Cùng nói KHÔNG với thực phẩm bẩn

Cùng nói KHÔNG với thực phẩm bẩn

Thứ sáu, 06/05/2016, 15:59 GMT+7

LTS: Làm thế nào để hạn chế, đi tới chấm dứt tình trạng “đầu độc lẫn nhau” bởi thực phẩm bẩn đang được xã hội quan tâm. Dưới đây là một số ý kiến ngắn mà Nông thôn Việt đã ghi nhận được.

Ths Nguyễn Anh Dương
Phó Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu QL Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Cần cái đầu lạnh”
Vấn đề Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP) hiện đang rất nóng, những chiến dịch chống thực phẩm “bẩn” có thể nói là đang “sôi sục”. Đây là việc dễ hiểu, nhưng từ một khía cạnh khác, tôi nghĩ cần nhắc lại ở đây lý thuyết “thị trường chanh” (Akerlof, 1970). Nhà Kinh tế học Akerlof có lập luận rằng khi hai loại sản phẩm có chất lượng khác nhau mà không dễ dàng phân biệt được thì thị trường sẽ áp mức giá trung bình cho cả hai. Như thế dần dà sẽ chỉ có sản phẩm kém chất lượng tồn tại thôi.

Chúng tôi lo ngại rằng khi thông tin về thực phẩm “bẩn” rất nhiều và nhiễu loạn như hiện nay thì người tiêu dùng sẽ mất lòng tin đối với thực phẩm, gây khó khăn cho thị trường nông sản. Thị trường nông sản “sạch” trong nước, vì thế, đã gặp khó, lại càng bị triệt tiêu động lực phát triển khi thị trường chung ASEAN vận hành.

Tóm lại, bên cạnh sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có chức năng; sự trừng phạt nghiêm khắc và kịp thời những đối tượng vi phạm pháp luật, thì việc cung cấp thông tin đầy đủ, công bằng là vô cùng quan trọng. Người tiêu dùng cũng cần có sự tỉnh táo, một “cái đầu lạnh” trong tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội, thậm chí thông tin truyền miệng.

Hải sản, thực phẩm “lạ” giá “siêu rẻ” trôi nổi trên thị trường. Ảnh: Phước Vĩnh.
Hải sản, thực phẩm “lạ” giá “siêu rẻ” trôi nổi trên thị trường. Ảnh: Phước Vĩnh.

Ths Đỗ Thanh Bái
Giám đốc Trung tâm An toàn hóa chất Bảo vệ môi trường  (Hội Hóa học Việt Nam)

“Thận trọng nhưng đừng quá hốt hoảng”
Mới đây tôi có được hỏi về việc bà con sử dụng lốp cao su cũ để nuôi hàu liệu có khiến hàu tích tụ độc chất gây ra ung thư hay không? Việc này có liên quan đến hàng trăm hộ dân đang nuôi trồng hải sản ở miền duyên hải nước ta. Thực ra, trên thế giới, người ta đã tận dụng lốp cao su cũ làm giá thể để nuôi hàu, nuôi sò rất nhiều. Lốp cao su chỉ là vật gá vào của hàu chứ không phải thức ăn trực tiếp của chúng. Mặc dù môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, thì những thức ăn của chúng (động vật phù du, tảo) cũng sẽ bị độc, nhưng chất gì “nhả” ra từ lốp cao su? Có loại ngâm lâu trong nước “nhả” ra một số chất hữu cơ gây nguy hiểm cho con người, nhưng chỉ khi ở nồng độ cao. Ở môi trường nước tự nhiên, các chất nhả ra từ lốp cao su diễn ra từ từ và được tiến hành trao đổi trong nước. Vậy thì làm sao có thể kết luận là ăn hàu gây ra bệnh ung thư?

Nhân loại đã biết đến hàng triệu chất hóa học, nhưng mới chỉ hiểu rõ khoảng 1.000 chất thôi. Để kết luận chính xác một chất là gây ung thư - tôi nói là gây ung thư, khác với “chất có hại cho sức khỏe” - thì phải theo dõi một thời gian đủ lâu, trên diện đủ rộng. Thế cho nên cũng đã có không ít trường hợp bị oan.

Lấy ví dụ xúc xích. Có thông tin về loại xúc xích có ghi trong thành phần có sodium nitrat, nhiều tờ báo vội vã kết tội chất này “gây ung thư” là không đúng. Vả lại, nếu chất đó đã được khoa học chứng minh là gây ung thư thật thì chẳng ai dại gì in lên bao bì như thế!

