Doanh nghiệp kêu, mỗi bộ nói một kiểu

Doanh nghiệp kêu, mỗi bộ nói một kiểu

Thứ hai, 13/07/2015, 14:27 GMT+7

Theo Bộ KH&ĐT, những quy định về kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) cho thủy sản xuất khẩu còn rườm rà, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, Bộ NN&PTNT lại lý giải, những quy định đó nhằm cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mất thêm thời gian, chi phí vì quy định của bộ. Ảnh: Phạm Anh.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mất thêm thời gian, chi phí vì quy định của bộ. Ảnh: Phạm Anh.

Bộ KH&ĐT: Quy định bất hợp lý

Mới đây, Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19 (cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia). Theo đó, bộ này đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc của DN xuất khẩu thủy sản khi thực hiện Thông tư 48/2013 của Bộ NN&PTNT (về kiểm tra, cấp chứng nhận ATTP cho thủy sản xuất khẩu).

Thông tư 48 quy định: “Nguyên liệu hải sản nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) phải được khai thác, vận chuyển bởi tàu cá có code EU; hoặc được kiểm tra, chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tương đương với EU”. Theo Bộ KH&ĐT, quy định này rất bất hợp lý, bởi số lượng các tàu cá rất ít và thậm chí không thể có code EU trong nhiều trường hợp. Một số nước trong khu vực xuất khẩu sang EU (như Thái Lan) cũng không có quy định nào như vậy.

DN xuất khẩu thủy sản cũng phản ánh, tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra, cấp chứng nhận ATTP quá cao so với nguyên tắc thẩm tra; cao hơn nhiều so với quy định hiện hành của các nước tại EU, Mỹ, Canada, Thái Lan… Theo đó, Thông tư 48 quy định tỷ lệ lấy mẫu căn cứ trên “số lô sản xuất” (lô hàng được sản xuất trong thời gian không quá 24 giờ tại một cơ sở), không phải trên “lô xuất khẩu”. Do vậy, quy mô số lô hàng phải lấy mẫu tính toán sẽ tăng lên nhiều lần. Đồng thời, việc chuyển từ lấy mẫu theo “lô xuất khẩu” sang “lô sản xuất” làm tăng chi phí của DN từ 1,2 đến 1,5 lần so với trước.

Đặc biệt, DN muốn có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho thủy sản xuất khẩu bắt buộc phải ra Hà Nội để xin tại Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản- Nafiqad (Bộ NN&PTNT). “Quy định này tạo nhiều bất cập và khó khăn cho các DN, nhất là khi hầu hết DN xuất khẩu thủy sản nằm ở phía Nam. Thủ tục này khá phức tạp và gây khó khăn cho các DN ở xa. Thời gian DN phải chờ đợi lấy giấy chứng nhận có khi lên đến cả tháng”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Ngoài ra, dù Thông tư 48 có hiệu lực từ cuối 2013, nhưng Bộ NN&PTNT chưa có văn bản hướng dẫn để các DN được hưởng quyền lợi ưu tiên (tương đương với VietGAP) khi đã có các chứng nhận quốc tế (như BAP, ASC, GlobalGAP…).

Bộ NN&PTNT: “Doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin”

Trước những bất cập của Thông tư 48, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết, theo Luật An toàn thực phẩm và thông lệ quốc tế, nước xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của nước nhập khẩu đưa ra. Theo đó, EU quy định nguyên liệu hải sản nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu vào thị trường này phải được khai thác, vận chuyển từ tàu cá có code của EU, hoặc được kiểm tra, chứng nhận theo quy định của EU. “Vì thế, chúng ta không thể bỏ qua được. Nếu bỏ, đương nhiên chúng ta khỏi phải xuất sang châu Âu. EU kiểm tra, phát hiện ra, họ sẽ dừng nhập khẩu hàng từ Việt Nam không chỉ một tàu, một DN, mà dừng cả nước”, ông Tiệp nói.

“Thời gian DN phải chờ đợi lấy giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho thủy sản xuất khẩu có khi lên đến cả tháng”.

Bộ KH&ĐT đánh giá

“Thay vì phải mất 3-5 ngày như trước, quy định mới cho phép cấp giấy chứng nhận ngay trong ngày”.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng

Về vấn đề tỷ lệ lấy mẫu tăng lên quá cao, làm tăng chi phí, thời gian cho DN, ông Tiệp cho biết, có thể một số DN chưa nắm hết thông tin, nên đánh giá chưa đầy đủ. “Thông tư này, chúng tôi đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Trước đây, khi lấy mẫu ở lô hàng trước khi xuất khẩu, phải mất 3-5 ngày. Nhưng nay, mẫu được thẩm tra tại quá trình sản xuất, DN có đơn hàng xuất khẩu đề nghị cấp giấy chứng nhận, chúng tôi có thể làm được ngay. Như vậy, thay vì phải mất 3-5 ngày như trước, quy định mới cho phép cấp giấy chứng nhận ngay trong ngày”, ông Tiệp nói.

Theo lãnh đạo Nafiqad, thực tế có 45/120 nước nhập khẩu có những yêu cầu như trên. Sau khi nhận được thắc mắc của DN, Nafiqad đã có giải trình theo yêu cầu của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát. Qua kiểm tra, số lượng mẫu lấy giảm 30% so với mức cũ, đồng nghĩa với giảm chi phí cho DN, chứ không phải “tăng thêm” như một số DN phản ánh. Nafiqad đã có văn bản gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), nói rõ về những vấn này.

Về việc Nafiqad chưa ủy quyền cho các trung tâm vùng thực hiện kiểm tra, chứng nhận về an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho DN, ông Tiệp nói: “Bộ trưởng đã yêu cầu chúng tôi có ủy quyền ngay cho các trung tâm vùng miền Nam và miền Trung”.

Theo ông Tiệp, trước đây, Bộ cho phép Nafiqad thành lập cơ quan vùng, nhưng thời điểm ban hành Thông tư 48 (tháng 11/2013), các cơ quan vùng mới thành lập, lực lượng cán bộ còn mỏng, chưa được đào tạo. Hiện các cơ quan vùng đã đủ năng lực, có thể nhận ủy quyền từ Cục, xử lý công việc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.

Về vấn đề Bộ NN&PTNT chưa có văn bản hướng dẫn để DN được hưởng các quyền lợi ưu tiên khi có có các chứng nhận quốc tế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Tôi đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đây là những quy trình áp dụng phổ biến, tạo điều kiện cho người dân, DN áp dụng quy trình sản xuất tốt”.

Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ NN&PTNT đã thành lập tổ công tác đặc biệt triển khai, giám sát các loại phí, lệ phí, điều kiện kinh doanh. Theo ông Phát, các thủ tục cần được đơn giản hóa, cắt bỏ những thủ tục rườm rà; công khai hóa, áp dụng dịch vụ công trực tuyến, giảm tối đa thời gian, công sức, tiền bạc cho DN và người dân.

 

 


Người viết : Theo Tienphong