Đầu tư vào nông nghiệp: Quá nhiều cái khó

Đầu tư vào nông nghiệp: Quá nhiều cái khó

Thứ tư, 26/08/2015, 16:31 GMT+7

Nông nghiệp Việt Nam được xem là có nhiều tiềm năng, nhưng nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài vẫn thờ ơ với khu vực này do có quá nhiều rào cản, khó khăn, theo một hội nghị về đầu tư vào nông nghiệp tổ chức hôm nay, 25-8, tại TPHCM.
Một nghiên cứu Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) chỉ ra, hộ dân có dưới 2 héc ta trồng lúa không thể sống dựa vào cây lúa mà phải dựa vào nguồn thu nhập khác. Ảnh: NH
Một nghiên cứu Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) chỉ ra, hộ dân có dưới 2 héc ta trồng lúa không thể sống dựa vào cây lúa mà phải dựa vào nguồn thu nhập khác. Ảnh: NH
Chính sách sử dụng đất bất hợp lý, thiếu những diện tích đất quy mô lớn, lợi nhuận thấp và rủi ro cao, tư duy phát triển nông nghiệp không phù hợp... là vài rào cản chính khiến doanh nghiệp ngại ngần đầu tư vào khu vực nông nghiệp, theo hội nghị "Vai trò doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.
 
Hội nghị nhằm nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế nhằm mổ xẻ vì sao thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn ở mức thấp, riêng đối với đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm dưới 4% tổng vốn đầu tư trong nhiều năm qua.
 
Theo một báo cáo của VCCI về sự phát triển doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản, tỷ trọng doanh nghiệp trong nông lâm nghiệp thủy sản giảm từ 1,6% tổng số doanh nghiệp trước năm 2007 xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. Số liệu này cho thấy lĩnh vực nông lâm thủy sản rất kém thu hút doanh nghiệp so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
 
Một trong những cái khó lớn nhất là việc tìm kiếm diện tích đất đai quy mô lớn để triển khai các dự án về nông nghiệp.
 
Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, cho biết doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp rất khó tìm quỹ đất từ 100 đến 1.000 héc ta. Còn nếu tìm được phải bỏ tiền mua hoặc thuê lại đất từ nông dân, tiếp đó là phải trả tiền thuê đất cho nhà nước, tức là doanh nghiệp phải trả ít nhất hai lần tiền để có đất, trong khi đầu tư vào các khu công nghiệp chỉ trả một lần, lại có cơ sở hạ tầng đi kèm để sản xuất kinh doanh liền.
 
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, cái tư duy nông nghiệp là xóa đói giảm nghèo đã qua rồi. Bây là làm nông nghiệp phải hướng đến nhu cầu, khả năng tạo ra giá trị.
 
“Tại sao nông nghiệp không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư là do lợi nhuận từ đầu tư trong nông nghiệp thấp. Nhiều năm chúng ta hô hào nhưng doanh nghiệp không đầu tư vào vì họ không thấy được lợi nhuận,” ông Thành nói.
 
Cũng liên quan đến chuyện tư duy, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói rằng, trong gần30 năm qua, ngành nông nghiệp nhờ cởi trói cho người nông dân mà từ một nước thiếu ăn trở thành một cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn mang nặng tư duy đảm bảo an ninh lương thực; giờ muốn ngành nông nghiệp thay đổi, phải khoác cho mình một tư duy mới.
 
“Lâu nay chúng ta lấy nông dân và các nông hộ để làm trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nay, phải thay đổi cách làm bằng cách xem doanh nghiệp là đầu tàu, hợp tác xã, là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp nếu muốn đưa ngành nông nghiệp đi lên,” ông Thiên nói.
 
Theo ông Thành, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải giải quyết được 4 khâu là phải làm sao cho quy mô sản xuất tăng dần để tận dụng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô và tiến bộ công nghệ; Nhà nước phải có cam kết trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện công nghệ; phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và có một cơ chế đảm bảo giá cả đầu ra, đầu vào ổn định.
 
Liên quan đến chính sách, ông Phạm Quốc Doanh kể lại ông là một trong những người chấp bút soạn thảo dự thảo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, song khi soạn thảo xong, bên thẩm định lại không đồng ý.
 
Vậy là Chính phủ yêu cầu ban soạn thảo phải viết lại nghị định cho phù hợp và kết quả nghị định được ban hành và khi có hiệu lực, nghị định vẫn chưa tạo được sự chú ý từ phía các doanh nghiệp. Nhận thấy những hạn chế của nghị định 61 khi đưa vào thức tế, ngay sau đó, Chính phủ lại có Nghị định 210/2013/NĐ-CP với những ưu đãi lớn hơn nhằm thay thế cho Nghị định 61.
 

Người viết : Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)