Tại thị trường tự do, nhiều tiệm vàng niêm yết giá bán ra ở mức 40 triệu đồng/lượng.
Đến chiều 6-7, giá vàng đã chạm 40 triệu đồng/lượng - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Thị trường loạn giá
Giá vàng miếng đã tăng dồn dập từ khi mở cửa thị trường và vượt xa mức 38 triệu đồng/lượng. Đến chiều giá vàng tiếp tục bị đẩy lên mức 38,65 triệu đồng/lượng, rồi cán mốc 39,8 triệu đồng/lượng vào cuối ngày trước khi giảm nhẹ về mức 39,7 triệu đồng/lượng dù giá vàng thế giới không tăng thêm.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đã cao hơn đến 2,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tục tăng “khủng” khiến nhiều người đua nhau đi mua vàng. Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho biết lượng vàng bán ra những ngày qua tăng gấp 2-3 lần so với đầu tháng, khoảng 200-300 lượng/ngày.
Đa số là người mua nhỏ lẻ, người mua nhiều nhất chỉ khoảng 30-35 lượng nhưng rất hiếm. “Nguồn cung hạn hẹp, người có vàng không bán trong khi nhu cầu mua lại tăng dẫn đến giá vàng liên tục bị đẩy lên” - bà Cúc nói.
Ghi nhận cùng ngày cho thấy ở các điểm bán vàng lớn có khá đông người đến mua - bán vàng. Một số người mua được vàng lúc giá ở mức 33-34 triệu đồng/lượng đã đến bán chốt lời. Tuy nhiên số người đến bán ít hơn số người đến mua.
Do giá vàng biến động trong biên độ khá rộng nên mỗi nơi mỗi giá, đặc biệt các tiệm vàng nhỏ đẩy chênh lệch giữa giá mua - bán lên đến 2 triệu đồng/lượng, gấp đôi chênh lệch theo niêm yết tại Công ty SJC và tiệm vàng Mi Hồng.
Biểu đồ giá vàng trong hai tuần qua - Đồ họa: V.CƯỜNG |
Giá vàng tăng vì đâu?
Trong vòng chưa đến hai tuần, giá vàng đã tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng. Theo ông Nguyễn Thành Long - chủ tịch Hiệp hội Vàng VN, nguyên nhân của hiện tượng này do tác động tâm lý.
Người có vàng không chịu bán ra vì chờ giá tăng nữa, trong khi người có tiền nhàn rỗi cũng đổ đi mua vàng với hi vọng giá sẽ còn tăng nữa. Ngoài ra, từ lâu thị trường trong nước không được bổ sung thêm nguồn cung vàng dẫn đến khan hiếm.
Chưa kể giữa lúc giá vàng sốt nóng, các bình luận đều theo hướng giá vàng còn tăng nữa cũng đã tác động rất lớn đến tâm lý người dân.
“Khó đánh giá được hết độ chính xác của những bình luận, dự đoán của giới đầu cơ nhưng nếu giá vàng thế giới đi xuống, giá vàng trong nước cũng lập tức xì hơi do những người mua vàng trước đây tranh nhau bán ra” - ông Long nhận định.
Chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng giá vàng trong nước đã có dấu hiệu tăng “hỗn”, thoát ly giá vàng thế giới, do vậy cần can thiệp từ vĩ mô để ổn định thị trường.
“Giá vàng tăng liên tục trong hai tuần qua tạo tác động tâm lý, trong đó có những người bán ra khi giá vàng ở mức thấp hơn đã mua lại và một số người mới tham gia thị trường khiến nhu cầu vàng tăng lên. Đây là hiện tượng bất bình thường và cực kỳ nguy hiểm vì sẽ tạo áp lực lên tỉ giá” - ông Hải phân tích.
Cũng theo ông Hải, tối 4-7 sàn giao dịch hàng hóa tương lai lớn của thế giới là COMEX (Mỹ) đã tăng tỉ lệ ký quỹ của vàng lên 22,2%, điều này cho thấy các tổ chức thế giới đã cảnh báo giá vàng có hiện tượng bong bóng.
“Thị trường trong nước đã tăng quá lố và có dấu hiệu kích giá, không có lợi cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần có động thái để thể hiện vai trò của mình” - ông Hải nhấn mạnh.
Đừng chơi trò may rủi
Theo ông Nguyễn Thành Long, nếu người mua vì mục đích kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm, năm ăn năm thua, tức có thể lãi cao nhưng cũng có thể thua lỗ nặng. Còn mua tích trữ lúc này là không nên vì với tình hình giá vàng hiện nay chưa biết ra sao.
“Kinh nghiệm cho thấy giá vàng biến động rất thất thường. Sau khi thỏa mãn ở mức giá nào đó, giới đầu cơ sẽ bán chốt lời. Khi đó nguồn cung tăng lên, giá vàng sẽ “mềm” trở lại. Người dân cần thận trọng, không nên đua theo giá vàng dễ rơi vào bẫy” - ông Long khuyên.
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cũng cho rằng nhiều người có tâm lý đầu tư theo kiểu phong trào, thấy vàng lên cũng mua theo mà không có sự phân tích hoặc am hiểu về thị trường.
Chưa kể gần đây khi một số kênh đầu tư khác chững lại nên người dân đua theo vàng mong kiếm lời nhanh. Điều này thể hiện ở việc hiện nay tỉ lệ người mua bán trên thị trường đã ở mức 70:30, tức 7 người mua, 3 người bán.
“Người dân không nên vội vã tham gia vì thị trường lúc này rất rủi ro. Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng rất cao, lên đến 1-2 triệu đồng/lượng, là dấu hiệu cho thấy thị trường chưa ổn định. Sẽ khó có chuyện vàng lên đến 1.900-2.000 USD/ounce nên đừng vì nghe theo các lời đồn thổi mà lao vào đầu tư vàng nhằm mong kiếm được món lợi kếch sù” - ông Long khuyên.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, giá vàng tăng do tác động kép từ đà tăng của giá vàng thế giới và yếu tố tâm lý do có rất nhiều dự báo cho rằng giá vàng còn tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, qua làm việc với các ngân hàng và các công ty vàng lớn, Ngân hàng Nhà nước TP thấy rằng nguồn cung vàng vẫn đảm bảo, không có cảnh xếp hàng rồng rắn. “Ngân hàng Nhà nước TP đang theo dõi sát và sẽ có động thái can thiệp tránh tình trạng đầu cơ, làm giá lũng đoạn thị trường vàng” - ông Minh khẳng định.
Đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàngTrao đổi với báo chí chiều 6-7, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, cho rằng giá vàng biến động mạnh trong những ngày qua chủ yếu do tác động tâm lý của thị trường sau khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất cũng khiến giá vàng biến động, bởi nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như tài sản an toàn, bảo toàn vốn. Cũng theo ông Cảnh, giá vàng trong nước đã chịu tác động của giá vàng thế giới, tăng mạnh trong những ngày gần đây và đến ngày 6-7, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới. Dù vậy, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những đợt giá vàng biến động mạnh trước đây. Ông Cảnh cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng để tránh rủi ro bởi giá vàng biến động trong mấy ngày qua chỉ là nhất thời. “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” - ông Cảnh nhấn mạnh. L.THANH |