Đồng Tháp: Tín hiệu mới từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Đồng Tháp: Tín hiệu mới từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ bảy, 10/01/2015, 09:57 GMT+7

Địa phương xác định muốn đưa tái cơ cấu vào đồng ruộng phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân, suy nghĩ của doanh nghiệp.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng với các đề xuất chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong đó, tỉnh xác định doanh nghiệp chính là yếu tố dẫn dắt, đưa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đi đến thành công. Nhìn lại những kết quả đạt được trong năm qua càng thêm vững tin để đề án tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp phát huy thành công trong năm mới.

Hiện tại, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và khoa học công nghệ để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đối với Đồng Tháp, doanh nghiệp là chiến sĩ trong mặt trận kinh tế. Doanh nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp cũng như trong phát triển kinh tế của Đồng Tháp là động lực cho phát triển kinh tế. Chính vì thế hiện nay và sắp tới, Đồng Tháp sẽ tăng cường hơn nữa một số chỉ số thành phần điểm còn thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đoàn doanh nghiệp tỉnh Ibaraki của Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp Đồng Tháp.
Đoàn doanh nghiệp tỉnh Ibaraki của Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp Đồng Tháp.

Từ việc hết lòng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, Đồng Tháp đã có nhiều chương trình hợp tác được ký kết trong năm qua. Trong đó, có chương trình nghiên cứu, ứng dụng sản xuất hoa kiểng công nghệ cao với các doanh nghiệp Hà Lan; cơ hội hợp tác xuất khẩu xoài với tỉnh Ibaraki của Nhật Bản hay hợp tác tài trợ của Tập đoàn nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn quốc (KRC) và Ngân hàng thế giới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đây là những tín hiệu khả quan, đánh dấu cho sự khởi đầu thuận lợi của Đề án quan trọng này.

Kinh nghiệm thực tế ở Đồng Tháp cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, tỉnh xác định doanh nghiệp chính là “nhân tố” dẫn dắt thị trường, tự nghiên cứu khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chính doanh nghiệp sẽ giải được bài toán kinh tế hợp tác. Từ hiệu quả mang lại cao hơn trước nên đến nay, nông dân đã biết tự hợp tác lại, làm đối trọng với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đơn vị đã tham gia triển khai chương trình cánh đồng lớn ở Đồng Tháp nêu rõ, Đồng Tháp đã có tầm nhìn trong việc xác định mục tiêu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

“Doanh nghiệp đầu tư ở vùng sâu nhưng được các cấp chính quyền quan tâm nên việc tổ chức lại sản xuất, thay đổi tập quán làm lợi cho bà con gặp nhiều thuận lợi. Điều này đã được thể hiện qua những chính sách cụ thể. Ngay cả việc vận động bà con tham gia chuỗi giá trị, chính quyền đã là chỗ dựa để đảm bảo niềm tin với người dân. Đây là điều đáng quý và cần thiết với doanh nghiệp trong việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”, ông Thòn khẳng định.

Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xác định rất rõ việc hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống dân cư nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 5% trở lên, thu nhập nông dân tăng gấp 2 lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% mỗi năm...

Để tái cơ cấu thành công, Đồng Tháp đã xác định phải theo cơ chế thị trường. Trong đó, tín hiệu thị trường phải thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp là người tìm thị trường, rồi mang giống về thuê nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Có như vậy thì “đầu vào” và “đầu ra” mới hòa nhịp.

Ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - Thương mại Võ Thị Thu Hà – doanh nghiệp tham gia cánh đồng liên kết ở Đồng Tháp cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ theo Quyết định 62 sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp hướng tới sẽ đầu tư khép kín cho nông dân. Trong đó đầu tư tập trung vào vật tư, phân bón, cho đến bao tiêu sản phẩm. Cách làm này khác biệt hơn trước đây.

Các doanh nghiệp Hà Lan tìm cơ hội hợp tác tại làng hoa Sa Đéc.
Các doanh nghiệp Hà Lan tìm cơ hội hợp tác tại làng hoa Sa Đéc.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trăn trở, là tỉnh tiên phong trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đang nhắm đến mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đang kỳ vọng sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn dĩ còn rất nhiều tiềm năng. Trên con đường này rất cần sự đồng hành của những nhà đầu tư có kinh nghiệm, đầy tâm huyết để góp phần đưa nông sản của tỉnh vươn lên một tầm cao mới, điều đó đồng nghĩa với việc đời sống của người nông dân cũng sẽ được nâng lên.

Chính vì thế, tín hiệu mà ông Lê Minh Hoan đưa ra cho 2015 là phải nhất quán mục tiêu theo đuổi, không hoang mang, dao động. Đó là chuyển tư duy chạy theo giá bán nông sản thành tư duy lấy lợi nhuận của người sản xuất làm thước đo cho hiệu quả của quá trình Tái cơ cấu nông nghiệp. Năm 2015 này phải làm được điều đó, tức là phải định vị lại, thay đổi cách tính toán, cách lập kế hoạch của cơ quan nhà nước và thay đổi lại suy nghĩ của người sản xuất.

“Phải xây dựng lòng tin, độ sẵn lòng của người sản xuất và doanh nghiệp để liên kết. Hai chủ thể này quan trọng nhất. Không có sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp bền vững sẽ không tái cơ cấu được. Sản xuất ngành hàng nào, loại nào nếu liên kết chặt thì sẽ thành công”, ông Hoan nhấn mạnh.

Bài học được rút ra sau thời gian tiến hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, đó là muốn đưa chính sách vào cuộc sống, trước tiên phải đưa cuộc sống vào chính sách. Muốn đưa tái cơ cấu vào đồng ruộng phải biết tâm tư, nguyện vọng của nông dân, suy nghĩ của doanh nghiệp ra sao. Nếu giải quyết các việc đó rốt ráo thì tái cơ cấu nông nghiệp chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

 


Người viết : Thanh Tùng (VOV - ĐBSCL)