Để thành "Hà Lan" về nông nghiệp
Thứ ba, 24/02/2015, 09:51 GMT+7
Không có khoa học cơ bản thì không có nền văn minh nhân loại. Vì vậy, muốn đổi mới nông nghiệp Việt Nam (VN), phải khẩn trương đổi mới một số vấn đề then chốt, đặc biệt là định hướng kinh tế và tư duy về KH-CN.
GS.TS. Đỗ Năng Vịnh |
Đây là khâu tiên phong dẫn dắt toàn bộ sự đổi mới của hệ thống toàn ngành.
Mối lo nông nghiệp không nuôi nổi dân số
Những năm qua, nông nghiệp VN đã có tiến bộ vượt bậc. Đáng tự hào nhất là nông nghiệp đã giúp đất nước ổn định hơn, cuộc sống nông dân sung túc hơn, phúc lợi xã hội, dinh dưỡng sức khỏe nhân dân đã nâng lên rất nhiều. Nhưng tương lai, với một đất nước đứng thứ 13 thế giới về dân số, diện tích tự nhiên nhỏ, nước ta đang có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, cũng là nước có diện tích canh tác nông nghiệp/người vào loại thấp nhất thế giới.
Thậm chí Việt Nam đang tiếp tục có nguy cơ thu hẹp hơn nữa diện tích đất nông nghiệp do xây dựng công nghiệp, đô thị, giao thông, cộng với biến đổi khí hậu có thể làm ĐBSCL và một phần ĐBSH chìm trong nước.
Gần đây, chúng tôi có mời một nhà khoa học Pháp sang VN nghiên cứu về cây cà phê. Khảo sát diện tích cà phê ở Tây Nguyên, tính trung bình mỗi nông dân ở đây chỉ có khoảng 2 ha. Vị này cho rằng với 2 ha cà phê ấy, mặc dù đối với VN hiện nay đã là rất lớn, và là cây trồng rất có giá trị, tuy nhiên nó không thể nào nuôi nổi các gia đình trồng cà phê ở một xã hội văn minh. Trong khi ấy ở ĐBSH, mỗi gia đình nông dân chỉ có khoảng 1.000 m2 ruộng. Câu hỏi là với chừng ấy diện tích, làm sao để nuôi sống một cường quốc dân số như VN?
Làm sao đảm bảo được dinh dưỡng cho nhân dân, đồng thời phải có được nguồn thu ngoại tệ nhờ XK để bù đắp cho NK? Với tình hình đó, chúng ta có thể đối mặt với tương lai nông nghiệp không nuôi nổi dân số, cũng như không thể tiếp bước được sức mạnh XK mà những năm trước đó đã có được. Đây là vấn đề rất lớn, cần phải tiếp tục đưa ra thảo luận mang tầm quốc gia để cùng thống nhất ý chí cho việc phát triển một ngành rất quan trọng của nền kinh tế, đó là nông nghiệp.
Chủ trương tái cơ cấu, đổi mới nền nông nghiệp nước nhà là vấn đề cấp bách. Nhưng đổi mới như thế nào, tại sao đặt vấn đề phải đổi mới thời điểm này, các chỗ dựa nào để đổi mới là những vấn đề lớn cần bàn. Triết học, chính trị học thế giới đã chỉ ra rằng, không có khoa học cơ bản thì không có nền văn minh nhân loại. Nếu không có thành tựu khoa học cơ bản, không thể có các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử.
Muốn có cách mạng xanh, phải dựa vào khoa học về di truyền, công nghệ gen và khoa học ngành trồng trọt. Muốn có cách mạng trắng về sữa, cách mạng đỏ về thịt phải có KH-CN vật nuôi, muốn có đột phá về XK thủy hải sản, phải dựa vào nghiên cứu KH-CN về sinh vật thủy sinh… Vì vậy, gốc rễ của mọi tư tưởng đổi mới và tư duy cách mạng trong SX đều phải xuất phát từ nghiên cứu cơ bản.
Với đổi mới nông nghiệp, phải dựa trên cơ sở khoa học cơ bản một cách chắc chắn. Đổi mới nông nghiệp trước hết phải mang tầm tư duy của một cuộc cách mạng, lấy đổi mới khoa học cơ bản là cuộc cách mạng nền tảng.
Đổi mới ngay định hướng kinh tế và tư duy KH-CN
Hà Lan, Israel, Đài Loan… là những nước, vùng lãnh thổ có văn minh nông nghiệp cao nhất thế giới, họ đều là những nước khó khăn về điều kiện, đất ít, sa mạc quá nóng, hoặc hàn đới quá lạnh, đất cằn cỗi manh mún… So với họ, chúng ta thuận hơn rất nhiều về điều kiện tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta không đổi mới về tư duy KH-CN và tư duy kinh tế, sẽ không thể đảm bảo được một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Về cách tiếp cận với KH-CN, bên cạnh việc cần phải vực dậy nghiên cứu cơ bản trong nước, có thể dựa trên cơ sở sức mạnh KH-CN quốc tế. Tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã thực hiện công nghiệp hóa, họ nhờ vào sức mạnh KH-CN toàn cầu, nguồn vốn toàn cầu chứ không phải nội lực, bởi họ đều trưởng thành từ nước nông nghiệp nghèo đói. Vì vậy trong đổi mới KH-CN, phải chú trọng việc chuyển giao KH-CN dựa vào thành tựu của toàn cầu để phát triển đất nước là chính.
