Gạo không chỉ để nấu cơm!
Thứ ba, 24/03/2015, 14:14 GMT+7
Việt Nam là đất nước của lúa gạo, mỗi năm có hàng triệu tấn "ngọc trời" của đất Việt vi vu đến các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng muốn nâng cao giá trị hạt gạo, việc sử dụng những phụ phẩm của nó sau quá trình làm trắng và lau bóng vào công nghiệp chế biến, thực phẩm cần phải được tính đến. Thực tế, tại Nhật Bản, cám gạo đã trở thành nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành.
Từ cám gạo đến dầu ăn
Nông dân Kim Bảng (Hà Nam) làm nấm rơn. |
Trong chuyến thăm Việt Nam của tỉnh Wakayama (Nhật Bản), Tập đoàn TSUNO đã giới thiệu quy trình chế biến cám gạo thành dầu ăn, mỹ phẩm,… với những công dụng không ngờ. Theo các chuyên gia, cám gạo chiếm khoảng 8% trọng lượng hạt lúa. Hàm lượng dầu trong cám gạo ước tính khoảng 18%. Cám gạo còn chứa hầu hết lượng dầu và phần lớn lượng đạm, các chất khoáng, vitamin và chất xơ tiêu hóa được trong hạt thóc vì vậy dầu cám gạo thô còn có thể tinh luyện thành dầu trộn salad chất lượng cao. Bên cạnh đó, cám gạo cũng được sử dụng làm nguyên liệu trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có chế biến mỹ phẩm, sữa….
Được biết, TSUNO đã tiến hành nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp chiết xuất từ gạo, cám gạo trong 60 năm qua. Ngoài sản phẩm chủ đạo là dầu gạo, công ty còn chiết xuất các chất có công dụng tốt như: Axit phytic, Inositol (vitamin B8), Gamma - Oryzanol... làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm cho chăn nuôi... cung cấp cho thị trường nhiều nước trên thế giới. Việc áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến đã đưa những phụ phẩm này thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Được biết, giá bán 1 lít dầu ăn chiết xuất từ cám gạo tại siêu thị Nhật Bản là 150.000 đồng, 1 lọ kem dưỡng da 120g giá 600.000 đồng…
Ở Việt Nam, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công dầu gạo nguyên chất với chất lượng cao, giữ lại tối đa các vi chất dinh dưỡng quý giá có trong dầu gạo như Phytosterols, Vitamin E và đặc biệt là Gamma-Oryzanol, phù hợp với những tiêu chuẩn khắt khe của các nước tiên tiến, đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm của thị trường trong nước.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác dụng tuyệt vời của các vi chất dinh dưỡng trong dầu gạo đối với sức khỏe. Đặc biệt, trong dầu gạo có chứa hàm lượng các dưỡng chất chống ô-xy hóa tự nhiên, bao gồm: Gamma-Oryzanol, Phytosterols, Vitamin E… cao hơn hẳn các loại dầu thực vật thông thường. Ngoài ra, Phytosterols được tìm thấy với hàm lượng cao trong dầu gạo, cùng với Vitamin E, Omega-3,6,9 và các a-xít béo chưa no, có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, đặc biệt trong việc giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu, từ đó giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, bảo vệ vững chắc sức khỏe tim mạch, huyết áp.
Bà Mayu Aizawa, đại diện Công ty TSUNO, bày tỏ mong muốn tìm đối tác Việt Nam thành lập công ty liên doanh để sản xuất và phân phối các sản phẩm giá trị làm từ cám gạo. "Việt Nam là đất nước lúa gạo, chúng tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng để phát triển tại đây. Chúng tôi mong muốn chia sẻ bí quyết công nghệ với các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam", bà Aizuwa khẳng định. Hiện, công ty này dự định sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tại Long An trong vòng 2 năm tới để vừa tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản, vừa sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có tại địa phương.
Một nguyên liệu quan trọng của thức ăn chăn nuôi
Việc sử dụng các sản phẩm từ gạo như thóc, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi để giảm bớt gánh nặng nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo cũng được đề cập. Ông Li Si Heng, Tổng giám đốc Công ty Agro Việt Nam, chia sẻ, hiện công ty sử dụng 100% nguồn cám gạo chủ yếu ở các vùng nguyên liệu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nguồn cám gạo ở đây vô cùng dồi dào nhưng thực tế khai thác chưa được hiệu quả. Chỉ riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mỗi năm có khoảng 4 triệu tấn cám gạo được tạo ra từ hoạt động xay xát lúa gạo. Hiện cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp tại ĐBSCL sử dụng nguồn nguyên liệu này để trích ly, gồm Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam (Cần Thơ) và Công ty TNHH Dầu ăn Uni-Bran (Tiền Giang). Tuy nhiên, số lượng cám được đưa vào chế biến sâu chưa đáng kể, chỉ khoảng 300.000 tấn.
