Cuộc bứt phá ngoạn mục

Cuộc bứt phá ngoạn mục

Thứ hai, 16/03/2015, 16:03 GMT+7

Liên tiếp nhiều năm qua, ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn như thời tiết bất thuận, giá cả thị trường có nhiều biến đổi theo chiều hướng xấu...

Năm 2014, ngành cà phê Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức
Năm 2014, ngành cà phê Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức

Tuy nhiên kết quả SXKD năm 2014 cho thấy, ngành cà phê Việt Nam đã có những chuyển biến lớn, đánh dấu sự hồi sinh và phát triển toàn ngành.

Đi trên con đường khó

Triển khai kế hoạch SXKD năm 2014, TCty Cà phê Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức: Thời tiết không thuận do biến đổi khí hậu, thị trường luôn biến động theo chiều hướng tiêu cực; việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển nước ta cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường nhiều loại nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê...

Những khó khăn trên đã gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận những người trực tiếp làm cà phê, thậm chí nhiều chủ vườn bi quan đến mức chặt bỏ vườn cà phê của mình, thay thế bằng một số loại cây trồng khác.

Tuy nhiên hầu hết CBCNV, người lao động trong ngành vẫn luôn tin tưởng vào sự chèo lái của lãnh đạo TCty và các Cty thành viên, giữ vững vườn cây, cùng nhau bước đi trên con đường nhiều gập ghềnh, khó khăn ấy.

Có thể nói, năm 2014 đánh dấu một năm ngành nông nghiệp cả nước có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng khá cao: 3,5% (mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%). Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 31 tỷ USD, trong đó cà phê xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn với kim ngạch gần 3,6 tỷ USD...

Năm 2014, tổng diện tích cà phê toàn ngành thực hiện được là 16.229 ha (đạt 100% kế hoạch), trong đó cà phê kinh doanh đạt trên 15.000 ha. Mặc dù có không ít khó khăn song năng suất cà phê vẫn chạm đích 13 tấn/ha/năm, cho sản lượng 23.236 tấn. Bình quân mỗi héc ta cho thu nhập tù 140 - 160 triệu đ/vụ (cả phần khoán và phần vượt khoán).

Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.405 tỷ đ, lợi nhuận 107 tỷ đ, nộp ngân sách Nhà nước 55 tỷ đ. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,5 triệu đ/người/tháng (vượt 113% so với kế hoạch đề ra)...

Qua 1 năm đổi mới phương thức kinh doanh, ngành cà phê Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét: Kinh doanh hiệu quả, CBCNV có việc làm đều đặn và có thu nhập ổn định, khôi phục và đưa vào hoạt động hệ thống máy móc chế biến mà các năm trước đầu tư lớn nhưng đã ngưng hoạt động...

Một số doanh nghiệp điển hình hoàn thành vượt mức kế hoạch và đạt lợi nhuận cao như Cty Cà phê 719, lợi nhuận 5.451 triệu đ, Cty TNHH MTV Ea Sim: 7.158 triệu đ, Cty TNHH MTV Cà phê 49: 5.105 triệu đ, Cty TNHH MTV Cà phê 704: 4.559 triệu đ, Cty TNHH MTV Cà phê 734: 4.353 triệu đ, Cty TNHH MTV Cà phê Việt Đức: 4.003 triệu đ...

Ngoài cà phê thì một số loại cây trồng khác của TCty cũng đạt diện tích và cho năng suất cao như lúa nước 2.130 ha, cao su 2.450 ha...

Đổi mới là phát triển

Trên kết quả đạt được của năm 2014, ngành cà phê Việt Nam đã đề ra mục tiêu chủ yếu: Tập trung hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2015; tăng cường thực hiện đề án tái cơ cấu của TCty giai đoạn 2012- 2015, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết 30/NQ-TW, Nghị định 118/NĐ-CP về đổi mới sắp xếp các Cty nông nghiệp đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao...

Tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, lãnh đạo TCty Cà phê Việt Nam đã từng bước đưa ngành cà phê vượt qua nhiều khó khăn, cải tạo vườn cây, nâng cao năng suất, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động... Đó là những gì mà TCty đã làm được, và tiếp phát huy trong thời gian tới.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được TCty đề ra cho năm 2015 như: Tổng diện tích cà phê phải đạt năm 2015 là 16.490 ha (102,19% mức thực hiện năm 2014). Sản lượng cà phê nhân phải đạt là 30.856 tấn (102,8% mức thực hiện năm 2014).

Về kinh doanh xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 62,5 triệu USD (119% mức thực hiện năm 2014), trong đó xuất khẩu đạt 55 triệu USD, nhập khẩu đạt 7,5 triệu USD.

Về hiệu quả kinh tế, phấn đấu doanh thu đạt 5.087 tỷ đ (115% mức thực hiện năm 2014), lợi nhuận 119 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 56 tỷ đ.

Đời sống của người lao động trong ngành được lãnh đạo TCty đặc biệt quan tâm bởi, tuy tình hình vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng lãnh đạo TCty vẫn đề ra mức phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân cho người lao động hàng tháng là 5 triệu đ/người lao động...

Để đạt được những chỉ tiêu đề ra trên, trong bối cảnh nền kinh tế tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn vô vàn thách thức khác, như thời tiết năm nay dự báo nắng hạn kéo dài, thị trường xuất nhập khẩu vẫn còn những tiềm ẩn khó khăn, diện tích vườn cà phê già cỗi, cần tái canh là rất lớn, trong khi công tác tái canh cần nhiều thời gian và vốn liếng..., lãnh đạo TCty Cà phê Việt Nam đã hạ quyết tâm cao.

Đó là tiếp tục phát huy sự đoàn kết nhất trí, dân chủ trong bộ máy lãnh đạo từ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành cho đến các Cty TNHH MTV, Cty trực thuộc và toàn thể CBCNV, người lao động thuộc ngành.

Đặc biệt, nhiệm vụ đổi mới cách suy nghĩ, cách điều hành cho phù hợp với điều kiện cụ thể, thời điểm cụ thể là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao năng suất vườn cây, nâng cao sản lượng sản phẩm, với mục tiêu cuối cùng là hoàn thành nhiệm vụ được giao, nâng cao đời sống cho CBCNV, người lao động trong toàn ngành.  

 

 


Người viết : Lam Giang (Nongnghiep)