Đại điền, giấc mơ hiện hữu: Xã chỉ cần 30 hộ làm ruộng là đủ

Đại điền, giấc mơ hiện hữu: Xã chỉ cần 30 hộ làm ruộng là đủ

Thứ sáu, 16/01/2015, 14:46 GMT+7

Thanh Miện (Hải Dương) hô hào làm cánh đồng lớn với tiêu chí ba số một: một vùng, một giống, một thời gian để tiến lên SX hàng hóa lớn nhưng đường đi hết sức gập ghềnh.

"Để cho nông dân yêu ruộng trở lại không còn con đường nào khác là phải tích tụ đất. Một gia đình làm nông nghiệp có 20-30 mẫu mới hiệu quả bởi có trong tay diện tích lớn họ sẽ bỏ tiền ra mua sắm máy móc, bỏ tiền ra thuê người làm", anh Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương) nói.

Người chán, kẻ thèm

Đường nội đồng to và thẳng băng, công nông, xe tải chạy bon bon ra tận chân ruộng. Ruộng thì thửa nào thửa nấy rộng ít nhất vài sào, vài mẫu chứ không còn có cảnh bé như manh chiếu con trâu xuống cày quay vòng vòng rồi vẫn chừa ra bốn góc khiến người chủ phải còng lưng cuốc còng như trước.

Tưới tiêu thủy lợi cũng được quy hoạch lại. Cấy hái tiện thật đấy nhưng ngoảnh đi, ngoảnh lại nông dân mỗi hộ vẫn chỉ  trông vào ba bốn sào ruộng. Thì đất có đẻ thêm ra được đâu? Chỉ có con người mỗi lúc một thêm đông, thêm chật. Tính ra bình quân ruộng trên đầu người của nông dân đồng bằng sông Hồng chỉ bằng khoảng 1/1.000 so với nông dân Mỹ thậm chí bằng 1/10.000 so với nông dân Úc mà thôi. Thế nên tình trạng chán ruộng vẫn còn dù không tái diễn cảnh bỏ hoang như trước.

 

Chủ tịch xã Chi Lăng Nam: “Cả xã chỉ cần 30 hộ làm ruộng là đủ”.
Chủ tịch xã Chi Lăng Nam: “Cả xã chỉ cần 30 hộ làm ruộng là đủ”.

 

Thanh Miện (Hải Dương) hô hào làm cánh đồng lớn với tiêu chí ba số một: một vùng, một giống, một thời gian để tiến lên SX hàng hóa lớn nhưng đường đi hết sức gập ghềnh. Sau DĐĐT, ruộng đất tiếng là tập trung đấy nhưng vẫn có rất nhiều người chủ. Chín người mười ý đã đành đằng này một cánh đồng được coi là mẫu lớn có tới vài trăm ông chủ thì thuyết phục hết khó chẳng kém gì bắc thang lên trời. Chỉ một số ít không theo, cấy giống khác, gieo trái vụ là lập tức cánh đồng mẫu lớn trở thành “da báo” ngay tắp lự. Cánh đồng lôm côm ấy sản phẩm có làm ra được cũng chỉ nhỏ lẻ, rất khó có người mua.

Người chán, kẻ thèm ắt tạo ra quy luật tích tụ. Thế nhưng, một vấn đề mới lại xuất hiện. Tích tụ ruộng đất nông nghiệp hiện nay ở nông thôn hầu như đều chỉ làm theo kiểu chui nhủi.

Hợp đồng mua bán, sang nhượng, thuê lại đất của nhau viết trên những trang giấy học trò nét xiêu, nét vẹo rồi ra xã cộp dấu thế là xong. Ông xã đứng giữa làm bằng nhưng vừa cộp vừa… run bởi chưa tự tin lắm vào hành động của mình. Thị trường mua bán đất ruộng thành ra lén lút chứ không được đường đường, chính chính như thị trường đất thổ cư.

Thêm vào đó, ở Thanh Miện sau DĐĐT đã xuất hiện tình trạng dân đào trộm, cải tạo trộm những đồng đất chua trũng thành mô hình vườn ao chuồng. Đáng lẽ phải xin phép trung ương, tỉnh, huyện thì người dân cứ bơ đi. Sự việc bỗng dưng thành điểm nóng.

Chuyện ở xã Chi Lăng Nam là một điển hình. Số là cuối năm 2013, trên 20 mẫu đất trũng cấy hai vụ bấp bênh của làng Quýt sau DĐĐT được giao cho 21 hộ. Nông dân chấp nhận đổi ruộng tốt lấy ruộng xấu với hi vọng có được diện tích lớn hơn để thỏa sức thực hiện ước mơ làm giàu bằng mô hình vườn ao chuồng. Vậy là, lấy cớ thuê máy xúc đắp bờ họ tiện tay đào ao luôn. Bảy hộ đã chuyển đổi gần xong, số còn lại đang dang dở thì bị “tuýt còi”.

Người dân có cái lý của họ là trước đây ruộng đồng mỗi mảnh mỗi nơi, tốt xấu lẫn lộn giống như một rổ trứng rải ra, chỗ tốt vẫn cấy hái được có thóc ăn, chỗ xấu thì làm xong trông cả vào ông trời. Nay đổi tất về chỗ xấu, nồi cơm của gia đình trông cả vào đó nên phải chuyển đổi. Chờ xin được giấy phép có khi vài vụ đã qua rồi, sống bằng gì đây nên liều nhắm mắt, đưa chân.

