Đặc sản Sa Pa sẵn sàng... đón Tết

Đặc sản Sa Pa sẵn sàng... đón Tết

Thứ hai, 02/02/2015, 11:14 GMT+7

Nông dân Sa Pa (Lào Cai) đã và đang phát triển thành công nhiều loại nông sản hàng hóa, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu. Trên địa bàn huyện hiện có 26 HTX chuyên canh nông sản, đã nỗ lực tìm kiếm đối tác, đưa nông, đặc sản của địa phương (cá nước lạnh, rau sạch, nấm hương, hoa tươi…) về các đầu mối, các siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tiêu thụ.

 

Ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa, cho biết, dự kiến Tết năm nay, sẽ có 40.000 du khách đến ăn Tết ở Sa Pa, vì vậy, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị sẵn nguồn thực phẩm. Toàn huyện có 500ha rau an toàn, trong đó có 150ha trồng su su. Đây là sản phẩm sạch của Sa Pa, đã nổi tiếng khắp cả nước.

Nhiều loại đặc sản cho lợi nhuận cao

Sa Pa hiện có khoảng 200 hộ nông dân trồng su su, trong đó có người Mông, Dao, Giáy... Trước đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn do chỉ quen phát nương làm rẫy. Nay, nhờ trồng su su, nhiều hộ đã thoát nghèo và đang giàu lên. Do được trồng ở độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển, đất đai màu mỡ, độ mùn cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, đã tạo cho su su Sa Pa vị ngọt và độ giòn đặc trưng. HTX Hoa Đào ở xã Tả Phìn đã xây dựng thành công thương hiệu su su Sa Pa, có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản phẩm đã được đưa đến các thị trường  như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…

Theo ông Nghĩa, nuôi cá nước lạnh cũng trở thành thế mạnh của Sa Pa, với sản lượng năm 2014 đạt 230 tấn, trong đó cá hồi 185 tấn, cá tầm 45 tấn. Hiện, cá hồi xuất tại ao có giá 200.000- 230.000 đồng/kg, cá tầm 150.000 đồng/kg. Để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện đã đầu tư kinh phí cho các HTX mua xe lạnh vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Nông dân Sa Pa đã chuẩn bị hơn 70 tấn cá nước lạnh để bán trong dịp Tết.

Ông Nghĩa cho hay, nông sản Sa Pa đang được tiêu thụ mạnh nhất ở Hà Nội và khắp cả nước là hoa. Các HTX, nông dân và nhà vườn ở Sa Pa đã chuẩn bị 3 triệu cây hoa ly, 1 triệu cành hồng, hàng nghìn cây đào rừng để phục vụ thị trường Tết Ất Mùi. Hoa hồng Sa Pa khác biệt hẳn với nơi khác vì bông to, cuống dài, lâu tàn. Đào rừng Sa Pa cũng đang là đặc sản Tết của nhiều người dân Thủ đô. Nắm bắt nhu cầu thị trường, những năm gần đây, nông dân Sa Pa đã nhân giống, trồng và phát triển mạnh các vườn đào rừng để phục vụ nhu cầu của người chơi hoa.

Địa lan Sa Pa “khuấy đảo” thị trường hoa Tết

Loài hoa “độc” và đem lại giá trị cao nhất cho Sa Pa chính là địa lan. Dự kiến, các cơ sở trồng hoa toàn huyện sẽ cung cấp ra thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi gần 4 vạn chậu địa lan, tăng gần 2 lần so với năm 2014. Tất cả đều là giống địa lan Trần Mộng, loài hoa lan quý của Sa Pa, thường nở hoa dịp đầu xuân. Giá bán địa lan năm nay dao động từ 350.000 – 400.000 đồng/nhành, tăng 50.000 đồng/nhành so với Tết năm ngoái. Địa lan Sa Pa được khách hàng ở các thành phố lớn ưa thích vì hoa đẹp, hương thơm độc đáo và đặc biệt hơn là hoa nở 3 tháng mới tàn. Vì vậy, mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Sa Pa đã hướng dẫn cho hàng trăm gia đình người Mông ở xã Trung Chải và người Dao đỏ ở xã Tả Phìn kỹ thuật trồng hoa địa lan hàng hóa bán vào dịp Tết Nguyên đán.

Có mặt tại Km6 trên đèo Ô Quý Hồ, nối từ thị trấn Sa Pa sang huyện Bình Lư (Lai Châu), chúng tôi thấy nông dân đang tất bật vận chuyển địa lan từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét hại. Bà Lại Thị Nga, chủ nhà vườn Bắc Nga ở xã Tả Phìn, cho biết, gia đình hiện có 500 chậu địa lan chuẩn bị bán Tết. Năm nay khách hàng đặt mua nhiều hơn năm ngoái, đã có hàng chục khách hàng từ các tỉnh, thành dưới xuôi lên tận vườn đặt tiền mua những chậu lan đẹp nhất. Từ tháng 12 đến nay, nhà vườn đã bán được gần 30 chậu, thu về 700 triệu đồng, trong đó có 4 chậu lan 100 nhành được bán với giá 70 triệu đồng/chậu. Hiện, ở Sa Pa còn rất ít những chậu địa lan dạng “khủng” như vậy, bởi hầu hết đều đã được khách chơi lan sành sỏi lên tận nơi “săn” từ trước Tết Dương lịch.

Theo bà Nga, giống địa lan Trần Mộng trước đây được người Mông lấy từ rừng về. Do nhu cầu khách dưới xuôi lên mua rất lớn nên nông dân đã tách mầm nhân giống dần qua từng năm, số lượng ngày càng tăng. Trồng địa lan cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng rau, nhưng đòi hỏi đầu tư vốn lớn và kỹ thuật canh tác rất khó. Rễ của cây này chỉ “ăn” phân trâu, không bón được thứ phân nào khác. Địa lan cũng rất dễ bị sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh thối nõn. Chăm sóc địa lan rất vất vả, vì phải thường xuyên quan sát bắt sâu bọ, nhất là loại sên đen rất nhỏ, nếu chúng bò lên cánh hoa non thì sẽ làm sùi hết các bông hoa. Khách mua địa lan cũng phải biết những điều “tối kỵ”, như không bao giờ được dùng nước máy tưới cây, vì trong nước máy có chất sát trùng sẽ gây chết các mầm hoa. Không được tưới nước đẫm, vì cây không chịu được độ ẩm cao.

Bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Hoa Đào cho hay, các hộ trong HTX đã chuẩn bị 3 vạn chậu địa lan để bán Tết. Giá bán một chậu địa lan Sa Pa cao hay thấp phụ thuộc vào chậu hoa có đẹp hay không cùng với tổng số cành hoa sẽ nở vào đúng dịp Tết. Với những chậu lan 6-10 cành nở đúng dịp Tết sẽ có giá từ 2,2 - 3,5 triệu đồng/chậu. Năm 2014, HTX có 80ha trồng rau sạch và 25ha hoa, thu nhập bình quân của các hộ xã viên sau khi trừ chi phí đạt 66 triệu đồng/năm.

 

 


Người viết : Chu Khôi(Kinhtenongthon)