Định hướng thị trường: Trách nhiệm của Nhà nước

Định hướng thị trường: Trách nhiệm của Nhà nước

Thứ hai, 09/03/2015, 09:19 GMT+7

Những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn quán triệt quan điểm thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo cơ chế thị trường. Định hướng đúng thị trường là mấu chốt trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy vậy, cơ chế thị trường không thể buông lỏng quản lý và để nông dân “tự bơi”. 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên nói rằng, sản xuất và tiêu thụ nông sản phải tuân theo cơ chế thị trường, giá bán do thị trường quyết định. Sản xuất bám sát nhu cầu thị trường để điều tiết sao cho nông dân đạt được giá bán cao và lợi nhuận cao nhất. Thế nhưng, tình trạng cung vượt cầu, rớt giá vẫn là vấn đề nan giải trong điều tiết sản xuất nhiều loại nông sản. Khi thị trường nông sản vẫn còn bát nháo như hiện nay, nông dân khó mà theo dõi và nắm bắt đúng tín hiệu thị trường để sản xuất cho phù hợp.

Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương Bình Định trước khi đóng gói xuất sang Nhật.
Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương Bình Định trước khi đóng gói xuất sang Nhật.

Theo TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn tổng thể, thị trường nông nghiệp nước ta đang bị rời rạc, méo mó, lệch lạc. Lâu nay chúng ta chỉ lo tăng năng suất, sản lượng mà không lo giá trị gia tăng, không lo hiệu quả, chỉ tập trung sản xuất cho thị trường thấp, chất lượng thấp, dễ tính. Hiện, các mặt hàng lúa, gạo, càphê… đều có sản lượng lớn, thuộc tốp đầu thế giới, song chúng ta vẫn chỉ sản xuất theo tư duy “sợ đói” và hướng tới các thị trường dễ tính thì rất khó để gia tăng giá trị.

TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định: “Chúng ta đang thiếu thị trường nông sản nên nông dân khó tiêu thụ được sản phẩm, thiếu thị trường cạnh tranh một cách minh bạch. Những nghiên cứu đánh giá chuỗi, thị trường nông nghiệp còn thiếu nên càng sản xuất nhiều, càng thất bại. Mặt khác, doanh nghiệp (DN) phải là đầu tàu kết nối nông dân với thị trường, thế nhưng hiện nay nhiều DN vừa và nhỏ vẫn làm ăn “chộp giật”, ngắn hạn chứ không hướng tới đầu tư lâu dài. Với chính sách hiện nay, việc mở cửa kinh doanh là tạo cơ hội cho người nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, chứ không phải cho DN Việt Nam. Nông dân Việt Nam sẵn sàng đổi mới tiếp thu, nhưng năng lực suy nghĩ và quy mô của họ chỉ giới hạn, họ sẽ không thể vươn lên ngưỡng DN.

Ông Cung cho rằng, cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thể chế để giúp thị trường vận hành tốt hơn, chỗ nào chưa có thị trường thì phải tạo thị trường, chỗ nào méo mó thì phải sửa. Ngay như vấn đề đất đai, hiện chưa có thị trường nên không thể tích tụ được ruộng đất để phát triển nông nghiệp với quy mô lớn. Người nông dân tuy được sở hữu về đất đai nhưng lại bị hạn chế về mua bán, không được coi đó là tài sản mà vẫn phụ thuộc vào một thể chế hành chính, vì vậy thị trường đất đai méo mó. “Đất phải là tài sản của nông dân, là bệ đỡ đưa họ ra làm ngành nghề khác (khi chuyển nghề có tài sản để chuyển giá trị). Nhà nước can thiệp để làm thị trường tốt hơn, chứ không nên làm nó méo mó hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Trưởng phòng Giảm nghèo của Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), cho rằng, chúng ta chưa nhìn thấy được rõ vấn đề lệch cơ cấu nông nghiệp tại Việt Nam. Ai cũng nhận ra, nếu ngành nông nghiệp gắn được dịch vụ, thương mại và chế biến vào thì sẽ tạo thành bệ đỡ phát triển bền vững. Thương mại nông sản dù được quan tâm đặc biệt, nhưng lại chưa được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước nhiều như với các lĩnh vực chế biến nông sản và hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân ở đây có thể một phần do sự quản lý yếu kém, phần khác do nguồn lực bị thất thoát quá nhiều. Như vậy, cái giá phải trả là nguồn lực bị bóp đi từ ngành nông nghiệp dồn cho ngành dịch vụ chế biến và hạ tầng, thế nhưng chế biến lại không thừa năng lực, hạ tầng thì phát triển chừng mực.