Nhân đây, cũng cần lưu ý thêm là cách thức sử dụng hóa chất, chế biến thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng quyết định thực phẩm có hại hay không. Ví dụ carbendazim là một loại hóa chất diệt nấm (thân thiện với môi trường và không nằm trong danh mục thuốc trừ sâu gây độc) thực ra hoàn toàn có thể sử dụng để bảo quản sầu riêng, nếu chỉ dùng trên vỏ. Khi ăn, người tiêu dùng sẽ bỏ vỏ đi. Nhưng nếu bôi vào cuống thì sẽ ngấm vào quả, kể cả loại thân thiện cũng vẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ở đây có vấn đề năng lực của các cơ quan phân tích, xét nghiệm để từ đó thông tin chuẩn xác cho người dân. Công luận cũng cần sáng suốt lắng nghe bằng hai tai từ những nguồn tin đáng tin cậy.

Thực phẩm an toàn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người. Ảnh: Minh Khoa.
Thực phẩm an toàn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người. Ảnh: Minh Khoa.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia

Làm rõ nguyên nhân vì sao chất cấm vẫn lưu hành
Thực phẩm an toàn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người. Gần đây, vấn đề sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi đã gây hoang mang trong dư luận người tiêu dùng. Một số chất như Sabbutamol, Ractopamine, Metoprolol… được thêm vào thức ăn chăn nuôi để làm tăng tỷ lệ nạc/mỡ, chất màu làm thịt vàng tươi. Tuy nhiên, những chất này dễ dàng lưu lại trong thịt, khi con người ăn phải thịt có chứa các chất cấm này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe, có thể tích lũy trong cơ thể gây hậu quả kéo dài, gây nhiều triệu chứng xấu tới sức khỏe con người như huyết áp, tim mạch… Cần làm rõ nguyên nhân vì sao những chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam từ năm 2002, nhưng hiện nay vẫn tồn tại đây đó.

Ông Nguyễn Huy Đăng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Quy định cụ thể với các vi phạm
Để quản lý và kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành bổ sung quy chuẩn kỹ thuật đối với thức ăn chăn nuôi để quản lý chặt hơn; Bộ Y tế, Bộ Công thương quản lý chặt chẽ nguồn Salbutamol làm thuốc chữa bệnh cho người và nguồn Salbutamol nhập khẩu. Đồng thời, đưa ra quy định cụ thể về cách xử lý các lô gia súc, gia cầm nghi có chất cấm trong khoảng thời gian chờ kết quả phân tích định lượng trong phòng thí nghiệm khi kết quả kiểm tra bằng kit khử nhanh cho kết quả dương tính. Và có quy định cụ thể cho các mức xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Việt
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT

Kiểm soát còn nhiều khó khăn
So với chất cấm, việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khó khăn, vất vả hơn nhiều bởi chất cấm chỉ có vài loại, còn kháng sinh có tới hàng chục loại khác nhau đang được lưu hành. Kháng sinh như “con dao hai lưỡi”, dùng đúng sẽ có tác dụng tốt, nhưng quá liều, có thể khiến vật nuôi “nghiện” và một trong những lo ngại hiện nay chính là dùng kháng sinh ở khâu bảo quản dẫn đến tồn dư rất cao.

TS Phan Huy Thông
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Chăn nuôi theo hướng VietGAP
Cần đẩy mạnh chăn nuôi VietGAP và theo hướng VietGAP; Tham gia xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt nhất chất cấm và tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn; Tăng cường thực hiện, chuyển giao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; Chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh và sử dụng chất cấm; Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các chất thay thế và không sử dụng các chất bị cấm sử dụng trong các mô hình khuyến nông…

GS Vũ Duy Giảng
Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tổ chức lại hệ thống quản lý ATTP
Cần có một hệ thống quản lý và kiểm soát ATTP thống nhất trong toàn quốc. Hệ thống này có vai trò phối hợp và điều hành các hoạt động quản lý và kiểm soát ATTP của các bộ phận và các tổ chức liên quan; ban hành những văn bản pháp lý; tổ chức xây dựng và xây dựng phòng phân tích, đánh giá chất lượng ATTP chính xác, hiệu quả, nhanh nhạy. Quản lý ATTP hiệu quả không chỉ là trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe cho con người mà còn là yêu cầu của phát triển kinh tế đất nước.

TS Lã Văn Kính
Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi

Đẩy mạnh chăn nuôi không chất cấm
Cần đẩy mạnh hướng dẫn cho nông dân chăn nuôi heo đạt tỷ lệ nạc cao mà không dùng chất cấm, như: sử dụng các giống heo siêu nạc như Duroc, Landrace…; sử dụng thức ăn của các đơn vị có uy tín cũng làm tăng tỷ lệ nạc; nếu nông dân tự trộn thức ăn nên mời kỹ sư tư vấn phương pháp trộn sao cho làm tăng tỷ lệ nạc mà không dùng chất cấm; dùng các chất làm tăng tỷ lệ nạc được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng.

 


Người viết : Cẩm Hà - Mộc Miên ghi (Tạp chí Nông thôn Việt)