ĐBSCL phát triển sản xuất rau quả theo hướng công nghệ cao

ĐBSCL phát triển sản xuất rau quả theo hướng công nghệ cao

Thứ hai, 19/01/2015, 15:09 GMT+7

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau quả tập trung theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Hiện khu vực này có khoảng 244 nghìn ha sản xuất rau quả, chiếm 30% của cả nước, đạt năng suất 17 tấn/ha và sản lượng 4.400 tấn/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau quả tập trung theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Hiện khu vực này có khoảng 244 nghìn ha sản xuất rau quả, chiếm 30% của cả nước, đạt năng suất 17 tấn/ha và sản lượng 4.400 tấn/năm.
 

Mô hình sản xuất rau an toàn đang được nhân rộng ở phía Nam (Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Mô hình sản xuất rau an toàn đang được nhân rộng ở phía Nam (Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)


Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Thuận - Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất rau an toàn là hướng đi cần thiết tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây, nhiều mô hình nhà kính, nhà màng trồng rau từ kiểu đơn giản cho đến hiện đại đã xuất hiện tại khu vực này. Những mô hình trên bước đầu đã thu được thành công nhất định, chất lượng sản phẩm và năng suất được nâng cao. Mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã áp dụng phổ biến tại nhiều địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Để phát triển sản xuất rau quả theo hướng công nghệ cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố tại khu vực này đã tập trung vào các giải pháp, ví dụ như: Rà soát nhu cầu sử dụng rau an toàn và quy hoạch vành đai thực phẩm cung cấp tại địa phương, sau đó, mở rộng hợp tác với các tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu. Các địa phương khuyến khích nông dân sản xuất, doanh nghiệp thu mua rau an toàn theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt. Việc tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm,̀ khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm rau có nguồn gốc được đẩy mạnh...

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố tại khu vực này cũng đã có nhiều biện pháp hiệu quả, giúp đỡ người trồng rau màu tăng diện tích, trồng những loại cây có chất lượng cao, nhất là đưa các kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào canh tác.

Để nâng cao giá trị thương phẩm cho rau an toàn, nhiều hợp tác xã chuyên trồng rau màu trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã liên kết thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp từ rau an toàn. Câu lạc bộ này không chỉ góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất giữa các hợp tác xã với nhau mà còn đa dạng hóa mặt hàng rau tươi, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng, tạo ra hướng phát triển bền vững cho rau an toàn. 

Cũng nhờ chuyên canh các loại rau, màu theo hướng an toàn, chất lượng đã giúp xã viên và nông dân ở thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) vươn lên khá, giàu. Kết quả này xuất phát từ thương hiệu rau an toàn Gò Công đang được người tiêu dùng chấp nhận thông qua hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Các xã viên tham gia trồng rau an toàn ở thị xã Gò Công cho biết, từ khi tham gia sản xuất rau theo hướng an toàn, được hợp tác xã bao tiêu, người nông dân đã yên tâm về mặt giá cả và lợi nhuận.

Tỉnh Vĩnh Long có cơ chế  khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng rau màu, với việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, diện tích trồng màu tăng mạnh ở cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: Khoai lang, các loại đậu, đỗ tương, rau ăn lá... Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng rau màu tăng ở các huyện có thế mạnh sản xuất rau màu như: Bình Minh, Tam Bình, Bình Tân và Vũng Liêm. Các huyện này đã vận động nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất 1 lúa 2 màu, thay thế sản xuất lúa vụ 3. Cách làm này hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, phòng Nông nghiệp các huyện còn vận động nông dân xây dựng mô hình trồng rau sạch, rau an toàn. Việc nhân rộng mô hình liên kết giữa các hợp tác xã sản xuất với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ được đẩy mạnh. Ngoài các loại rau màu sản xuất theo hợp đồng bao tiêu, các hợp tác xã mở rộng diện tích trồng rau màu ăn củ, rau ăn lá cung ứng tới siêu thị, chợ đầu mối nông sản trên địa bàn.

Còn tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt cũng đã phát huy hiệu quả. Đây là dự án xây dựng mô hình sản xuất cây giống rau trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao và xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn thương phẩm ngoài trời với 11 loại rau, sản lượng đạt 435 tấn/ha, tiêu thụ tại siêu thị và các chợ. Qua thí điểm cho thấy, vùng sản xuất rau này năng suất đã tăng, chi phí sản xuất giảm và giá bán rau an toàn cao hơn, nên lợi nhuận trồng rau an toàn theo hướng này đã tăng hơn từ 20% đến 25% so với trồng rau theo cách canh tác phổ biến trước đây.

Từ năm 2011 đến nay, Tiền Giang đầu tư xây dựng hàng chục mô hình sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trên các mặt hàng nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Ớt, dưa hấu, rau màu các loại, thanh long, hồng xiêm... thu hút hàng trăm hộ nông dân với tổng diện tích trên 100 ha. Các địa phương tham gia nhiều như: Huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành, thị xã Gò Công... Trong khuôn khổ tham gia các mô hình thí điểm, nông dân được tập huấn về phương pháp canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến; ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng, cho ra những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch... Đây là phương pháp canh tác mới, tiên tiến, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, đồng thời giúp nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ kết quả của các mô hình thí điểm, Tiền Giang đang đúc kết kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Hiện đã có một số mô hình hay, hiệu quả tốt được công nhận đạt tiêu chí thực hành nông nghiệp tốt như: Rau an toàn Long Thuận (Thị xã Gò Công), thanh long của Tổ hợp tác Quơn Long (Chợ Gạo)…

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất rau quả sạch và an toàn, tuy nhiên, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn quyết tâm thực hiện và duy trì mô hình sản xuất rau quả sạch, rau quả an toàn gắn với thị trường tiêu thụ. Các cấp, ngành chức năng và địa phương chung tay cùng người nông dân trong việc sản xuất rau quả theo hướng công nghệ cao, đồng thời sẽ làm cầu nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn đến các thị trường trong và ngoài nước, từ đó làm nên thương hiệu cho một vùng sản xuất rau quả được cho là giàu tiềm năng của Việt Nam./.

 


Người viết : K.V - ĐCSVN.