Đưa nghề mới về làng

Đưa nghề mới về làng

Thứ sáu, 16/01/2015, 14:58 GMT+7

Gần đây tại Quảng Nam có nhiều chủ cơ sở mây tre đan nhận hàng của các công ty về làm đã thu hút hàng trăm lao động nông thôn. 

 

Nghề mây tre đan đem lại thu nhập 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng
Nghề mây tre đan đem lại thu nhập 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng

 

Mỗi ngày chị em phụ nữ kiếm được thu nhập 70.000 - 150.000 đồng.

Trong căn nhà cấp bốn bé nhỏ của chị Trần Thị Hồng Anh, thôn An Thái (xã Bình An, huyện Thăng Bình) có đến hàng chục chị em kéo đến học nghề đan ghế nhựa xuất khẩu.

Tận tình chỉ dạy từng chi tiết cho các “học viên”, chị Anh cho biết: "Hôm qua, mới ký được hợp đồng đan 3.000 ghế, hôm nay họ giao hàng, chị em đến nhà học cách đan. Sau một ngày học, tui giao hàng cho các chị đưa về nhà để SX, xong tập kết đến nhà tui giao lại cho Cty".

Trước đây, chị Anh đi khắp nơi học nghề. Chị vào Núi Thành, TP Hội An (Quảng Nam) và ra TP Đà Nẵng để tích lũy kiến thức. Khi “thủ sẵn” nghề trong tay thì ký hợp đồng với Cty đưa nguyên liệu về địa phương để làm. Ban đầu chỉ ít người tham gia, nhưng thấy công việc dễ làm, nên mọi người kéo nhau đến học khá đông.

Chị Anh tâm sự: “Một năm chị em bận bịu công việc vào mùa vụ, còn lại nông nhàn nhiều lắm. Nghĩ đến cảnh chị em "ăn không ngồi rồi" nên tôi mới nảy sinh ra làm nghề này. Ban đầu, tôi vay được 20 triệu đồng tiền ngân hàng, để mua nguyên liệu, trang thiết bị để chị em làm. Sau đó, có được đồng tiền lời đầu tư tiếp”.

Hiện cơ sở của chị thu hút khoảng 50 lao động, bình quân mỗi tháng thu 1,5 - 3 triệu đồng người.

 

Chị Trần Thị Hồng Anh (trái) chỉ dạy cho các chị em làm nghề
Chị Trần Thị Hồng Anh (trái) chỉ dạy cho các chị em làm nghề

 

Chị Nguyễn Thị Lan, thôn An Thái sắp hoàn thành một cái ghế cho hay: "Ở đây thời gian nhàn rỗi nhiều mà không có việc để làm, nhưng từ khi chị Anh mở cơ sở, thì chị em trong xóm có việc làm thường xuyên. Ban đầu học nghề thì còn bỡ ngỡ nhưng giờ đây thì quen tay rồi nên chị em trong thôn có thể tận dụng thời gian rỗi để làm, có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo chị Đông, nhiều chị em khác nhận hàng về nhà. Hằng ngày các chị vẫn lo cơm nước, lợn gà, rồi đưa đón con đi học, tranh thủ lúc nào rảnh thì làm. Nhờ đó mà gia đình các chị có thêm đồng ra đồng vào. Mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng, số tiền này chưa phải là cao, nhưng giải quyết được rất nhiều việc làm cho chị em ở vùng quê vốn chỉ trông vào cây lúa.

Làm việc "tại gia" nên thuận lợi lắm, sáng cho con ăn, đưa đi học, rồi sau về làm việc, trưa lại lo cơm nước cho gia đình. Mỗi ngày đan được 2 cái ghế, thu 100.000 đồng”.

Tương tự, hơn 10 năm nay, chị Đặng Thị Kim Thu ở thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú (Thăng Bình) gian nan tìm hướng làm ăn. Chị Thu đã giúp hàng trăm phụ nữ có công ăn việc làm. Vui hơn cả là chị đã mang được nghề mới về vùng quê thuần nông này.

Ngôi nhà rộng rãi của chị Thu nằm sâu trong thôn Phước Cẩm. Nó cũng là nơi vợ chồng chị tập kết hàng hóa rồi chuyển lên ô tô cho khách hàng.

Sáng sớm, chị em ở trong thôn lũ lượt mang hàng đến nhà chị. Chị Thu, tay cầm sổ vui vẻ nhận hàng của từng chị em. Người đan được 10 cái giỏ mây, người đan được 15 cái… chị em tíu tít giao nhận tựa như lâu ngày rồi không gặp nhau.

Khi chị em đã giao hàng xong, chị Thu mới kiểm tra lại từng sản phẩm, xem cái nào chưa đạt, chưa chuẩn theo mẫu, chị ngồi chỉnh lại. Chị kiểm tra kỹ từng chi tiết của sản phẩm. “Công đoạn cuối cùng mình phải giám sát chặt chẽ. Sai lỗi gì phải đền bù tiền người ta là chị em hết công”, chị Thu nói.

Cạnh những tấm mây tre đan chất cao là kho ghế đan bằng dây nhựa. Mặt hàng nào cũng được chị xếp gọn gàng. Từng sản phẩm được làm rất khéo và đẹp đến từng chi tiết. Theo chị Thu, đến giờ có hơn một trăm chị em nhận hàng về nhà làm.

 

Chị Thu kiểm tra lại sản phẩm
Chị Thu kiểm tra lại sản phẩm

 

Hôm chúng tôi đến thăm cơ sở, có 2 phụ nữ đang ngồi đan ghế ở nhà chị Thu. Đôi tay các chị nhanh như cắt, đưa lên đưa xuống, đan từng đường chuẩn xác. Chị Nguyễn Thị Đông, người cùng thôn cho biết: “Mỗi ngày chịu khó làm cũng đan được 2 cái ghế, được trả 100.000 đồng tiền công. Tôi tranh thủ thời gian nông nhàn, có việc làm, có thu nhập là vui rồi”. 

 


Người viết : Đắc Thành (Nongnghiep.vn)