È cổ gánh nợ hằng trằm tỷ đồng sau xây dựng nông thôn mới
Thứ ba, 19/04/2016, 10:55 GMT+7
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn với hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ nhưng cũng để lại số nợ rất lớn. Kết thúc nhiệm kỳ sau đại hội, bàn giao giữa lãnh đạo cũ và mới, tổng số nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cầu Tám Ngàn, nối liền ấp Huê II A và Vĩnh Bình B (xã Vĩnh Thanh) bị “treo” hơn một năm nay do nhà thầu bỏ chạy vì sợ chủ đầu tư giam nợ... |
Làm trước, trả sau
Chúng tôi tìm về Phước Long khi huyện này đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với 6/7 xã đạt chuẩn, đang làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao. Bên cạnh những cái được, huyện Phước Long cũng đang mang số nợ rất lớn.
Qua 5 năm thực hiện, tổng nguồn vốn đầu tư toàn huyện cho NTM trên 5.000 tỷ đồng. Theo số liệu mà lãnh đạo huyện này đưa ra thì số nợ khi bàn giao giữa hai nhiệm kỳ là 373 tỷ đồng, trong đó, nợ xây dựng NTM hơn 200 tỷ, còn lại nợ các công trình khác, gồm cả công trình do tỉnh quyết định đầu tư.
“Cục nợ” trên của Phước Long chủ yếu là đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong đó, lớn nhất đầu tư cho làm đường, cầu giao thông nôn thôn. Báo cáo về nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của huyện Phước Long cho thấy, trong 5 năm qua huyện đã đầu tư làm 183 cây cầu bê tông cốt thép; xây dựng 529 km đường nhựa và bê tông với tổng kinh phí đầu tư riêng cho tiêu chí giao thông lên đến hơn 643 tỷ đồng.
Vĩnh Thanh là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của hyện Phước Long và cũng là xã về đích sớm nhất của tỉnh Bạc Liêu. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, ông Hà Minh Luân cho biết, nguồn vốn đầu tư để hoàn thành chương trình NTM của xã trong 5 năm qua là 437 tỷ đồng. Hiện một số công trình do xã làm chủ đầu tư như: giao thông nông thôn, trạm bơm điện… vẫn còn nợ các nhà thầu số tiền 19 tỷ đồng.
“Ở trên giao cho xã làm chủ đầu tư các công trình trên địa bàn, đồng thời cho chủ trương kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn làm trước rồi thanh toán lại sau. Giờ mang số nợ lớn như vậy chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ vào nguồn vốn từ trên rót xuống chứ xã không thể xoay xở được”, ông Luân than phiền.
Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, do là huyện điểm xây dựng NTM được Trung ương chọn và kế hoạch đến hết năm 2015 phải hoàn thành nên chúng tôi phải làm nước rút. Để hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi đã vận động các nhà thầu ứng vốn đầu tư xây dựng công trình trước, khi có nguồn hỗ trợ của cấp trên sẽ hoàn trả lại sau.
Nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, kinh phí cấp trên hỗ trợ rất ít dẫn đến bị thâm hụt lớn. Cuối năm 2015, tình hình nợ các công trình rất căng thẳng, chúng tôi phải vận động cán bộ và công nhân viên toàn huyện cho nợ lương mấy tháng để lấy tiền đó thanh toán, giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu.
Vạ lây
Để đẩy nhanh tiến độ đi lên huyện NTM, các công trình trên đa phần được thực hiện khi nguồn vốn chưa về. Nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư, nhưng không ứng được vốn nên “bỏ của chạy lấy người”. Đến nay trên địa bàn huyện còn lại một số công trình dở dang.
Nằm mốc meo ngay ngã tư sông, trường tiểu học Tường Thắng A (xã Vĩnh Thanh, xã NTM đầu tiên của Bạc Liêu) trơ bộ khung bê tông dang dở phơi nắng, phơi sương. Người dân địa phương cho biết, trường được xây dựng vào năm 2013, thi công được khoảng nửa năm thì chủ thầu bỏ đi. Đến nay đã hơn hai năm công trình vẫn đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” trước sự lo sợ của phụ huynh. Vì những tấm ván cốp pha đổ bê tông vẫn treo lơ lửng trên đầu con em họ, có thể rớt bất cứ lúc nào.
Bà Tám Chính, nhìn đoạn đường bê tông phẳng lì, thênh thang trước mắt nói với chúng tôi rằng: Trước đây chúng tôi không có đường lớn như vậy để đi đâu. Từ khi làm NTM, bà con được hưởng lợi rất phấn khởi. Tuy nhiên, cái trường học cứ để thế này thì lãng phí quá.
“Trường này hồi trước tuy nhỏ, nhưng là chỗ học ổn định của học sinh mầm non và tiểu học nơi đây. Hiện tại, các em học cấp 1 một phần phải về trụ sở ấp, phần phải qua ấp khác học rất bất tiện”, bà Chính nói.
Tương tự, cây cầu Tám Ngàn, nối liền ấp Huê II A và Vĩnh Bình B (xã Vĩnh Thanh) cũng bị “treo” hơn một năm nay. Cây cầu có vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng, nhà thầu ứng vốn ra làm được khoảng 60% khối lượng công việc thì đành bỏ dở vì sợ bị chủ đầu tư treo nợ quá lâu.
