũng chẳng khác gì ở TX Sông Cầu, cũng dùng lúa thịt làm giống, cũng lúa nhiều tầng. Theo ông Cao Văn Tiên, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, từ trước nay nông dân ở huyện này chỉ SX xoay quanh những giống lúa trong bộ giống Ma Lâm: ML 48, ML 49, ML 213 và một số giống trong bộ giống OM.

Nông dân ở đây không có khái niệm về giống mới. Chỉ một số nông dân trẻ, thức thời hơn thì mới biết dùng giống cấp xác nhận để SX, nhưng số này cũng rất ít, khoảng 10%.

 Không phải huyện không lo, năm nào Tuy An cũng trích ngân sách mua từ 8-10 tấn giống lúa nguyên chủng về giao cho các HTX nông nghiệp SX ra lúa xác nhận để cung ứng cho nông dân. Thế nhưng nông dân không thèm ngó ngàng, ai thích lắm thì mang lúa thịt đến đổi, nếu HTX không đổi thì thôi.

SX lúa giống chi phí cao nhưng bán không được, nếu không đổi cho dân thì chả lẽ để mục trong kho, các HTX nông nghiệp đành đổi lấy lúa thịt nhằm tập cho nông dân quen tiếp thu giống mới, sau đó lấy quỹ khuyến nông của HTX bù lỗ.

Cần cuộc cách mạng!

Nói về chuyện giống lúa, ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết hàng năm, Phú Yên sản xuất khoảng 50.000 ha lúa, trong đó vụ ĐX 26.000 ha, vụ hè thu 24.000 ha, chưa kể diện tích lúa rẫy ăn nước trời.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân sử dụng những giống lúa mới cấp nguyên chủng và xác nhận để tránh dùng giống lúa thịt đã thoái hóa.

08-44-50_2
Do sạ mật độ dày, bệnh đạo ôn, cổ lá gây hại làm lúa của anh Hợi mất 1 nửa năng suất

Nhưng bỏ qua mọi khuyến cáo, nông dân vẫn tiếp tục làm theo cách cũ. “Bằng chứng là hiện phải có đến 90% nông dân trong tỉnh còn sử dụng lúa thịt làm giống. Mật độ gieo sạ từ 200-300kg giống/ha”, ông Tùng bộc bạch.

Gặp ông Trương Văn Tuấn, GĐ Trung tâm Giống cây trồng Phú Yên, khi tôi hỏi thăm giống của Trung tâm SX ra có bán được cho nông dân không, ông Tuấn lắc đầu ngán ngẩm.

“Năm 2009, cơn lũ lịch sử xóa sổ 2.860 ha lúa của huyện Tuy An, Nhà nước phải hỗ trợ 100% giống lúa để nông dân tái sản xuất, hầu hết là giống nguyên chủng và giống xác nhận. Năm ấy năng suất tăng vượt trội, gần 70 tạ/ha. Lợi ích thấy trước mắt là vậy nhưng qua vụ đó rồi nông dân vẫn lại dùng lúa thịt làm giống”, ông Cao Văn Tiên, bộc bạch.

Trung tâm có 2 trại giống lúa đặt tại Hòa An và Hòa Đồng, năng lực của 2 trại giống này mỗi năm SX được 250 giống lúa cấp nguyên chủng, chủ yếu là 2 giống mới do cán bộ trung tâm lai tạo là PY1 và PY2 nhưng vẫn “bán không trôi”.

“Năm ngoái, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh về thăm trung tâm, khi tôi báo cáo mỗi năm trung tâm SX chỉ được 250 tấn giống mà bán không hết trong tỉnh, phải bán đến tận Gia Lai và Khánh Hòa mới tiêu thụ hết, trong khi tại tỉnh Phú Yên chưa có công ty giống nào vào kinh doanh giống.

Thứ trưởng rất ngạc nhiên, nhưng khi tôi báo cáo về tập quán SX cũ kỹ của nông dân ông mới vỡ lẽ. Riêng chủ trương sạ thưa Phú Yên triển khai đã 20 năm rồi nhưng nông dân không nghe thì cũng chịu”, ông Tuấn giải bày.

Không thể để thực tế này mãi tồn tại, chuyện lúa giống đã được tỉnh Phú Yên đưa vào Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 21/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên.

Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh này sẽ nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, lúa lai F1 để gieo sạ đạt trên 90% diện tích gieo trồng toàn tỉnh. Nâng năng suất lúa toàn tỉnh đạt từ 6,5-7 tấn/ha/vụ. Tổng sản lượng lúa đạt trên 36 vạn tấn, nâng giá trị gạo cao gấp 1,5 lần so với năm 2015. Lợi nhuận nông dân trồng lúa đạt tối thiểu 60%, tổng thu 1 ha đất trồng lúa đạt trên 80 triệu đồng/năm vào năm 2020.

Nghị quyết đang đứng trước thách thức không nhỏ trước tập quán SX của nông dân tỉnh này. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống giai đoạn 2016-2020 được ban hành kèm theo có thể là cứu cánh làm thay đổi cục diện sử dụng giống lúa của nông dân Phú Yên.

Theo đó từ năm 2016, cấp xã có nhiệm vụ tổ chức nhân giống lúa xác nhận cung ứng cho nông dân với giá phù hợp, 1kg giống xác nhận bán cho nông dân bằng 1,5kg lúa thịt theo giá thời điểm. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ không thu hồi phần giá trị chệnh lệch theo tỷ lệ giảm dần từng năm cho đến năm 2020.

Còn các địa phương đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được hỗ trợ 100% giá giống lúa lai F1 trong 5 năm.

Hy vọng chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống sẽ giúp Phú Yên nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, lúa lai F1, giống lúa có chất lượng tốt, giống ưu thế lai năng suất cao, gạo chất lượng... góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Nhưng tất cả còn phải chờ xem chính sách này được nông dân... tiêu hóa đến đâu?

 

 


Người viết : Nông Nghiệp Việt Nam