ĐBSCL: Tìm giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững
Thứ năm, 28/04/2016, 09:05 GMT+7
Ngày 27-4, tại TP. Rạch Giá, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo chuyên đề “Các giải pháp và mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp và mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Khắc Ghi cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Kiên Giang phát triển khá toàn diện, nhiều năm liền là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Tuy nhiên, Kiên Giang cũng là địa phương phải hứng chịu hậu quả nặng nề bởi hạn mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của hơn 18.000 hộ nông dân. Bên cạnh đó, hạn hán cũng đã làm hàng chục ngàn hộ dân phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần có một giải pháp hiệu quả nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, rất nhiều báo cáo đề dẫn liên quan đến biến đổi khí hậu được các nhà khoa học trình bày, trong đó tập trung chủ yếu vào các giải pháp ứng phó với hạn mặn, hạn chế tác hại của hạn mặn đối với lúa; các giải pháp về xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Huy Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) nhận định, xâm nhập mặn đang làm mở rộng các vùng nhiễm mặn, cần phải chuyển đổi đối tượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt hoặc diện tích đất, mặt nước trồng lúa, rau màu, cây ăn trái sang nuôi trồng các đối tượng nước lợ, mặn. Cần có điều tra, đánh giá, dự báo về mức độ, phạm vi xâm nhập mặn để có giải pháp quy hoạch, đầu tư hạ tầng nhằm chuyển đổi có hiệu quả các đối tượng nuôi vùng nước lợ, mặn. Tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) vẫn là đối tượng nuôi phù hợp, có thị trường xuất khẩu lớn, mang lại kinh tế cao; trong đó các tỉnh có lợi thế phát triển hình thức nuôi tôm quảng canh, mô hình sinh thái dưới tán rừng là Cà Mau, Bạc Liêu; mô hình tôm - lúa là Sóc Trăng, Kiên Giang…
Hạn hán làm lúa chết tràn lan ở tỉnh Kiên Giang
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Khắc Ghi, về giải pháp lâu dài, bên cạnh việc hoàn chỉnh các hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần bố trí lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng vùng, chọn lựa những loại thích ứng với hạn mặn tốt để cho hiệu quả kinh tế cao. Trước mắt, cần chuyển giao nhanh các giống cây có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường để phục vụ sản xuất. Song song đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Ông Nguyễn Huy Thạch cũng đưa ra giải pháp trong việc phát triển nuôi trồng thích ứng với điều kiện hạn, xâm nhập mặn là thực hiện tốt quy hoạch; triển khai kế hoạch mùa vụ và quản lý vùng nuôi; tăng cường công tác quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh. Cùng với việc rà soát quy hoạch, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét đẩy mạnh các dự án thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.
Giáo sư -Tiến sĩ Lê Quang Trí, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho rằng, trước những tác động của biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế, để thích ứng, thích nghi trong quản lý bảo tồn sinh học trước hết cần phải quản lý hệ sinh thái, bảo vệ rừng, trồng rừng; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, gồm: quy hoạch chiến lược về đa dạng sinh học, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đa dạng hành lang sinh học; xác định loài có khả năng thích nghi, không thích nghi, di cư; bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo giống mới; tăng cường sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách; giáo dục cộng đồng; liên kết, phối hợp với các ngành, lĩnh vực trong thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nhìn chung, đa số các nhà khoa học đều nhận định rằng, để thích ứng với tình hình xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, giải pháp lâu dài phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt; sắp xếp ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng các cống kiểm soát mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ bao, củng cố đê…
Hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long có 1,82 triệu ha diện tích đất trồng lúa, trong đó có 1,7 triệu ha chuyên canh lúa, 185.000 ha luân canh lúa - màu và 240.000 ha luân canh lúa - thủy sản.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)