Đông Tảo – mảnh đất của những tỷ phú
Thứ ba, 04/08/2015, 10:24 GMT+7
Không chỉ nổi tiếng là nơi “khởi thủy” của loài gà Đông Tảo tiến vua từ xa xưa, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay lại được biết đến là mảnh đất có nhiều triệu, tỷ phú nhất, nhì Việt Nam nhờ chỉ nuôi giống gà quý Đông Tảo.
Một xã có 50 tỷ phú
Dưới trời nắng nóng như đổ lửa đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến thăm trang trại của ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu đúng vào lúc ông đang đốc thúc nhân công xây dựng trang trại mới trị giá đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Vua luyện “hoa hậu” gà Đông Tảo “nghìn đô” Giang Lê Hân đang trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, luyện gà quý với khách tại trang trại của gia đình ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. |
Qua quan sát cách xây dựng, thiết kế trang trại của ông Thắng, nom không giống với các chuồng, trại chăn nuôi gà truyền thống khác mà hiện đại như khu biệt thự nhà vườn mới để cho người ở, hưởng thụ. Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi. Ông Thắng trấn an ngay: “Đúng là nhiều người khi đến đây cũng tưởng tôi xây khu du lịch, biệt thự nhà vườn nhưng thực tình là làm để nuôi gà thôi, bởi gà Đông Tảo không giống như các giống gà khác mà là giống gà quý, nên cũng cần phải có không gian hiện đại, sang trọng thì nuôi, luyện mới thành được”.
Ông Thắng cho biết thêm, khoảng đầu tháng 8 tới, khi đi vào sử dụng, trang trại với quy mô 7 sào này sẽ là mô hình kiểu mẫu để bà con trong vùng đến học tập, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nhằm giúp tạo sự gắn kết, nâng cao trình độ cho các hộ. Hiện, trang trại của ông Thắng đang nuôi khoảng gần 300 gà bố, mẹ Đông Tảo thuần chủng, trung bình mỗi năm trang trại của ông xuất bán khoảng gần 1 vạn con giống, cùng hàng trăm con gà hàng biếu có giá từ 5 đến trên 10 triệu đồng/con phục vụ thị trường những dịp lê tết, tính ra mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng trên dưới 2 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện toàn xã Đông Tảo đang có khoảng 2.000 hộ nuôi, kinh doanh gà Đông Tảo, trong đó đáng chú ý có khoảng trên 50 hộ có thu nhập “khủng” tiền tỷ trở lên, còn mức thu trên 100 triệu thì có đến hàng trăm hộ. Trong đó, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thấm, chủ trại gà Thấm Mộc thu trên 3 tỷ đồng/năm, hộ Tạ Đình Hiếu thu trên 2 tỷ đồng/năm…
Chia sẻ về thành công, tỷ phú Thấm phấn khởi bảo: “Giờ không phải vất vả ngược xuôi đi xa làm thuê như trước nữa, mà chỉ cần ở nhà chải lông, rửa chân, chăm gà quý cũng thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng rồi”. Trang trại của ông tỷ phú này đang duy trì khoảng 500 gà bố, mẹ, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 2 vạn giống (1 ngày tuổi) và trên 2.000 gà thịt thương phẩm thường và hàng biếu, doanh thu đạt khoảng trên dưới 5 tỷ đồng.
Thăm lò luyện “hoa hậu” nghìn đô
Cũng trong chuyến công tác này, chúng tôi may mắn được ông Thắng giới thiệu, và được đến thăm quan một trang trại đặc biệt. Trang trại luyện “hoa hậu” gà Đông Tảo nghìn đô của tỷ phú trẻ Giang Lê Hân (hơn 30 tuổi), chủ trại chăn nuôi gà Hân Minh ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Dù trẻ tuổi, mới chính thức bước vào nghiệp nuôi gà quý được 2 năm, nhưng nói về thành tích cũng như gia tài gà hiếm của anh hiện tại đã khiến không ít các chủ trang trại lâu năm trong vùng phải ngả mũ thán phục. Vừa dẫn khách đi thăm quan, anh Hân khoe bảo: “Với việc sở hữu 1 hoa hậu gà (chú gà mái giành giải nhất trong hội thi gà Đông Tảo năm 2015) và hàng chục gà trống loại khủng có giá từ 10 đến 20 triệu đồng/con, nói không quá chứ trang trại của tôi là độc nhất, vô nhị không chỉ trong xã mà cả ở Việt Nam này cũng không có mô hình thứ 2 đâu”.
Anh Giang Lê Hân với gà quý của mình. |
Bước vào trang trại gà, chúng tôi đã cảm nhận như được vào một thế giới khác, thế giới của tự nhiên với các cây bưởi diễn, nhãn lồng trĩu quả, các ô chuồng nuôi được anh bố trí rất hiện đại, các mái chuồng được thiết kế chống nóng hoàn toàn bằng dây hoa và giàn phun nước. Đây là nét khác biệt hiếm gặp ở các trang trại khác trong vùng mà chúng tôi đã từng đến trước đó.