Trong giai đoạn khó khăn nhất, huyện Phước Long mất cân đối thu chi trầm trọng dẫn đến nợ lương cán bộ, nhân viên tới 3 - 4 tháng liền. Nhớ lại giai đoạn những tháng cuối năm 2015, không nhận được đồng lương nào, cô Nguyễn Thị T, một giáo viên trẻ dạy tại xã Vĩnh Phú Đông mở đầu cây chuyện với chúng tôi bằng câu nói: “Khổ lắm, cực kỳ khó khăn anh ơi!”.
Cô T mới ra trường thì về đây dạy, lương không bao nhiêu nên tháng nào tiêu hết tháng đó, chẳng có khoản tích góp gì. T chia sẻ rằng: “Cứ đầu tháng đến cuối tháng là hết lương, lại trông vào tháng tới. Nhưng đột ngột bị “cúp lương”, không biết phải xoay xở thế nào, em đành phải vác mặt về nhà ngoại ở gần đây xin gạo để ăn. Còn tiền thì gọi về mượn ba mẹ, cộng lại đó rồi có tiền gửi lại, chứ bây giờ đi làm rồi mà còn xin tiền nhà thì kỳ lắm”.
Cô giáo trẻ này còn kể rằng, nhiều giáo viên trong trường cô dạy, có người lột trang sức chồng mua cho mang đi cầm cố xài tạm. Họ hy vọng khi có lương sẽ chuộc lại nhưng không ngờ bị “treo” lâu quá, họ phải bán luôn. Vài người vay mượn tiền nhà nước, không có lương họ phải vay nóng ở ngoài để trả, còn bị ngân hàng phạt vì trả chậm nữa nên ai cũng kêu trời không hà…!
Không may mắn được như cô T, anh Lê Văn H sinh ra trong gia đình nghèo, chạy vạy khắp nơi mới được một trường tại Phước Long nhận vào làm văn phòng theo dạng hợp đồng, lương tháng 1,5 triệu đồng. Mọi chi tiêu trong nhà để nuôi ba mẹ già và một người em đang đi học anh đều phải lo hết. Đến mức anh phải đi làm bằng chiếc xe đạp các thầy cô trong trường hùn vào mua cho. Đối mặt với cảnh “đói lương” mấy tháng liền, một đồng nghiệp của anh nói rằng, “ở cái trường này H là người khổ nhất”.
Trước những tháng ngày dài than phiền của cán bộ, công nhân viên, tỉnh Bạc Liêu phải ra tay giải cứu. Giai đoạn cuối quý 3 năm 2015, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu họp và thống nhất ứng cho huyện Phước Long 50 tỷ đồng để giải quyết khó khăn trước mắt. Số tiền trên trước tết Bính Thân đã được giải ngân, cán bộ, công nhân viên chức huyện Phước Long như vỡ òa. Ngay trước nghỉ Tết cổ truyền vài ngày họ đã nhận được hết các khoản nợ lương.
Bán đất trả nợ
Xuất phát điểm xây dựng NTM của Phước Long rất thấp, trung bình chỉ khoảng 4 - 5 tiêu chí/xã. Đến nay đạt được thành quả như trên là rất đáng khích lệ, nhưng con số hơn 200 tỷ đồng còn nợ các nhà đầu tư như “hạ bệ” thành quả trên. Dư luận hiện đang chờ xem Phước Long sẽ làm gì để giải quyết món nợ này?
Đang đầu tư dở dang thì “cụt vốn”, Trường Tiểu học Tường Thắng A (xã Vĩnh Thanh) nằm trơ bộ khung phơi nắng, phơi sương gần 2 năm nay |
Phước Long là huyện vùng sâu, kinh tế còn nghèo, thu ngân sách của huyện hàng năm chỉ vào khoảng 50 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ của cấp trên mà để cho huyện này tự xoay xở thì có lẽ phải mất cả chục năm mới trả hết nợ. Theo ông Ân, qua cân đối các nguồn thì nhanh nhất cũng phải đến hết năm 2018 huyện mới có thể trả xong nợ. Chúng tôi đã làm việc với tất cả chủ nợ, cơ bản đã thỏa thuận đâu đó, nợ ai trước sẽ trả trước. Tỉnh đã có phương án đề nghị trung ương hỗ trợ cho huyện điểm và cũng sẽ ưu tiên nguồn vốn để phần nào khắc phục khoản nợ trên của huyện.
Về các nguồn để trả nợ, ông Ân cho biết, ngoài nguồn Trung ương hỗ trợ, tỉnh cũng ưu tiên nguồn vốn cho huyện để thanh toán cho các nhà thầu. Về phía huyện ngoài việc được chỉ đạo không đầu tư mới thêm các công trình, sẽ thắt chặt chi tiêu để trả nợ. “Tỉnh cũng đã cho chủ trương huyện được hóa giá một số diện tích đất công, bán các trụ sở cũ không còn sử dụng để có thêm nguồn trả nợ đầu tư”, ông Ân chia sẻ.
Bài học sâu sắc mà huyện Phước Long rút ra được đó là dù đầu tư đúng chủ trương, mang lại lợi ích to lớn cho người dân nhưng cũng phải biết lượng sức mình, liệu cơm gắp mắm. Cũng vì thành tích xây dựng NTM, để lại cục nợ lớn mà ban lãnh đạo huyện đã bị tỉnh kiểm điểm, nhắc nhở.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)