Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn NTNN.
Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2014 với chủ đề “Phát triển DN trong kinh doanh nông nghiệp” vừa được công bố cho thấy: Khu vực nông nghiệp hiện chiếm tới 20% GDP nhưng chỉ có 1% số DN là đầu tư vào khu vực này. Vì sao lại có thực trạng bi đát như vậy, thưa ông?
Đàn bò sữa giống ngoại của Công ty Sữa Mộc Châu. Ảnh: L.H.T |
Tôi chỉ ví dụ các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được Chính phủ cho phép hưởng ưu đãi cao về đất đai, thuế… nhưng do cơ chế thực hiện không rõ ràng nên đến nay, nhiều DN nông nghiệp công nghệ cao vẫn phải chịu thuế cao. Hay trong khi nhiều sản phẩm công nghiệp khác được khấu trừ thuế giá trị gia tăng thì những DN nông nghiệp vẫn phải đóng. Đây là những bất cập dễ nhìn thấy nhất. Các DN đầu tư vào nông nghiệp đã và đang đối mặt với không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Thậm chí ngay cả khi có nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại, giá trị lớn, DN cũng không thể đem ra làm tài sản thế chấp để vay vốn cũng bởi các chính sách ưu đãi về vay vốn đặt ra còn khá mơ hồ, chung chung.
Sự chậm chạp, rườm rà trong quá trình triển khai chính sách của các cơ quan chức năng cũng khiến các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp nhiều khi rơi vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Như có DN nhập khẩu giống hoa, cây cảnh nhưng để có được thủ tục kiểm dịch trong nước thì mất cả một mùa vụ, làm mất đi cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường của chính DN…
Có phải như vậy mà bao lâu nay, việc khuyến khích thành lập các DN nông thôn, các DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn ì ạch, thưa ông?
- Sẽ khó có DN muốn đầu tư về nông thôn với kiểu cơ chế chính sách như thế này, dù chúng ta có hô hào mấy. Cứ hình dung, một DN đầu tư vào nông thôn mà bao thứ đổ lên đầu như vậy thì DN nào trụ được. Tôi vẫn nói, các chính sách cho nông nghiệp nông thôn phải theo chuỗi mà DN chính là trung tâm liên kết của chuỗi đó, chúng ràng buộc được với nhau, hỗ trợ cho nhau... Còn với chính sách trói buộc, riêng rẽ, mơ hồ như hiện nay thì sẽ chỉ như vòng luẩn quẩn, cản trở DN đầu tư vào đây.
Các chính sách được cho là “trói buộc, riêng rẽ, mơ hồ” như ông nói phải chăng là do có quá nhiều rào cản, quy định cản trở DN tiếp cận đầy đủ các chính sách của Chính phủ?
- Đúng là như vậy. Hỗ trợ các DN nông thôn hiện nay đang ở tình trạng mạnh ai nấy làm, không có nguyên tắc cơ bản nào, quá nhiều chính sách song lại không đem lại hiệu quả. DN làm ăn ở nông thôn “lẹt đẹt”, không vươn lên được dù không thiếu chính sách hỗ trợ.
Thực tế hiện nay, việc hỗ trợ DN nông thôn đang làm theo cảm tính, hầu hết đều chưa có điều tra kỹ để hướng việc hỗ trợ vào DN. DN thì có cảm giác mình không được ưu đãi mà DN nước ngoài, DN Nhà nước được ưu đãi nhiều hơn. Hiện khung pháp lý cho hỗ trợ DN nông thôn còn chung chung. Các chương trình hay dự án hỗ trợ cũng không theo nguyên tắc cơ bản nào. Có thể nói, DN nông thôn đang bị “chết ngụp” bởi có quá nhiều chính sách, hàng chục, hàng trăm, thậm chí càng tìm kỹ càng thấy nhiều hơn và mạnh ai nấy làm. Vài năm gần đây, khi thấy nông thôn nông nghiệp được “để ý”, thì một số địa phương cũng tự đẻ ra nhiều quy định hỗ trợ DN, cũng chả có nguyên tắc nào, DN nhìn vào thấy như mớ bòng bong…
Vậy theo ông, cần phải có những thay đổi gì để tháo gỡ được những bất cập nêu trên, thúc đẩy được DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn?
Quan điểm
Ông Vũ Tiến Lộc Nhắc đến hỗ trợ DN nông thôn ai cũng nói “phải thiết thực” và tiền tưởng là thiết thực nhất song lại không phải vậy. Việc tạo thuận lợi cho DN được tiếp cận thị trường, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… xem ra lại thiết thực hơn.
|
Tôi ví dụ nếu mô hình thành lập DN nông thôn thành công thì chúng ta sẽ có đủ điều kiện pháp lý cho các DN này vay vốn ngân hàng cả ngắn hạn và dài hạn. Thậm chí, ngân hàng có thể cho DN nông nghiệp được vay tín chấp thay vì chỉ cho vay trên cơ sở có thế chấp bằng tài sản là ruộng đất.
Với nguồn vốn ngân hàng có được, DN nông nghiệp có thể chủ động mua bán sản phẩm nông sản, khắc phục được tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Đặc biệt, khi đã hình thành các DN nông nghiệp thì các chính sách lãi suất, kích cầu, vay ưu đãi, hoặc nhiều ưu đãi khác được triển khai từ phía Nhà nước sẽ đến với DN và khu vực nông thôn dễ dàng hơn…
Như ông đã từng nói, các đại gia Việt Nam đã “thức tỉnh” đầu tư vào nông nghiệp là đúng đắn, cho thấy lợi thế, lợi ích và lợi nhuận cao của nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải có những chính sách cốt lõi để thu hút được DN. Vậy cốt lõi ở đây là gì?
- Cái cần gỡ nhất hiện nay là quyền sử dụng đất đai cho nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, dù nông dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp dài hơn song vẫn có thể thu hồi bất cứ lúc nào, giá đền bù đất sản xuất cho nông dân lại rẻ nên dù nông dân có góp vốn bằng giá trị sử dụng đất để liên kết làm ăn với DN cũng không đáng là bao, cổ phần ấy lại đầy rủi ro.
Tôi cho rằng trước mắt, Luật Đất đai phải được thực hiện nghiêm túc về quyền sử dụng đất cho nông dân. Người nông dân phải giữ được đất của mình để yên tâm sản xuất lâu dài, có thể đầu tư, góp vốn với DN. Về cho vay tín chấp cũng cần được thực hiện càng sớm càng tốt; vốn vay phải có sự linh hoạt về thời hạn, như theo thời vụ, không cào bằng như hiện nay. Các chính sách cho nông thôn đã đến lúc phải riêng biệt, không thể cho hết vào một rọ để ra một “kiểu mẫu chung” không hiệu quả như đang làm bấy lâu nay.
Xin cảm ơn ông!