Đắt nhưng "xắt" chưa được nhiều "miếng"

Đắt nhưng "xắt" chưa được nhiều "miếng"

Thứ tư, 28/01/2015, 13:43 GMT+7

Ngoài kỹ năng trồng cây ăn trái, nghề quýt chậu còn đòi hỏi người trồng kỹ năng chăm cây cảnh.
Ngoài kỹ năng trồng cây ăn trái, nghề quýt chậu còn đòi hỏi người trồng kỹ năng chăm cây cảnh.

Chỉ sau 30 tháng chiết cành, mỗi chậu quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp (QHLV) có thể lãi hơn 2 triệu đồng. Quả là nghề hái ra tiền. Thế nhưng sau 10 năm phát triển (2005-2015) những người trồng “quýt chậu” ở huyện Lai Vung vẫn chưa thể “xắt” ra được nhiều “miếng”…

Đẹp, độc và đắt

“Năm nay trúng lớn, tỉ lệ đậu trái cao, trái to, màu đẹp…”, lời giới thiệu của ông Lưu Văn Ràng - nhà vườn trồng quýt chậu ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung) - đã đưa chân tôi ra thẳng khu vườn quýt hồng đẹp và độc với trên 300 cây trĩu quả. Mỗi cây có 40-50 trái, chen nhau trên thân cây mảnh khảnh nằm trong chiếc chậu bé xíu. Đặc biệt các trái nằm liền kề, đan xen nhau tạo ra hình khối vàng tươi đặc hữu của QHLV như sẵn sàng hút mọi ánh mắt ngay cái nhìn đầu tiên. Còn chất lượng và hương vị cũng ngon, ngọt và thơm y như đặc sản QHLV chính hiệu. Sở dĩ nói thế là vì gần đây nhiều địa phương bắt đầu trồng quýt hồng, nhưng chất lượng và màu sắc, hương vị kém xa QHLV.

Năm nay ông Ràng xuất xưởng khoảng 160 chậu quýt trái đẹp, tăng gấp đôi so năm trước và dù giá bán ngất ngưởng ở mức 2-3,5 triệu đồng/chậu loại I (cây cao trên 1m, có từ 50-70 trái/cây), nhưng từ tháng 11.2014 đã được khách hàng đặt mua “tất tần tật”. Thậm chí những ngày đầu năm 2015, nhiều doanh nghiệp ở Sài Gòn tìm xuống ra giá rất cao, vẫn không mua được. Theo kinh nghiệm của nhà vườn trồng QHLV, với mức giá này, người trồng lãi bình quân khoảng 2 triệu đồng/chậu. Với 160 chậu cho trái, người trồng lãi trên 300 triệu đồng cho diện tích vài trăm mét vuông đất vườn, đây là nghề hái ra tiền, bởi thu nhập rất cao so với công sức, vốn đầu tư và cao gấp nhiều lần so với người trồng quýt thu hoạch quả. Thực tế cho thấy, sau khi chiết cành, trồng xuống đất, bỏ lứa trái đầu, đến năm thứ 2, bứng vào chậu chăm sóc trong 9 tháng như bao cây quýt bình thường khác là có chậu quýt thành phẩm với tổng chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng/chậu.

Chưa thể “xắt” nhiều “miếng”

Theo nhận định của giới kinh doanh, thị phần của “quýt chậu” còn khá lớn, bởi ngoài yếu tố đẹp, độc, lạ mắt, quýt còn có ý nghĩa “cát tường” (điềm tốt lành) vì có âm gần với chữ “cát” trong tiếng Hoa (tốt) rất phù hợp với xu thế mua sắm ngày tết… của nhiều người, nhiều giới… Tuy nhiên kể từ lần đầu được ông Lưu Văn Ràng (SN 1952) tình cờ “phát minh” ra rồi mày mò nghiên cứu, đến nay đã 10 năm (2005-2015), nhưng nghề trồng quýt chậu ở Lai Vung vẫn phát triển ỳ ạch cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Thật ra thành công của ông Ràng là trường hợp hiếm hoi trong số khoảng 50 nhà vườn làm quýt chậu. Bởi nhiều nhất mỗi năm Lai Vung xuất xưởng không hơn 500 chậu với chất lượng chưa đồng đều và thị phần chưa mở rộng khi chủ yếu bán cho giới doanh nhân, hoặc đơn vị nhà nước để biếu tặng. Có nhiều nguyên nhân, như bản thân cây QHLV khó chăm sóc: Dễ chết cây, bị nhiều dịch bệnh tấn công và nghề quýt chậu đòi hỏi kỹ năng phức hợp giữa tay nghề trồng quýt và kỹ năng, tư duy của người trồng kiểng… nhưng quan trọng nhất là nhiều nhà vườn đã khai thác theo kiểu “đẻ non” khiến tỉ lệ hao hụt cao, tâm lý khan hiếm đã trực tiếp đẩy giá thành lên cao.

Th.S Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) - cho biết: “Thông thường, khi trồng trên đất, phải đến năm thứ 4, nhà vườn mới cho cây quýt ra trái, thế nhưng khi đưa vào chậu chật hẹp, lại buộc cho trái sau 2 năm chiết cành nên khó thành công theo ý muốn”. Vì vậy theo bên cạnh việc khuyến cáo hạn chế khai thác “đẻ non” để cây khoẻ hơn… cần tiếp tục hỗ trợ nhà vườn kỹ năng tạo hình cây kiểng, hạ giá bán ngang tầm với cây cùng chủng loại nhằm đón nhận thêm nhiều đối tượng khách hàng, để chậu QHLV đến với nhiều người, nhiều nhà trong dịp xuân về, tết đến.

 

 


Người viết : Lục Tùng (Laodong)