Theo nghiên cứu, cám tươi nếu được đưa vào trích ly trong vòng 6 - 8 giờ sau khi xay xát gạo sẽ thu được sản phẩm dầu cám gạo giá trị. Ngoài ra, thời gian bảo quản sản phẩm cám gạo đã trích ly để chế biến TĂCN cũng tăng lên 6-8 tháng so với mức 7-10 ngày của cám gạo chưa qua chế biến. Hiện, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 1 triệu tấn cám gạo các loại, phục vụ chế biến TĂCN, thức ăn thủy sản các loại.
Làm củi từ trấu
ĐBSCL mỗi năm sản xuất 25 triệu tấn lúa, nghĩa là có 25 triệu tấn rơm, 5 triệu tấn trấu, 2,6 triệu tấn cám. Ở các nước tiên tiến như Đan Mạch, Mỹ hay một số nước Đông Nam Á như Philippines đều đã cấm đốt rơm, rạ ngoài đồng ruộng, nhưng việc đốt rơm, rạ ở ta vẫn phổ biến ở các vùng nông thôn và ven đô, gây ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và lãng phí một nguồn tài nguyên năng lượng vô giá.
Chỉ tính TP. Cần Thơ hàng năm phát sinh hơn 1 triệu tấn rơm rạ và trên 60% lượng rơm rạ hàng năm bị người dân đốt bỏ gây lãng phí, tác động xấu đến môi trường. Nguyên nhân do hầu hết máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa hiện nay tại ĐBSCL đều phun trải rơm rạ khắp ruộng, gây khó cho nông dân trong việc thu gom. Chính vì vậy, thời gian qua, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đã triển khai nghiên cứu dự án sử dụng phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo bao gồm rơm và trấu, giúp tăng thu nhập cho nông dân và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
IRRI cho biết, thông qua các kỹ thuật tiên tiến, rơm có thể dùng sản xuất Ethanol, từ đó sản xuất ra các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, làm vật liệu xây dựng hoặc trộn với men vi sinh để làm phân bón, bên cạnh những cách làm truyền thống như sản xuất nấm rơm, hoặc làm thức ăn cho gia súc. Hiện, một số công nghệ đang được các nước áp dụng để sản xuất năng lượng từ phụ phẩm lúa gạo như ép củi trấu; cuốn ép rơm, rạ; đốt trực tiếp rơm rạ trong nhà máy nhiệt điện… đều cho hiệu quả kinh tế lớn hơn sử dụng than, gas.
Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang), củi làm từ trấu do trung tâm nghiên cứu và sản xuất là nhiên liệu vừa rẻ tiền vừa thân thiện với môi trường, đã được bán cho KCN Bình Dương thay thế than đá. Một bó rơm 13 kg được cuộn bằng máy đưa từ ruộng lên bờ có giá 20.000 đồng, đến trại nuôi bò có giá 30.000 đồng. Nếu tất cả rơm của ĐBSCL được đem đi trồng nấm để xuất khẩu thì giá trị thu về khoảng 3 triệu USD.
Cám gạo và rơm cũng sẽ được Trung tâm Định Thành nghiên cứu, sử dụng công nghệ hiện đại để cho ra những sản phẩm có thu lợi cao hơn hẳn làm nguyên liệu TĂCN hay làm nấm rơm như lâu nay. Bởi thành phần nhiều chất dinh dưỡng của cám có thể chiết xuất dầu cám làm mỹ phẩm, dược liệu. Rơm có thể biến thành khí sinh học làm nhiên liệu hoặc than hoạt tính.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng gạo của Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 28,125 triệu tấn. Do công nghệ xay xát nên chỉ có khoảng 3% cám gạo có thể sử dụng để trích ly dầu nhưng cũng tương đương 3,5 triệu tấn dầu thô. Tiềm năng lớn như vậy, nhưng hiện nay trên thế giới hàng năm chỉ có khoảng 500.000 tấn dầu cám đạt phẩm chất được sử dụng trong công nghiệp sản xuất dầu ăn. |
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)