Đào Nhật Tân trên cao nguyên

Đào Nhật Tân trên cao nguyên

Thứ tư, 28/01/2015, 13:57 GMT+7

Trên vùng đất kinh tế mới của người Hà Nội tại Lâm Đồng, có một gia đình nặng lòng với cây đào Nhật Tân. Họ đã đem những cành đào quý nhất vượt trên 1.000 km để  đào bén rễ trên quê mới.

Ông Chu Đức Lợi bên vườn đào nhật Tân trên đất Nam Ban.
Ông Chu Đức Lợi bên vườn đào nhật Tân trên đất Nam Ban.

Đào Nhật Tân nơi nắng gió

Những ngày cuối năm, vợ chồng ông Chu Đức Lợi (58 tuổi), ngụ tại khu phố Đông Anh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) chưa bao giờ bận hơn thế. Gần 1.000 gốc đào Nhật Tân phục vụ người chơi tết, hằng ngày đòi hỏi phải có bàn tay nâng niu, chăm sóc của vợ chồng ông để cây cho hoa nở đẹp nhất vào dịp đầu năm mới.

Để có được cơ ngơi là vườn đào nức tiếng gần xa này, năm 2000, ông Lợi có một quyết định táo bạo, bán đất ở Hà Nội vào Lâm Đồng lập nghiệp sau một chuyến tới miền đất này thăm anh trai đang định cư ở đây.

Đất Nam Ban bằng phẳng, màu mỡ lại rộng rãi, với 1 ha đất, ông Lợi quyết định đào ao thả cá và trồng đào Nhật Tân. Với gia đình ông Lợi, trồng đào Nhật Tân không đơn thuần là phát triển kinh tế, thu lợi nhuận, mà còn là duy trì cội nguồn của tổ tiên, dòng họ đã truyền đời nối kiếp gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Nó trở nên linh thiêng, ông không muốn đánh mất nó ngay cả khi đã rời xa Nhật Tân. Chính vì vậy, ngày chuyển đồ đạc từ Bắc vào Nam, không quản ngại đường sá xa xôi, vợ chồng ông vẫn chọn những gốc đào đẹp nhất, quý nhất đem theo.

Ông Thái Văn Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết, gia đình ông Lợi là người đầu tiên đưa đào Nhật Tân về trồng tại địa phương. Hằng năm cứ vào giáp tết, vườn đào này lại nhộn nhịp người ra vào hỏi mua, thuê đào về chơi. Đào Nhật Tân trồng tại Nam Ban cho chất lượng hoa rất tốt, không thua kém ở Hà Nội.

Nhấp ngụm nước trà xanh đậm đà, ông Lợi chậm chải kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện làm hoa đào Nhật Tân ở đất Lâm Đồng với chất giọng nhẹ nhàng của người Hà Nội chính gốc.

Đối với gia đình ông, kinh nghiệm trồng đào có thừa nhưng trên vùng đất mới, hai năm đầu ông đã phải nếm trải thất bại, tưởng chừng muốn bỏ cuộc, chấp nhận trắng tay nhưng cuối cùng thì ông đã chiến thắng.

Ông Lợi kể: “Vợ chồng tôi đem cách chăm sóc đào ở quê vào làm nên 2 năm đầu chỉ thu hoạch được… lá. Cây tốt um nhưng không chịu ra hoa, hoặc có ra cũng không đúng vào dịp tết. Làm đào mà hoa không nở vào dịp tết thì có nước trắng tay, nhổ bỏ làm củi cho sớm! Do tôi kịp thời thay đổi kỹ thuật chăm sóc nên sang năm thứ 3 thì cho kết quả khả quan...”.

Theo ông Lợi, thổ nhưỡng ở Nam Ban rất tốt, khí hậu ôn hòa, mùa hè không nóng, mùa đông cũng không lạnh nên đào phát triển quanh năm, nếu vẫn chăm sóc giống như ở Nhật Tân thì không thể có hoa. Vợ chồng ông Lợi quyết định thay đổi kỹ thuật, ép hạn chế cho đào phát triển, đồng thời tạo ra những vết trầy xước trên thây cây đổ chúng chảy nhựa ra mới chịu đơm bông.

Lãi hơn 300 triệu đồng/năm

Đào Nhật Tân của gia đình ông Lợi nở vào dịp tết thường đạt được 3 điều kiện là vừa có quả, vừa có hoa lại vừa có lộc. Theo ông Lợi, đào Nhật Tân trồng trên đất Lâm Đồng dễ hơn quê ông, một khi đã nắm bắt được kỹ thuật. Khí hậu ở Lâm Đồng quanh năm mát mẻ, mùa đông vẫn nắng ấm nên không phải dùng các loại thuốc hóa học để kích thích đào ra hoa như ở Nhật Tân, vậy là đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Nếu như ở quê hương Nhật Tân, muốn cho đào ra hoa đúng vào dịp Tết, chủ vườn phải ngắt lá trước khoảng 70 ngày, sử dụng các loại thuốc để kích thích ra hoa vì trời quá lạnh thì ở trên quê mới Lâm Đồng, loại đào này chỉ cần sau 30 ngày ngắt lá là tự đơm hoa rực rỡ.

Trong số gần 1.000 gốc đào có hơn 200 cây đào thế, trên 700 gốc đào cành sẽ được đưa ra thị trường vào đúng Tết Ất Mùi. Đào thế có giá bán từ 5 - 30 triệu đồng/cây, cho thuê từ 2 - 5 triệu đồng/cây. Đào cành ngày tết có giá từ 3 trăm đến 1 triệu đồng/cành. Với vườn đào này, mỗi năm gia đình ông Lợi thu về không dưới 300 triệu đồng tiền lãi, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại hoa màu khác.

 

 


Người viết : Ngô Khắc Lịch (Nongnghiep.vn)