Nhưng để tận dụng được vốn, KH-CN toàn cầu, nhất định phải có nguồn lực con người để có thể tiếp cận, sử dụng, vận dụng nó. Điều này phải dựa vào hai đòn bẩy là KH-CN và khoa học kinh tế trong nước. Khoa học kinh tế và KH-CN hiện nay đang tách biệt, cần phải gắn với nhau. Hai đòn bẩy này phải dựa vào hai điểm tựa là chính sách kinh tế đối nội và đối ngoại một cách tổng hòa.
Thành phố nông nghiệp và “Hà Lan” của châu Á
Trong đổi mới nông nghiệp, xin nêu một số sách lược phát triển và định hướng, trong đó có định hướng phát triển vùng, vùng nào SX sản phẩm chủ lực gì. Ở đây, chỉ xin nêu 2 “Đề án vùng” quan trọng về phát triển kinh tế nông nghiệp khả thi rất cao, có thể triển khai ngay.
Một là đề án phát triển “xa lộ nông nghiệp" phía tây vùng Bắc Trung bộ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, kéo dài từ Hòa Bình tới Hà Tĩnh nhằm sớm biến vùng đất rộng lớn, phì nhiêu, màu mỡ này thành trục kinh tế nông nghiệp chủ lực. Trong đó, một số ngành hàng rất quan trọng và cần phải đẩy nhanh thành thế mạnh quốc gia gồm công nghiệp mía đường; công nghiệp cam – cây có múi; công nghiệp sữa – thịt và các loại rau quả khác.
Với ngành mía đường, phải đổi mới toàn bộ ở khu vực này với tầm nhìn toàn diện, là “kinh tế cây mía” chứ không chỉ để SX đường. Mía là cây quang hợp cao nhất trong các loài cây trồng và sản sinh ra sinh khối vô cùng lớn. NM Đường Lam Sơn (Thanh Hóa) hiện có 17 nghìn ha mía nguyên liệu mỗi năm sinh ra 300 nghìn tấn bã mía, 50 nghìn tấn mật rỉ, 50 nghìn tấn bùn bã mía và rất nhiều sản phẩm cồn nhiên liệu khác. Đây là lĩnh vực phải đưa KH-CN vào nhằm khai thác triệt để, nâng cây mía trở thành cây trồng chiến lược của vùng.
Với ngành hàng sữa - thịt, đây là vùng có tiềm năng vô cùng lớn, có thể mở rộng sang tận giáp biên giới Lào. Hiện đã có một số DN đi tiên phong vào ngành hàng này như Vinamilk, TH True Milk, đây là tiền đề rất tốt. Phát triển đồng cỏ, gắn với công nghiệp sữa, thịt ở vùng này sẽ rất vững chắc, và hiện VN cũng đã có nhiều thuận lợi.
Đối với công nghiệp cam - cây có múi và các loại rau hoa quả khác, không vùng nào thuận lợi như vùng này bởi nước sạch, không khí sạch, rất gần ven biển, có giao thông trục ngang thuận lợi và hoàn toàn hình thành nên một ngành hàng công nghiệp có giá trị. Tại sao phải đưa ngành hàng cây có múi vào khu vực này? Bởi Hà Nội hay các tỉnh ĐBSH đất đai phân tán, nước, không khí hiện nay và tương lai không thể đảm bảo để SX sạch đúng nghĩa.
Với đề án “xa lộ nông nghiệp” này, nếu làm tốt sẽ hình thành được các thành phố nông nghiệp hiện đại, các thành phố sữa – thịt; thành phố rau – hoa quả; thành phố mía đường… dọc suốt dải đất miền tây Thanh – Nghệ. Chúng tôi đã tính toán, Thanh Hóa và Nghệ An cộng lại có diện tích ngang với đất nước Israel, dân số cũng bằng Israel, nhưng điều kiện tự nhiên về nông nghiệp lại tốt gấp hàng trăm lần Israel, vì vậy đây là nơi có nguồn lực vô cùng tiềm tàng. Hiện ý tưởng về dự án này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, kết hợp với DN lớn nhất về nông nghiệp của tỉnh là Cty Mía đường Lam Sơn nhất trí khởi động triển khai.
Đề án thứ hai, VN cần tập trung ngay vào công nghiệp rau - hoa quả. Chúng ta nằm giữa hai vùng kinh tế lớn, năng động nhất thế giới ở châu Á có đặc thù khí hậu rất khác nhau. Một vùng mùa đông rất khắc nghiệt không SX được rau hoa quả như các nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga, Trung Quốc… Thực tế, khu vực này hiện nay đang phải NK rau, hoa quả rất lớn.
Một vùng khác ở phía Nam chúng ta, gồm các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore khí hậu lại quá nóng, không có lợi thế SX rau hoa quả. Chúng ta có Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi không khí trong lành, khí hậu bốn mùa có thể SX rau hoa quả mùa nào thức đó. Chúng ta có Đà Lạt đang quy hoạch khoảng 362 nghìn ha đất nông nghiệp có độ cao trên 800m, đây là vùng rau hoa quả vĩ đại mà chúng ta còn có thể khai thác vô cùng lớn.
Với những lợi thế trời phú này, nếu có chiến lược khai thác tiềm năng, sẽ hoàn toàn XK rau hoa quả thuận lợi hơn rất nhiều so với Hà Lan, Israel hay Đài Loan là những nước XK rau hoa quả lớn của thế giới hiện nay. Và chúng ta hoàn toàn có thể là “Hà Lan” của khu vực châu Á về ngành hàng rau, hoa quả. Vì vậy, cần phải có ngay các đề án lớn để đẩy các lợi thế này thành các ngành hàng XK lớn, có vị thế tầm quốc tế.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)