Khác với ý kiến của ông Cung về việc chúng ta đang thiếu thị trường nông sản, ông Phong nhận định: “Chúng ta không phải là không có thị trường nông sản mà là đang buông lỏng thị trường”. Một số nghiên cứu của UNDP cho thấy, ngành nông nghiệp hiện đang có quá nhiều thị trường, chứ không phải thiếu thị trường. Mọi người hãy nhìn vào thị trường sản xuất hàng hóa nông sản cũng như đầu vào của nông nghiệp: thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị buông lỏng, không có sự quản lý chặt chẽ nhiều năm nay khiến nó hoạt động khá bát nháo. Nông dân cũng vì thế mà khó có thể phân biệt được thương hiệu của DN nào tốt, thế nào là hàng giả, hàng nhái…

“Tôi cho rằng, có quá nhiều thị trường và quá ít Nhà nước. Nhà nước ở đây là gì, là thực hiện vai trò điều tiết một cách có định hướng và phải là một “bà đỡ”. Đầu tư cho ngành nông nghiệp vốn đã ít, lại không có sự định hướng thị trường nên khó có thể tạo ra đột phá trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang gặp phải một nghịch lý là, trong sản xuất thì thừa thị trường, nhưng trong quản lý đất đai, tư liệu  sản xuất chính của nông dân, lại đang thiếu thị trường. Chúng ta chưa có thị trường chuyển nhượng, mua bán đất nông nghiệp một cách đúng nghĩa. Ở đây, Nhà nước thống nhất quản lý và giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Như vậy là Nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường này”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phong, ngoài việc điều tiết các thị trường một cách đúng hướng, đúng “liều lượng”, nhiệm vụ của Nhà nước là phải tổ chức thực hiện dịch vụ công tốt như khuyến nông, khuyến ngư, đặt ra tiêu chuẩn để nông sản có thể tham gia chuỗi giá trị. Ngoài ra, phải lập ra các Testing center (trung tâm kiểm nghiệm) đạt tiêu chuẩn quốc tế để nông sản Việt Nam, khi qua các trung tâm này, được công nhận chất lượng trên toàn thế giới. “Một minh chứng, khi ta xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, các DN cứ phải ngồi chờ đối tác mang mẫu đi kiểm nghiệm, nếu đạt mới cho thông quan. Như thế, thay vì ngồi chờ, ta chủ động thực hiện việc kiểm nghiệm trước. Nhưng ai lập ra các trung tâm đấy? Nhà nước phải làm chứ không thị trường nào làm thay việc đấy được. Tôi phải nhấn mạnh lại, để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đã đến lúc Nhà nước phải can thiệp thị trường một cách mạnh mẽ, bởi nó chính là phương thuốc xoay chuyển những lệch lạc của thị trường”, ông Phong nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, cho rằng: “Muốn DN không chộp giật và làm ăn tử tế thì phải tạo ra luật chơi minh bạch và chỉ có Chính phủ mới tạo ra được luật chơi này. Chính phủ thay vì can thiệp trực tiếp như trước đây thì cần tham gia với vai trò là “bà đỡ” và dẫn dắt thị trường”.

 

 

;

Người viết : Chu Khôi (Kinhtenongthon)