Lường trước tình huồng này lúc mới bàn giao đất xã bắt dân ký biên bản phải giữ nguyên hiện trạng nhưng không thể ngờ họ lại ra tay chớp nhoáng chỉ trong vài buổi tối lúc chẳng có ai ló mặt ra đồng. Huyện “thổi còi” bắt lỗi xã cũng là chuyện chẳng đừng. Tàn cuộc, Chủ tịch UBND xã bị khiển trách, Ban Thường vụ bị kiểm điểm sâu sắc, cấp ủy chi bộ thôn An Dương cũng bị khiển trách theo.

 

Khu chuyển đổi chui của làng Quýt
Khu chuyển đổi chui của làng Quýt

 

Hơn một năm trôi qua mà sự việc vẫn treo ở đấy. Người dân bí vì loay hoay sinh kế. Xã bí vì khó ăn, khó nói đủ bề. Bởi thế, khi DĐĐT đang còn tiếp tục ở Thanh Miện nhiều nông dân không muốn nhận ruộng tại những trũng vì lo sự kiện Chi Lăng Nam tái diễn.

Nói về chuyện cũ, anh Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam bảo: “Mình không trách cấp trên. Việc kỷ luật là chính đáng do xã không quản lý chặt chẽ để cho người dân tự phát đêm hôm nên không có gì phải kêu ca”.

Bàn về chuyện hiện tại nông dân vẫn chán ruộng, anh phân tích: Người làm nông nghiệp đang bị già hóa vì lao động trẻ đã “trôi” gần hết vào các khu công nghiệp với mức thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/tháng. Vì già cả nên làm nông nghiệp phải thuê mướn nhiều mà giá nhân công mỗi lúc một cao nên tất yếu thu nhập từ ruộng đồng mỗi ngày một teo tóp, không còn là vai trò chính ở nông thôn như trước.

Cả xã chỉ cần 30 hộ làm ruộng

Chi Lăng Nam có 251 ha đất nông nghiệp với 1.560 hộ dân trong đó tỷ lệ gia đình chỉ có bố mẹ già ở nhà trông cháu chiếm cỡ 70%. 500 hộ còn lại chưa hẳn hộ nào cũng sẵn lao động mà người thì nghề phụ, kẻ làm Cty nên chỉ còn 300-400 lao động thuần túy nông nghiệp. Với bình quân 510 m2 ruộng/khẩu, sau DĐĐT mỗi hộ có khoảng 1.000m2 nên SX vẫn manh mún, không lợi nhuận. Diện tích bình quân ruộng trên đầu người của xã vẫn còn là khá so với nhiều địa phương khác.

Vẫn theo lời của anh Minh, để cho nông dân yêu ruộng trở lại không còn con đường nào khác là phải tích tụ đất. Một gia đình làm nông nghiệp có 20-30 mẫu mới hiệu quả bởi có trong tay diện tích lớn họ sẽ bỏ tiền ra mua sắm máy móc, bỏ tiền ra thuê người làm. Với 251 ha đất nông nghiệp của xã chỉ cần khoảng 30 hộ làm nông nghiệp là đủ.

 

Nông dân đang cải tạo ruộng đồng
Nông dân đang cải tạo ruộng đồng

 

Hiện nay quy định của nhà nước về quản lý đất đai đang mắc ở chỗ người nông dân không có quyền mua bán đất nông nghiệp. Hơn thế, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang trồng cây hay đào ao thả cá nông dân vướng phải rất nhiều thủ tục hành chính từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã…

Tôi hỏi anh chuyện người ta mua bán trao tay kiểu 5-7-10 triệu đồng/sào rồi ra ủy ban xã đóng dấu đó có phải là thị trường? Thì anh bảo: Thực ra khi chưa có chính sách chung của nhà nước người dân bỏ tiền mua một vài sào ruộng vẫn còn rụt rè, còn lo sợ nên quy mô nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5-7%. Họ ra xã cũng chỉ để xác nhận niềm tin giữa hai bên mua bán mà thôi. Xã đóng dấu cũng là để những hộ nào không có lao động sẽ chuyển nhượng cho người có điều kiện không bỏ ruộng như trước.

Tôi đặt ngược lại vấn đề với 30 chủ đất của một xã thì những hộ nông dân khác sẽ làm cái gì? Anh bảo 30 hộ này nếu được quyền tích tụ sẽ lại thuê chính những người lao động dôi dư trong làng, trong xã làm cỏ, rắc phân, cho lợn gà cá mú ăn.

Tôi hỏi tích tụ đất nhiều thế không sợ tình trạng địa chủ mới lại tái diễn cảnh người bóc lột người à thì anh khảng khái: Xã hội bây giờ kinh tế thị trường đã mở rất rộng. Người nông dân vào Cty được đóng bảo hiểm, được hưởng lương cũng như các chính sách của Nhà nước nên yên tâm. Người bỏ tiền ra tích lũy đất, mua sắm máy móc cũng mong SX lúa gạo với năng suất cao nhất để có lãi và phục vụ cho chính người đang thiếu lương thực. Thế là vẹn cả đôi đường thì làm sao mà còn phải e với chẳng ngại?

 


Người viết : Dương Đình Tường (Nongnghiep.vn)