Doanh nghiệp đem đến luồng sinh khí mới trong nông nghiệp
Thứ tư, 25/11/2015, 10:34 GMT+7
Sản xuất quy mô lớn, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật bởi những doanh nghiệp nông nghiệp lớn đang mang đến luồng sinh khí mới cho lĩnh vực nông nghiệp.
Ảnh: VGP/Lê Anh |
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kinh doanh 2015: “Đầu tư và nông nghiệp thời TPP” được tổ chức ngày 21/11 tại TPHCM.
Vai trò của DN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tại diễn đàn, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, từ một nước nghèo, thiếu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu. Trong đó, năm 2014, riêng ngành nông nghiệp đã đóng góp hơn 31 tỉ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước và góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, ông Tám cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức trong hội nhập, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng gần đây giảm sút, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp chưa cao. Hơn nữa, tình trạng sản phẩm nông nghiệp mất an toàn còn phổ biến, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước xuất khẩu…
Theo ông Vũ Văn Tám, cần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và để làm được điều này, vai trò của doanh nghiệp (DN) là rất quan trọng, là “đột phá của đột phá”, tạo động lực mới trong tái cơ cấu và hội nhập.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, là một trong những nước xuất khẩu nông sản dẫn đầu thị trường nhưng Việt Nam lại chỉ có 10 triệu nông dân sản xuất, chưa nhiều DN tham gia đầu tư.
Theo ông Tuấn, cần nâng cao vai trò của doanh nghiệp để khắc phục điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Người nông dân sản xuất không có định hướng thị trường, trong khi đó, DN sẽ hiểu thị trường, có khả năng đưa vốn, công nghệ cần thiết để phối hợp với nông dân chọn đúng sản phẩm, đúng thời điểm để đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, hình thành nên chuỗi giá trị một cách đồng bộ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để có thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Theo chuyên gia Trần Hải Yến, có ba hướng để DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tiên có thể đầu tư trực tiếp trên quy mô rộng, triển khai cánh đồng mẫu lớn. Với nhóm DN muốn đầu tư theo chuỗi thì phải thành lập công ty liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Ngoài ra, các DN có thể sử dụng phương thức mua bán và sáp nhập (M&A) để tiến vào lĩnh vực nông nghiệp nhanh chóng bởi cách thức này không yêu cầu doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư bài bản ngay từ đầu, song đòi hỏi lớn về vốn.
Hiện nay, nhiều DN lớn trong nước cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào nền nông nghiệp theo quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật triệt để như Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Sữa TH, Thủy sản Hùng Vương hay Vingroup... Những sản phẩm của các tập đoàn này hoàn toàn đủ chất lượng để cạnh tranh với những đối thủ quốc tế.
Bà Trần Hải Yến nói: “Sự thay đổi trong phương thức đầu tư của các DN lớn đang mang đến luồng sinh khí mới cho lĩnh vực nông nghiệp. Việc đầu tư dựa trên quy mô đất lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao không những giúp nâng cao hiệu quả nhờ hiệu suất theo quy mô tăng dần mà còn giúp loại trừ các rủi ro liên quan đến thiên tai, dịch bệnh.”
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho rằng, dư địa cho ngành chăn nuôi trong nước còn nhiều, Việt Nam đang đi vào bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ để sang sản xuất lớn. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, do đó cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn.
Trong bối cảnh đó, theo ông Minh, để có thể đứng vững, các DN trong nước nên trụ vững trên thị trường nội địa trước khi nghĩ đến xuất khẩu. Ông Minh chia sẻ, chiến lược của Công ty CP Hùng Vương là theo dõi, nghiên cứu kỹ thị trường trong một thời gian dài, trước khi đầu tư sản xuất cho một sản phẩm nào đó thuộc ngành chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình M&A, trong đó mỗi thương vụ chính là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể để hoàn thiện chuỗi giá trị.
Trong khi đó, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc của Hoàng Anh Gia Lai thì cho rằng với thực tiễn đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sẽ rất khó cho các DN khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn. Vì vậy, theo ông Sơn, Bộ NN&PTNT cần kiến nghị với Chính phủ ban hành các chính sách về đất đai, chính sách về vốn và công nghệ hỗ trợ ưu tiên DN đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan Nhà nước như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần cung cấp các kênh thông tin thị trường chính thống, mang tính định hướng để các DN trong nước có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)