Mặc dù đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề nuôi gà Đông Tảo, nhưng 2 năm gần đây anh Hân mới phát triển theo hướng luyện, nhân nuôi loại gà hàng biếu quý hiếm này. Theo anh Hân, hiện nay, đa phần các chủ trại gà trong và ngoài xã cho lai tạo pha tạp gà Đông Tảo với các loại gà khác nên cho ra lò phần lớn là các con lai, hay con giống pha tạp, chất lượng kém.
Anh Hân bảo: “Qua quá trình nuôi, dần dần tôi đã đúc rút ra được kinh nghiệm nuôi đó là chọn gà bố, mẹ Đông Tảo thuần chủng, đáp ứng các tiêu chí khỏe mạnh, chân to, mầu mận chín hay màu đen…cho giao phối với nhau thì mới có thể tạo ra được con giống thuần chủng tốt nhất được”.
Gà Đông Tảo đẻ khá ít, khả năng ấp nở kém (do trọng lượng lớn dễ giẫm vỡ trứng). Trung bình mỗi tháng 1 gà mái Đông Tảo chỉ đẻ được 12 đến 15 trứng, việc ấp nở phải nhờ gà ri hoặc ấp qua máy ấp trứng. Trên cơ sở những đặc điểm này, các chủ trại có thể chọn lọc, nhân nuôi duy trì giống gà Đông Tảo gốc cho nhu cầu chăn nuôi của nông trại gia đình.
Vua luyện “hoa hậu” gà Đông Tảo “nghìn đô” Giang Lê Hân đang cho gà quý ăn. |
Sau khi đã nhân giống, khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Để chọn được một con giống có phẩm chất cũng cần người chủ phải có con mắt nhìn, phán đoán chuẩn xác. “Theo kinh nghiệm của tôi, khi gà nuôi đến giai đoạn 3 đến 4 tháng tuổi, tôi sẽ để ý sàng lọc và chọn những con gà có hình dáng thanh thoát, đầu to (hình củ tre), vai rộng, hai gối chân thẳng, đặc biệt là chân gà phải đỏ, bụ bẫm, dọc ống chân có vảy thịt xếp cài gối nhau thẳng hàng, bàn chân tù, dày, ngón chân ngắn, mình nở, lườn trắm, đít thóp, đầu to (dáng gộc tre), ngực nở, mào xít, 2 ráy tai dài, rộng cân đối chảy xệ xuống dưới miệng mỏ màu đỏ tươi…”, anh Hân tiết lộ.
Hiện, trại gà của anh Hân đang có trên 100 cặp gà bố, mẹ Đông Tảo thuần chủng (trong đó, có trên 10 con gà trống, mái loại quý hiếm, có giá tiền từ 10 đến 20 triệu đồng/con), trung bình mỗi năm cho ra lò hàng chục nghìn gà giống, song tỷ lệ sàng lọc, chọn ra gà trống, mái đẹp, quý đi thi “hoa hậu” chỉ chiếm cá biệt chưa đến 10%.
Theo anh Hân, khi đã chọn được con giống tốt, anh thường tiêm phòng vaccin định kỳ 6 tháng/lần, cùng với đó là cho gà ăn chế độ thóc, ngô… “Đến khi gà được tuổi từ trên 1 năm, các chủ cần chú ý tỉa lông để luôn đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là việc rửa chân cho gà luôn sạch, thường xuyên cho gà được tập luyện (tập thể dục) bằng cách cho ra vườn rộng chơi, chạy nhảy… để tạo cho gà có thân hình vạm vỡ, săn chắc”, anh Hân chia sẻ.
Theo anh Giang Lê Hân, để có được con gà Đông Tảo trống, mái đẹp như ý muốn, các chủ trại nuôi cũng cần phải có bí quyết riêng của mỗi người, song theo anh quan trọng nhất vẫn là khâu chọn, nhân giống, đặc biệt là cần phải có sự may mắn nữa mới có thể thành công.
Mong sớm được công nhận nhãn hiệu tập thể
Ông Lê Quang Thắng cho biết thêm, để quảng bá thương hiệu cũng như vinh danh giống gà quý tiến vua, đầu năm 2013, Sở KHCN Hưng Yên đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Dự án “Bảo tồn nguồn gen gà Đông Tảo” (giai đoạn từ 2013 – 2015). Từ việc hỗ trợ vốn, chính sách cho các hộ nuôi, phát triển đàn gà Đông Tảo thuần chủng, đến nay, sản lượng cũng như chất lượng gà đã tăng lên đáng kể. Năm 2015 này, sản lượng ước đạt gấp 1,5 lần năm 2014.
Cũng theo ông Thắng, đầu năm 2015 vừa qua, tỉnh Hưng Yên đã chính thức giao Sở Khoa học công nghệ tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đưa Hội thi gà Đông Tảo vào tổ chức hàng năm. Ngoài ra, đến theo dự kiến, đến cuối năm 2015 này, gà Đông tảo sẽ được công nhận nhãn hiệu tập thể.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)